Nguyễn Hữu Tráng (Berlin): NHỮNG THÁNG NGÀY ĐẦU TIÊN TRÊN ĐẤT ĐỨC

Thứ sáu - 08/09/2017 06:47
Xin mời các bạn đọc tiếp phần 2 Hồi ức của một cựu du học sinh Việt Nam viết về những ngày mới sang CHDC Đức.
Herder Institut thời tác giả học ở đó
Herder Institut thời tác giả học ở đó

Phần 1:

>> Nguyễn Hữu Tráng (Berlin): CHUYẾN TÀU ĐÊM 40 NĂM TRƯỚC  

          … Đoàn tàu liên vận quốc tế Moscow- Berlin qua Ba Lan đưa đoàn lưu học sinh chúng tôi đến thủ đô Berlin của Cộng hòa dân chủ Đức buổi trưa một ngày cuối tháng 8 năm 1977.

          … Chiều muộn hôm đó chúng tôi về đến phố Lumumbastraße của thành phố Leipzig và được phân phòng ngủ trong khu vực ký túc xá ở đây. Cảm giác ban đầu hơi thất vọng vì phố xá vắng lặng, nhà cửa cũ kỹ, đường lát đá đen bóng nhưng gồ ghề. Các ngôi nhà thì một mầu xám xịt. Ấn tượng đó hoàn toàn đúng với thực trạng của thành phố Leipzig thời điểm đó mà sau này có mấy lần quay lại tôi còn không nhận ra nơi mình đã học một năm trời vì đã thay đổi quá nhiều từ sau khi thống nhất nước Đức năm 1990. Ký túc xá là tòa nhà cổ, cầu thang gỗ ọp ẹp, mỗi tầng chỉ có một nhà vệ sinh nam và một vệ sinh nữ. Muốn tắm phải đi sang nhà khác qua một cái sân chung lọt giữa mấy tòa nhà. Một anh đang học tại Trường đại học thể dục, thể thao Leipzig (DHfK) được cử hỗ trợ chúng tôi khi mới đến và giúp phiên dịch có dặn là trời bắt đầu lạnh rồi nên nếu tắm xong ra bên ngoài lạnh dễ bị cảm nên phải mặc ấm hay khoác cái áo tắm vào (Bademantel).  Đó là bài học đầu tiên của chúng tôi khi đến Leipzig.

DSC_0062
Herder Institut và khu KTX Lumumbastraße...

            Nhưng cũng rất may là chúng tôi chỉ ở đó có hơn tháng vì hết tháng hè chúng tôi chuyển về ở khu ký túc mới xây dựng ở Straße des 18. Oktobers.  Phố này nằm khá xa trung tâm và xa trường học nên chúng tôi phải đi tầu điện và phải chuyển tầu một lần ở trung tâm. Đó là một khu mới xây dựng, hoàn toàn dành cho dân cư với những tòa nhà lắp ghép đều tăm tắp. Phố xá sạch sẽ, phẳng phiu, những ngôi nhà sơn mầu khác nhau và trên nhiều bãi cỏ giữa các tòa nhà người ta phơi quần áo đủ các mầu sặc sỡ. Anh Mẫn, Hoan và tôi được phân ở chung một phòng trong một căn hộ (Wohnung - ngày ấy khái niệm căn hộ hầu như chưa có ở Việt Nam) gồm ba phòng, chung bếp, chung vệ sinh tắm rửa.  Anh Mẫn nằm giường đơn còn tôi và Hoan chia nhau cái giường tầng, tôi ngủ dưới, em út Hoan lên tầng trên.  Căn phòng chúng tôi ở chung khá gọn gàng ngăn nắp vì mấy anh em đều ưa sạch sẽ và cũng phân công người quét nhà, người đổ rác hàng ngày. Vì thế nên có lần chúng tôi được Ban quản lý KTX thưởng tiền vì giữ gìn vệ sinh tốt. Nhưng ngược lại thì các sinh viên Ăng-gô-la và Mô-dăm-bích ở cùng căn hộ lại vô cùng bừa bãi và bẩn. Hoàn toàn không có ý thức phân biệt chủng tộc và cũng được giáo dục về tinh thần đoàn kết vô sản với sinh viên đến từ các nước châu Phi mới giành được độc lập và đi theo con đường xã hội chủ nghĩa nên chúng tôi kiềm chế lắm chứ không thì cũng cãi nhau to. Nguyên do là cứ sau khi chúng tôi thu dọn sạch sẽ khu hành lang chung, nhà tắm, nhà vệ sinh thì mấy anh chàng này lại làm bẩn ngay với đám tóc xoăn đen rơi vãi đầy chậu rửa mặt hay nhà tắm mà không chịu dọn. Đặc biệt là cái mùi châu Phi đen cứ loanh quanh trong căn hộ làm nhiều lúc chúng tôi nhức cả đầu. Đã thế chúng nó lại mang gái Đức về chơi suốt đêm, cửa mở toanh bành và mở nhạc ầm ĩ. Tôi nhớ hồi đó nhạc Boney M. (Gia-mai-ca) đang thịnh hành và rất được ưa thích nhưng chúng tôi nhức đầu vì suốt ngày đêm bọn nó chẳng học hành gì toàn mở nhạc ầm ĩ “I can boogie! Boogie! Boogie !”. Mãi sau chịu không thấu chúng tôi báo cáo với Ban quản lý thì tình hình mới khá đi chút ít. Mặt khác sau này vào học cùng lớp với nhau, chúng nó viết kém và học dốt nên toàn nhìn bài của sinh viên Việt Nam nên cũng nể mình hơn. Còn việc nấu nướng thì có bếp chung ở cuối hành lang. Khổ vì cả tầng có mỗi một phòng bếp với vài ba cái bếp điện con con, học sinh Á, Phi thì thích nấu nướng do không hợp đồ tây nên cứ đi học về là cả lũ ào vào bếp tranh nhau chỗ nấu trước và sau mỗi ngày nhà bếp đầy những rác thải nhìn thấy khiếp và sộc lên đủ các loại mùi khác nhau. Mà cả tầng cũng chỉ có một cái tủ lạnh to để ngay ở bếp nên thịt thà, thức ăn của ai thì gói lại ghi số phòng vào đó. Bọn tôi toàn bị mất đồ vì đám châu Phi, Ả rập đặc biệt thích cầm nhầm. Anh Mẫn được phân công nấu cơm, tôi đi chợ và Hoan rửa bát. Hồi ấy đi học bao giờ tôi cũng mang theo cái túi lưới và sau này túi va-li-de (mốt lúc bấy giờ) để mua đồ ăn và nhiều lúc xách nặng lên tầu điện và đi bộ về phòng, túi lưới xiết vào tay đỏ ửng.
 
DSC_0077
...ngày nay không còn nhiều  dấu vết của 40 năm trước

          Trường chúng tôi học tiếng Đức là Học viện Herder (Herder Institut) thuộc Đại học Tổng hợp Các-Mác, thành phố Leipzig. Herder (Héc-đơ) là nhà triết học nổi tiếng của Đức cuối tháng 18, đầu thế kỷ 19 và Học viện Herder là nơi dạy tiếng Đức cho du học sinh nước ngoài được Chính phủ Cộng hòa dân chủ Đức nhận sang học tại các trường đại học của Đức. Vì thế cho nên trường này tập trung nhiều nhất sinh viên từ các nước, đông nhất là từ các nước có quan hệ tốt với CHDC Đức trước đây như Việt Nam, Cu Ba, các nước thuộc thế giới thế thứ ba có định hướng xã hội chủ nghĩa và cũng rất nhiều học sinh Nam Mỹ, Mỹ La tinh, học sinh Ả rập, Palestin v.v. Đôi điều về Trường đại học tổng hợp Leipzig. Trường ra đời từ năm 1409 và là một trong những trường đại học lâu đời nhất ở Đức. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển của trường, trường không bao giờ có một cái tên được đặt theo danh nhân Đức như hầu hết các trường ở nước Đức, kể cả trường phổ thông hay đại học. Tên đơn giản chỉ là Trường đại học tổng hợp Leipzig (Universität Leipzig). Sau khi Cộng hòa dân chủ Đức được thành lập ngày 07/10/1949 trên phần lãnh thổ do quân đội Liên Xô chiếm đóng sau chiến tranh thế giới lần thứ hai theo Hiệp ước Potsdam, thì trường được mang tên Các Mác (Karl- Marx), nhà triết học và người sáng lập Chủ nghĩa cộng sản khoa học. Suốt những năm của CHDC Đức trường luôn tự hào về cái tên đó và hình ảnh của tòa nhà chính của trường được xây dựng thời CHDC Đức như hình cuốn sách đang mở ra là biểu tượng tự hào của trường. Sau thống nhất nước Đức trường trở lại không tên như hàng trăm năm vẫn thế.       

Leipzig 2002
 Thăm lại mái trường xưa năm 2002...

Học viện Herder thành lập năm 1951 là nơi chuyên dành cho việc dậy tiếng Đức với tư cách là một ngoại ngữ. Ngoài giờ học ở trường chính này chúng tôi còn học ở những cơ sở khác rải rác trong thành phố.  Cách học ở trường cũng khác so với chúng tôi học Thanh Xuân vì ngoài học ngữ pháp như kiểu cũ, chúng tôi cũng học cả triết học, lịch sử, văn hóa Đức bằng tiếng Đức nhưng được biên soạn cho dễ hiểu đối với người nước ngoài. Tôi nhớ có lần học triết học về nội dung Negation der Negation, từng từ thì hiểu nghĩa nhưng đặt chung như thế thì không hiểu nội dung là gì. Thầy giải thích cặn kẽ cũng chỉ hiểu lơ mơ. Tôi viết thư cho anh tôi lúc đó đang học triết tại Học viện chính trị thì anh giải thích đó là nội dung Phủ định của phủ địnhcủa triết học duy vật biện chứng. Ngày trước thư đi thư lại cũng mất hàng tháng trời chứ như bây giờ nháy mắt có câu trả lời qua chat, viber hay facebook (fb). Các thầy cô ở Herder cực kỳ dễ chịu và cũng có nhiều kinh nghiệm giảng dạy cho học sinh nước ngoài. Cô giáo chủ nhiệm lớp tôi là cô Maschke và sau cả thầy Kamprad. Thời gian cuối học ở Herder chúng tôi cũng có thể vừa đọc vừa tra từ điển để hiểu cơ bản những tác phẩm triết học như Manifest der Kommunistischen Partei (Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản) hay Das Kapital (Tư bản luận) của Karl- Marx. Những dịp nghỉ tết hay nghỉ lễ trường cũng tổ chức cho chúng tôi đi dã ngoại vài ngày, đi lao động xã hội chủ nghĩa làm than Braunkohle hay đi làm ở nhà máy sản xuất thép Risa để biết thế nào là lao động của giai cấp vô sản (Proletariat). Cũng dịp này chúng tôi được đi thăm quan khá nhiều nơi ở Cộng hòa dân chủ Đức.

Leipzig 1978
Tác giả tại Straße des 18.Oktobers
 

Rời Leipzig chúng tôi đã có thể tự tin giao tiếp bằng tiếng Đức và tự nghiên cứu hay nghe giảng, dù cũng còn khá vất vả. Ấn tượng của tôi về Leipzig là một thành phố cổ với các tòa nhà đen xì vì ám khói mà không quét sơn hay cải tạo. Nhà ga xe lửa trung tâm Leipzig (Leipziger Hauptbahnhof) là một nhà ga lớn ngay ở trung tâm cũng như một khối đen thui chạy dài. Riêng khu vực trung tâm thành phố thì do bị phá hủy trong chiến tranh và được xây dựng lại nên nhiều nhà mới với hai tòa nhà cao tầng là Đại học Leipzig và Trung tâm hội chợ Leipzig và nhiều ngôi nhà đẹp đẽ khác như Opernhaus, cửa hàng bách hóa Konsument.

          Nói đến Leipzig phải kể đến Hội chợ Leipzig với biểu tượng là MMM (Messe der Meister von Morgen – Hội chợ của những người thợ cả tương lai). Mới đây tôi được Tổng giám đốc của Hội chợ Leipzig giải thích lại là biểu tượng của Hội chợ thực ra ban đầu chỉ có 2 chữ M và có nghĩa là Muster Messe (Hội chợ hàng mẫu). Hội chợ mùa xuân và mùa thu là hai hội chợ quốc tế lớn với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp nước ngoài và hội chợ sách là hội chợ lớn nhất Đông Đức và có tiếng hồi đó. Có lần lớp tổ chức thăm quan hội chợ mùa xuân, lúc đi trời nằng ấm lại cậy khu hội chợ sát ngay ký túc xá nên tôi chỉ mặc mỗi cái áo sơ mi dài tay. Ai ngờ đến chiều trời sầm xì và có tuyết rơi, lạnh ơi là lạnh. Lúc đó thấy đúng với câu mà người Đức hay nói April, April, er weiß nicht was er will (tháng tư, tháng tư, nó không biết muốn cái gì nữa). Leipzig còn nổi tiếng với Tòa tháp kỷ niệm chiến tranh quân Napoleon ở ngay ký túc xá chúng tôi (Völkerschlachtdenkmal), Tòa thị chính cũ (altes Rathaus) và Tòa thị chính mới với nhiều tháp lớn (Neues Rathaus).   

Thăm Hội chợ Leipzig 1978
    Tác giả tại Leipziger Messe

   Những công trình kiến trúc này sau được cải tạo, sửa chữa nhiều lần trở thành những biểu tượng của thành phố Leipzig, một trong những bang thành công và giầu có của bang đông Đức. Khi làm Trưởng Văn phòng Berlin phụ trách các bang đông Đức tôi cũng có nhiều lần xuống thăm Leipzig nhưng hầu như không nhận ra “Leipzig của chúng tôi” trong những năm 1977-78 nữa vì mọi thứ đều sáng choang, long lanh như bất kỳ thành phố nào ở Đức hiện nay. Nhưng những hồi ức của tôi với Leipzig lại là một thành phố với những mảng sáng tối và những kỷ niệm không thể nào quên của những ngày mới đặt chân lên đất Đức.

          Trong thời gian học ở Leipzig chúng tôi cũng được đưa đi thăm Berlin nơi mà chúng tôi sẽ chuyển đến học sau khi kết thúc năm học tiếng ở Leipzig. Bốn người chúng tôi học luật ở Đại học tổng hợp Humboldt Berlin gồm anh Mẫn, Hậu, Hoan và tôi. Những người khác chuyển về trường của họ như Dresden, Weimar hay ở ngay Uni Leipzig.

DSC_0072
...và năm 2017

Có những câu chuyện tôi khiến tôi không thể nào quên về tình người của những người dân Đức đối với Việt Nam.  Mùa đông 1977 nhà trường tổ chức cho chúng tôi đi nghỉ và thăm quan Oberhof, một địa chỉ nghỉ đông và trượt tuyết khá nổi tiếng ở phía Nam (nay là bang Thüringen). Cảm giác lần đầu tiên được nhìn thấy tuyết rơi mà chỉ là những bông tuyết đầu mùa thật đáng nhớ. Hôm ấy như thường lệ chúng tôi hay treo thịt ở ngoài cửa sổ để giữ lạnh vì mùa đông đến rồi và để trong tủ lạnh ở bếp hay bị mượn tạm. Mở cửa sổ ra một cảm giác rất Leipzig lúc đó phả luôn vào mặt, đó là mùi khen khét của khói than vì mùa đông cả thành phố đốt sưởi bằng than nâu; hàng ngàn ống khói của các ngôi nhà đưa lên không trung những làn khói trắng khiến cả thành phố ngột ngạt. Hồi đó chúng tôi chẳng có khái niệm gì về môi trường cả, chỉ thấy khó thở và khó ngửi. Hôm đó hơi lạnh ùa vào và tôi nhìn thấy những bông tuyết bay lơ lửng bên cửa sổ, bèn gọi anh Mẫn và Hoan ra xem. Nhưng sáng hôm sau khi tỉnh dậy những bông tuyết trắng đọng bên cửa sổ đã bị lớp bụi than phủ một màu đen. Leipzig cũng để lại trong tôi về những dàn ăng-ten chi chít trên các mái nhà lợp ngói đen san sát. Mà hồi đó tàu liên vận sang đến Liên Xô chúng tôi đã rất ấn tượng về nhiều ăng ten vô tuyến ở những thành phố của Liên Xô và đến Leipzig lại càng choáng thấy họ giầu sang thật, nhà nào cũng có ăng ten vô tuyến. Hôm ở Oberhof tôi và Hoan đi thăm hết các địa điểm như cầu trượt tuyết, những cánh rừng ngập tuyết trắng phau và cuối cùng vào một nhà hàng ăn tối. Hai anh em cũng chọn món đặc sản của vùng núi. Bàn bên cạnh có cặp vợ chồng già người Đức cũng ngồi ăn nhưng thỉnh thoảng lại nhìn sang bàn chúng tôi làm tôi cũng thấy merkwürdig (hơi lạ lùng) vì bản tính người Đức vốn lạnh lùng, ít quan tâm đến người khác. Đến lúc ăn xong nói cô phục vụ cho thanh toán thì cô ta nói ông bà ngồi ở bàn kia đã thanh toán luôn cho hai anh rồi và quay sang nhìn ông bà. Chúng tôi cũng quay sang cảm ơn và trước khi về còn sang bàn đó nói chuyện. Hóa ra ông bà đó cũng từ Leipzig lên nghỉ đông và hỏi chúng tôi có phải học sinh Việt Nam không ? Khi hỏi tại sao ông bà lại thanh toán cho chúng tôi thì bà ấy nói bà thương học sinh Việt Nam xa nhà và nghĩ các cháu cũng không nhiều tiền nên ông bà mời. Chúng tôi cảm ơn lần nữa và được ông bà cho địa chỉ khi nào về Leipzig đến chơi. Sau đó tôi và Hoan cũng mấy lần đến thăm và đều được ông bà đón tiếp nhiệt tình, nấu cho ăn và gọi chúng tôi là con (meine Kinder). Chúng tôi cũng gọi ông bà là Mutti và Vati; sau này khi lên Berlin rồi chúng tôi vẫn hay viết thư và bao giờ cũng nhận được thư trả lời của ông bà với những dòng chữ hỏi thăm rất tình cảm làm chúng tôi cũng ấm lòng. Lâu không liên hệ nên chúng tôi cũng không rõ ông bà sống chết thế nào nhưng trong lòng chúng tôi không sao quên được kỷ niệm đẹp và ấm lòng của những ngày đó.

Mit Leipziger Mutti
Tác giả chụp với “Leipziger Mutti”
 

Một câu chuyện khác cũng liên quan đến tình cảm mà người dân Leipzig dành cho những sinh viên Việt Nam chúng tôi. Hôm ấy nhảy tầu điện đi học nhưng vì chưa kịp ăn sáng nên tôi xuống giữa đường và vào một Imbiss (một cửa hàng ăn nhẹ, đứng rất thông dụng ở Đức) mua một cốc Klub Cola và một cái bánh mì con (Brötchen) kẹp lát bơ (hồi mới sang Đức tôi rất thích ăn Brötchen nóng hổi kẹp với lát bơ dầy cộm). Ăn xong chuẩn bị ra cửa thì một bà già người Đức bảo dừng lại và đưa cho tôi mấy đồng Mác (Mark) tiền xu và bảo ăn ít thế sao học được, cầm lấy mua thêm cái gì mà ăn. Tôi cảm nhận được mấy đồng tiền đó còn ấm nóng chứng tỏ bà đã cầm rất lâu trong tay. Lúc đó tôi cảm động rơm rớm nước mắt, lí nhỉ cảm ơn và nói thêm „cháu ăn đủ rồi“. Tình cảm mà người dân Đông Đức nói chung và người Leipzig nói riêng dành cho chúng tôi những ngày đầu tôi đến Đức thật ấm áp và chân tình.

Hè năm 1978 chúng tôi chia tay Leipzig để lên học ở Berlin.

Nguyễn Hữu Tráng

Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  • Hoàng Hà

    Tuyết Minh là độc giả nhìn tất cả các tác phẩm trên nguoiviet.de dưới lăng kính chính trị. Cho dù thơ ca hay truyện ngắn hay hồi ký khi đã viết comment là dứt khoát phải gắn với vấn đề chính trị, cho dù tác phẩm có hay nhường nào thì dưới con mắt "chị ấy" cũng xám xịt một sắc màu vậy thôi. Những điều TM viết ra thực ra ai cũng biết với dụng ý gì và nó xuất phát từ thái cực nào . Khen thay cho sự miệt mài bới lông tìm vết của TM.

      Hoàng Hà   19/09/2017 01:13
  • Tuyết Minh

    Tác giả có trí nhớ tốt nên có thể nhắc lại những kỷ niệm khá chính xác. Những ai có số phận tương tự có thể đọc ở đây chính cuộc đời mình. Riêng đoạn „Hoàn toàn không có ý thức phân biệt chủng tộc và cũng được giáo dục về tinh thần đoàn kết vô sản với sinh viên đến từ các nước châu Phi …“ tôi thấy thú vị, vì tôi hiểu người Việt cũng gần như người Trung Quốc phân biệt chủng tộc khá mạnh, chứ TG dùng từ „hoàn toàn không“, tức là không 1 % phân biệt chủng tộc (với Châu Phi) thì thấy lý tưởng quá – thú thực tôi không tin! Riêng chi tiết TG nói về việc „được giáo dục về tinh thần đoàn kết vô sản với sinh viên đến từ các nước châu Phi …“ thì nếu TG quan tâm ý kiến bạn đọc có thể nói thêm cho rõ là: Ai giáo dục tinh thần này – thì tôi xin cám ơn.

      Tuyết Minh   09/09/2017 02:31
    • @Tuyết Minh : "Ý tại ngôn ngoại " Hỏi câu này là biết ĐG muốn "bới móc" gì rồi. Này muốn hiểu về CS thì hãy bắt đầu tìm hiểu từ những tác phẩm của ông Các Mác rồi đến Lê-nin rồi đên Ông Hồ ,nếu đọc kỹ và hiểu được thì lần sau sẽ không hỏi kiểu này nữa.(các sách này tìm trên mạng không thiếu ,có cả sách chữ Đức luôn).Chúc thành công.

        Người Việt yêu nước   11/09/2017 08:13

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage của NguoiViet.de
Cảm nhận mới nhất
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây