Nước Đức thống nhất đến năm 2017 này là đúng 27 năm. Những ngày sôi động đó của dân tộc Đức rất may tôi cũng đang có mặt ở Heidelberg, thành phố nhỏ thơ mộng bên dòng sông Neckar hiền hòa mãi bên miền Tây Nam Đức. Có chứng kiến những giây phút đó và cả thời gian dài sau thống nhất mới thấy quý tấm chân tình mà những người dân Đông Đức dành cho Việt Nam.
Vào những năm 1989/90 cả một Nhà nước, một „dân tộc“ nếu có thể gọi Cộng hòa dân chủ Đức như vậy, bỗng nhiên sụp đổ như sau một cơn ác mộng. Nhiều người hân hoan nhưng cũng có hàng triệu người mất phương hướng khi bước vào giai đoạn mới của cuộc đời mà không biết nó sẽ như thế nào. Cũng vì tương lai bấp bênh nên nhất thời những người lao động Đức vừa mới hôm qua còn nêu cao tinh thần hữu nghị „quốc tế vô sản“ với chúng ta, hôm sau quay ngoắt sang thái độ thù địch, bài xích người nước ngoài trong đó có người Việt. Các vụ đốt chung cư, đốt xe, đốt phá tài sản của người Việt ở Lichtenhagen (Rostock) và nhiều nơi khác ở Đông Đức trong thập kỷ 90 thế kỷ trước cho thấy nỗi tuyệt vọng của họ nhiều hơn là thù địch với người Việt. Sau này nhiều tài liệu nghiên cứu của các học giả, nhà báo đến từ bên Tây Đức cho rằng thực chất những tình cảm hữu nghị mà người dân Đông Đức trước đây dành người Việt Nam (cũng như với Cuba, Mô-dăm-bích, Ăng-gô-la v.v.) bị „áp đặt“ từ trên xuống theo quan điểm, lập trường chính trị của Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức cầm quyền, chứ hoàn toàn không phải những tình cảm thật lòng. Họ nói người nước ngoài nói chung ngày xưa ở Đông Đức bị ngăn cản không được quan hệ với người dân Đức; người dân Đông Đức vốn bị hạn chế đi đến những nước tư bản nên họ bị áp đặt thứ tình cảm mang mầu sắc chính trị thuần túy. Đến lúc „sự áp đặt chính trị“ này không còn nữa thì „tình cảm hữu nghị“ bỗng chốc biến ngay thành lòng ghen ghét, thậm chí thù hận do người Việt cướp công ăn việc làm, mua hết hàng nhu yếu phẩm, buôn bán bất hợp pháp v.v (?). Hoạt động của các tổ chức tội phạm có tổ chức của người Việt những năm 90 thực sự như đổ thêm dầu vào lửa, khiến cho cuộc sống của người Việt đã khó lại càng khó khăn hơn và hình như có lúc người Việt bị coi là „tội đồ“ trong con mắt của nhiều người dân mà mới hôm qua còn coi người Việt như anh em.
Giáo sư, tiến sĩ khoa học, bác sĩ Klinkmann là người tôi muốn nhắc đến đầu tiên, người đã nói một câu làm tôi hiểu ngay bản chất vấn đề của sự chênh lệch trong phát triển giữa các bang đông và tây hiện nay, mặc dù đất nước thống nhất cũng đã gần ba thập kỷ. Giáo sư nói „chỉ đến khi nào các nhà chính trị nhận thức được rằng không phải cái gì của bên Đông đều xấu và của bên Tây đều tốt cũng như thực tế là bên Đông cũng có nhiều điểm tốt thì lúc đó mới có thể phát triển cân bằng giữa hai miền“.
Tác giả và GS Klinmann trong phòng làm việc của ông, nơi treo nhiều bằng GS, TS danh dự, bằng sáng chế, phát minh
Giáo sư Klinkmann là chuyên gia y khoa hàng đầu thế giới với hàng chục phát minh, sáng chế, mà có ý nghĩa lớn nhất đối với điều trị bệnh trên thế giới là phương pháp chạy thận nhân tạo. Vì vậy ông được coi là cha đẻ của thận nhân tạo và nhiều năm liền là Chủ tịch Hiệp hội tạng thế giới và châu Âu. Ở tuổi 82 nhưng giáo sư vẫn đi dạy đại học bên Ý, vẫn không ngừng sáng tạo. Tâm huyết cuối cùng của giáo sư là Dự án điều trị trong những „khu rừng chữa bệnh“ (Wald-Heilung) ở khu vực đảo Usedom. Gặp ông lần đầu tôi khâm phục ông ở nghị lực làm việc sáng tạo phi thường ở cái tuổi „xưa nay hiếm“ và quý trọng ông ở thái độ ứng xử của một nhân cách lớn. Mặc dù ông là nhà khoa học lớn của Cộng hòa dân chủ Đức với những phát minh có tính chất bước ngoặt cho nhân loại, đã từng là Chủ tịch cuối cùng của Viện Hàn lâm khoa học Cộng hòa dân chủ Đức, nhưng bị chế độ mới bạc đãi khiến ông phải rời bỏ nước Đức một thời gian dài sau thống nhất để sang Nhật bản và Hoa kỳ. Tại đây tài năng khoa học của ông càng được khẳng định với gần hai chục bằng tiến sĩ và giáo sư danh dự của hầu hết các trường danh tiếng trên thế giới. Và đến khi đó quê hương ông mới nhận thấy tầm vóc và sức ảnh hưởng về khoa học của ông nên mời ông về cộng tác. Dù đã qua „thất thập cổ lai hy“ nhưng ông vẫn đóng góp cho quê hương với vai trò là Cố vấn đặc biệt của Thủ hiến và „Đại sứ y tế“ (chức danh duy nhất hiện nay ở Đức) của bang Mecklenburg-Vorpommern. Đến thăm nhà ông ở Rostock tôi được ông dẫn vào phòng làm việc với mảng tường treo kín các bằng danh dự mà ông được nhận thời gian qua (cái mới nhất do Nữ hoàng Anh trao). Ông nháy mắt nói hết chỗ treo rồi và thực tế một số bằng chứng chỉ quốc tế còn để ngổn ngang trong phòng. Ông kể về cái thời còn dạy đại học y ở Rostock, Greifwald ông có nhiều sinh viên Việt Nam. Nhiều người nay cũng đã trở thành những bác sĩ đầu ngành của Việt Nam. Năm ngoái ông cũng có chuyến sang Việt Nam để gặp lại những học trò xưa. Việt Nam có lẽ có một vị trí quan trọng trong trái tim ông nên dù đã đã cao tuổi và còn nhiều trọng trách ở khắp nơi, nhưng ông vẫn chạy ngược chạy xuôi, khi đôn đốc người giúp việc, lúc kết nối các cơ quan chức năng hai nước để vừa rồi nhân chuyến thăm Đức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bang Mecklenburg-Vorpommern và Bộ Y tế Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam và cho cả nhu cầu sắp tới của Đức. Khó có thể hình dung được là nếu không có uy tín và sự kết nối tuyệt vời đó thì không biết một thỏa thuận có ý nghĩa xã hội lớn như vậy có thể được ký kết trong một thời gian ngắn hay không.
Hỗ trợ hết mình cho GS Klinkmann trong dự án hợp tác với Việt Nam, ngoài Bộ trưởng Glawe không thể không nhắc đến Tiến sĩ Rudolph, Quốc vụ khanh Bộ kinh tế, lao động và y tế bang Mecklenburg-Vorpommern. Lần gặp đầu tiên của tôi với ông tại Schwerin không để lại nhiều ấn tượng vì trong buổi làm việc hôm đó ông không nói câu nào mà dành hết „diễn đàn“ cho cấp trên là Bộ trưởng Glawe. Lần mà GS Klinkmann mời tất cả chúng tôi đến dùng cà phê, bánh ngọt tại nhà riêng ở Rostock tôi mới được nghe ông nói về điều mà ông gọi là „quá khứ gắn bó với Việt Nam“ của mình. Ở bang MV Giáo sư Klinkmann có uy tín cao đến mức ông có thể mời thành viên chính phủ bang từ Schwerin chạy xe cả trăm cây số đến nhà ông để gặp gỡ, trao đổi và kết nối được khá nhiều các dự án hợp tác, mà „dự án“ lớn nhất mà Giáo sư „tiết lộ“ với tôi là cũng tại nhà ông đã hình thành nên một liên minh chính phủ đỏ-đỏ duy nhất ở Đức trong những năm trước. Bên cà phê, bánh ngọt mà vợ Giáo sư Klinkmann đã làm với tất cả sự khéo tay, tinh tế của người phụ nữ Đức đã qua tuổi bát tuần, chúng tôi nói với nhau về quá khứ và đặc biệt về hiện trạng ngày nay ở nước Đức sau gần ba thập kỷ thống nhất và về tương lai hợp tác song phương Việt-Đức. QVK Rudolph nói ông thuộc thế hệ người dân Cộng hòa dân chủ Đức lớn lên với những tình cảm dành cho người anh em Việt Nam đang gồng mình đấu tranh giành độc lập và chiến thắng ngoại xâm. Hồi đó những phong trào quyên góp từ quần áo, đồ dùng học tập, đến xe đạp hay thuốc men cho Việt Nam đều được ông và các bạn trong Đoàn thanh niên tự do Đức (FDJ) hưởng ứng nhiệt tình và không hề suy tính. Rồi sau này khi thống nhất nước Đức người Việt đã hội nhập rất tốt ở đây và người dân Đức đánh giá cao những đức tính tốt đẹp của người Việt. Cũng chính vì thế khi làm dự án hợp tác với Việt Nam lần này ông coi đó không đơn thuần chỉ là trách nhiệm công chức mà còn nghĩa vụ của con tim. Giáo sư Stöhr, một người giúp việc cho GS Klinkmann sau buổi đó nói với tôi là lần đầu tiên nghe ông Quốc vụ khanh nói với nhiều cảm xúc và tình cảm với Việt Nam như thế.
Lần kết nối hợp tác lần này với bang MV tôi không chỉ gặp những quan chức cao cấp của bang, những nhà khoa học hàng đầu mà cả những người dân bình thường. Ông Domke ở đảo du lịch Usedom là một người như thế. Một người đàn ông Đức có dáng vẻ hơi cục mịch nhưng lại có nụ cười như … Di lặc và xởi lởi, mến khách như… người Việt Nam chân chất nhất. Lần đầu tiên chúng tôi đến ăn ở quán của ông ở hòn đảo du lịch nổi tiếng Usedom ở Biển Ban-tích nhưng khi ra về cha con ông đã đứng ở lối cửa ra vào niềm nở chào hỏi hẹn gặp lại và còn tặng mỗi người một gói quà.Thấy tôi cầm trên tay cuốn sách ảnh về đảo Usedom ông vội chạy đi lấy cuốn khác còn to và nặng hơn đưa cho tôi và nói nhờ tôi giới thiệu cho ông mươi mười năm người Việt Nam để ông đào tạo nghề và nhận vào làm cơ sở nhà hàng, khách sạn của ông trên đảo. Lần sau lên thăm ông và nghỉ lại tại một trong cơ sở khách sạn của ông tôi được chứng kiến sự mến khách… không hề giống những hình dung của tôi về người dân Bắc Đức. Ông và cậu con trai đã lớn và đang quản lý hàng loạt nhà hàng gia đình ra tận cổng khách sạn đón chúng tôi, dẫn chúng tôi lên tận phòng, rồi sau đó xuống nhà hàng bên dưới tự tay chọn những món cá ngon lành nhất để đãi khách. Rồi ông già cục mịch ấy còn dùng siêu xe của mình đưa chúng tôi thăm đảo, giới thiệu những quán ăn nổi tiếng nhất ở đảo. Ông nói sau thống nhất cuộc sống của người dân Đông Đức có quá nhiều khó khăn, dân ở đây đi vãn cả đảo. Nhưng riêng ông quyết định ở lại vì ngay từ trước thời Cộng hòa dân chủ Đức gia đình ông cũng tự lập và sống được. Ông không muốn tha phương khi tương lai phía trước là vô định. Và thế là ông ở lại, tranh thủ lúc thời cuộc nhiễu nhương xây dựng doanh nghiệp và bây giờ trở thành một trong những doanh nhân thành đạt nhất trên hòn đảo thơ mộng này. Tôi cũng không ngờ một người đàn ông trông dáng ngoài hơi cục mịch, suốt ngày tất bật cá mú và kinh doanh nhà hàng nhưng có nhiều nhận xét về chính trị, về thời cuộc khá sắc sảo đến không ngờ và nhiều điều ông nói cũng khá…mới với tôi. Theo ông thì tất cả những người thời trước Wende (đổ tường Berlin, thống nhất) hăng hái biểu tình nhất lại là những người thất bại nhất trong xã hội, dù trước kia hay ngày nay. Trước kia họ sống dựa dẫm nên khó khăn thì bây giờ cũng không khá lên được. Ông đã sang Việt Nam và mến yêu đất nước cũng như con người ở đó. Điều đặc biệt ở ông là ông không mấy thiện cảm với những người bên Tây sang và cả những người lao động từ Nam Âu như Italia hay Tây Ban nha vì như ông nói họ không hợp với tính cách của ông. Ông thích những người từ Đông Âu sang hay những nước trước đây là xã hội chủ nghĩa như Việt Nam hay Cu ba. Ông gọi mấy đầu bếp, bồi bàn, nhân viên khách sạn người Bungari, Cuba ra „khoe“ với chúng tôi. Ông cũng muốn có nhiều người Việt Nam sang làm ở chỗ ông và cho biết cuối năm thế nào cũng đi Việt Nam một chuyến nữa.
Ông Domke, thứ hai từ bên trái
Người bạn mới và cũ ở miền biển bắc Đức (thực ra Đức gọi là Ostsee tức Biển Đông) tôi nhắc đến sau cùng là một nhà doanh nghiệp thành công nhất ở khu vực Vorpommern trên lĩnh vực kinh tế y tế (Gesundheitswirtschaft). Ông là Giáo sư tiến sĩ y học Dietmar Enderlein, người sáng lập và là ông chủ của Tập đoàn Medigreif ở thành phố Greifwald miền Đông Đức. Đã có lúc Tập đoàn này có đến hơn chục bệnh viện, cơ sở điều dưỡng phục hồi chức năng, trường dạy nghề với hàng ngàn nhân viên. Bây giờ như ông nói, đã gần đến tuổi 80 nên ông để cho các con ông quản lý và cũng giảm bớt số nhân viên cũng như bệnh viện của mình. Các cơ sở y tế của ông nằm rải rác ở các thành phố bang Mecklenburg-Vorpommern, riêng ở khu nghỉ dưỡng Heringsdorf và Usedom là những bệnh viên cơ sở điều dưỡng không khác gì các khách sạn, resort 5 sao trong vùng. Có những liệu pháp chữa bệnh, phục hồi chức năng mà ông nói là duy nhất trên thế giới được thực hiện ở đây.
Nhưng với tôi, điều đáng nói khi nhắc đến ông không phải là các liệu pháp này hay những bệnh viện lớn nhỏ trong Tập đoàn Medigreif của ông, mà là cái cách mà ông đã rất thành công ở Đức khi thời thế đổi thay trong những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước, vì ông là người của bên…thua cuộc.
Ông Enderlein vốn là sĩ quan quân y trong quân đội nhân dân của Nhà nước Cộng hòa dân chủ Đức (Nationale Volksarmee der DDR, viết tắt là NVA). Ông đã trưởng thành từ người lính, từ một bác sĩ, sau đó làm tiến sĩ khoa học, là giáo sư giảng dạy tại Học viện quân y thuộc Trường đại học Greifwald (Cộng hòa dân chủ Đức) khi còn khá trẻ. Khi bức tường Berlin sụp đổ (1989) và sau đó thống nhất nước Đức (10/1990) ông đang là Giám đốc kiêm Tư lệnh Học viện quân y Greifwald với quân hàm cấp tướng. Đến thời điểm sụp đổ của Cộng hòa dân chủ Đức ông là bác sĩ mang quân hàm cấp tướng duy nhất của CHDC Đức. Đứng trước nguy cơ toàn bộ Học viện quân y Greifwald bị giải thể chuyển cho Cơ quan quản lý tạm thời tài sản của CHDC Đức (Treuhand) và như thế cũng có nghĩa là sẽ bị phân tán không chỉ tài sản, cơ sở vật chất mà cả những thành tựu nghiên cứu khoa học, điều trị bệnh của hàng chục ngàn bác sĩ quân y Đông Đức. Các „con bạch tuộc“ từ bên Tây Đức sang chắc chắn sẽ xé lẻ cơ ngơi này ra và lọt vào tay những người không hề có ý định gây dựng hay duy trì hoạt động của Học viện này. Cá nhân ông cũng từ ngày đó phải rời khỏi quân ngũ để trở thành công dân mới của Nhà nước Cộng hòa Liên bang Đức, nhà nước mà trước đó ít ngày còn là „kẻ thù giai cấp“ của mình. Ông đứng trước quyết định khó khăn là nhìn cơ ngơi nghiên cứu khoa học, giảng dạy với bao nhiêu tâm huyết của mình sụp đổ hay ra tay cứu nó. Ông đã quyết định ra tay. Ngay từ tháng 3 năm 1990, khi hầu hết người dân Đông Đức còn đang chưa biết đi đâu về đâu và hai nhà nước Đức còn đang trao đổi xem thống nhất đất nước như thế nào thì ông đã bán nhà, huy động thêm được năm mươi ngàn Mác Đông Đức để lập Công ty trách nhiệm hữu hạn Medigreif. Ông cũng ký với Bộ trưởng quốc phòng cuối cùng của Cộng hòa dân chủ Đức Eppelmann để thuê toàn bộ cơ sở Học viện. Cũng từ đó từng bước ông xây dựng Medigreif trở thành một Tập đoàn thành công như hiện nay.
Nói về giai đoạn đó ông cho biết, suốt 8 năm ròng từ khi thành lập, nhất là sau khi thống nhất ông luôn phải đối mặt với cáo buộc tham nhũng, lấy từ nguồn tiền bí mật của Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất (SED) để thâu tóm v.v. Bạn bè, đồng nghiệp, người thân có nhiều người quay lưng. Thậm chí có cả các cuộc điện thoại đe dọa giết, bắt cóc con cái của gia đình ở nhà trường và bên ngoài xã hội. Mọi việc chỉ đến năm 1998 mới chấm dứt khi mọi cáo buộc đều được chứng minh là vô căn cứ.
Ông có nhiều học trò Việt Nam vì thời kỳ trước Cộng hòa dân chủ Đức nhận nhiều sinh viên Việt Nam, trong đó có sinh viên quân y. Chỉ tiếc là ông đã bàn giao toàn bộ hồ sơ của Học viện cho Lưu trữ Liên bang ngay trong quá trình giải tán Học viện nên hầu như không còn giữ quan hệ với các học trò của mình mà ông biết nhiều người đã thành công cả trong cuộc sống lẫn nghề nghiệp ở Việt Nam. Kỷ niệm đầu tiên với các đồng chí Việt Nam mà ông hay nhắc đến là khi ông theo học tại Học viện quân y Leningrad (Liên Xô).
Lần này đón đoàn Bộ Y tế Việt Nam sang để ký Thỏa thuận hợp tác với bang Mecklenburg-Vorpommern, ông cũng mong muốn được góp sức để đưa dịch vụ y tế hiện đại của Medigreif sang với Việt Nam, giúp y tế Việt Nam phát triển bền vững vì như ông nói ông quý trọng và yêu mến đất nước, con người Việt Nam.
Giáo sư, tiến sĩ Enderlein, bên phải
Nhưng trước hết, tôi cảm nhận được ở ông, là sự hào mình là người lính, người bác sĩ của Cộng hòa dân chủ Đức, và nay là một doanh nhân thành công trong một Nhà nước Đức thống nhất.
Riêng tình cảm đối với Việt Nam thì không chỉ ông mà tất cả những người bạn tôi đã từng gặp kể cả những người không được nhắc ở trên, cũng đều trước sau nguyên vẹn một tấm lòng. Tình cảm này chắc chắn không phải bị ép buộc bởi hệ tư tưởng giai cấp mà nó xuất phát thực sự từ đáy lòng, từ con tim.
Hơn bốn mươi năm đã qua kể từ ngày đầu tiên tôi đến Đức, được sống ở hai chế độ khác nhau, được chứng kiến thời khắc lịch sử của dân tộc Đức và những thăng trầm của người dân Đông Đức sau thống nhất cũng như của quan hệ Việt - Đức. Tôi càng tin tưởng rằng nền móng của quan hệ này rất vững chắc vì nó được biết bao thế hệ người bạn Đức và Việt Nam cùng chung tay xây dựng. Sau những thăng trầm, cả những hiểu lầm lẫn nhau, cuối cùng chúng ta chắc chắn sẽ càng tin tưởng, gắn bó với nhau hơn.
Điều này tôi rút ra được từ những tháng ngày biến động vừa qua.
Bài và ảnh: Nguyễn Hữu Tráng
Chú ý: Chỉ được đăng lại bài và sử dụng ảnh khi có sự đồng ý của tác giả hoặc báo NguoiViet.de
Ý kiến bạn đọc
Ngày 24.07.2022, tại thủ đô Berlin (CHLB Đức) đã diễn ra buổi giới thiệu ba cuốn...
Cuộc thi Hoa Hậu Áo Dài Phu Nhân 2022 tổ chức tại Internationales Congress...
Chiều 11.08.2018 hơn 300 anh chị em, bạn bè, thân hữu từ khắp nơi trên nước Đức...
Bài viết của nhà văn Sa Huỳnh cho tôi hiểu thêm về ý nghĩa từ " mèo " trong dân gian ta .Xin cảm...
Cám ơn nguoiviet.de và tác giả Sa Huỳnh.
Theo cá nhân tôi, quan trọng nhất là minh bạch và...
mình đang muốn chụp ảnh cưới như thế này . cho mình xin thông tin ekip chụp ảnh ạ
mình xin cảm...
Cơ bản thông tin cho người đọc hiểu về nội dung
Còn lỗi sai sót quá trình dịch là chuyện...
Đoạn đầu của bài tác giả viết rất hay, giá trị cao vì tổng kết được kết quả chính yếu của những công trình nghiên cứu khoa học về đề tài này:
"Vào những năm 1989/90 cả một Nhà nước, một „dân tộc“ nếu có thể gọi Cộng hòa dân chủ Đức như vậy, bỗng nhiên sụp đổ như sau một cơn ác mộng. Nhiều người hân hoan nhưng cũng có hàng triệu người mất phương hướng khi bước vào giai đoạn mới của cuộc đời mà không biết nó sẽ như thế nào. Cũng vì tương lai bấp bênh nên nhất thời những người lao động Đức vừa mới hôm qua còn nêu cao tinh thần hữu nghị „quốc tế vô sản“ với chúng ta, hôm sau quay ngoắt sang thái độ thù địch, bài xích người nước ngoài trong đó có người Việt. Các vụ đốt chung cư, đốt xe, đốt phá tài sản của người Việt ở Lichtenhagen (Rostock) và nhiều nơi khác ở Đông Đức trong thập kỷ 90 thế kỷ trước cho thấy nỗi tuyệt vọng của họ nhiều hơn là thù địch với người Việt. Sau này nhiều tài liệu nghiên cứu của các học giả, nhà báo đến từ bên Tây Đức cho rằng thực chất những tình cảm hữu nghị mà người dân Đông Đức trước đây dành người Việt Nam (cũng như với Cuba, Mô-dăm-bích, Ăng-gô-la v.v.) bị „áp đặt“ từ trên xuống theo quan điểm, lập trường chính trị của Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức cầm quyền, chứ hoàn toàn không phải những tình cảm thật lòng. Họ nói người nước ngoài nói chung ngày xưa ở Đông Đức bị ngăn cản không được quan hệ với người dân Đức; người dân Đông Đức vốn bị hạn chế đi đến những nước tư bản nên họ bị áp đặt thứ tình cảm mang mầu sắc chính trị thuần túy. Đến lúc „sự áp đặt chính trị“ này không còn nữa thì „tình cảm hữu nghị“ bỗng chốc biến ngay thành lòng ghen ghét, thậm chí thù hận do người Việt cướp công ăn việc làm, mua hết hàng nhu yếu phẩm, buôn bán bất hợp pháp v.v (?). Hoạt động của các tổ chức tội phạm có tổ chức của người Việt những năm 90 thực sự như đổ thêm dầu vào lửa, khiến cho cuộc sống của người Việt đã khó lại càng khó khăn hơn và hình như có lúc người Việt bị coi là „tội đồ“ trong con mắt của nhiều người dân mà mới hôm qua còn coi người Việt như anh em".
Nhưng rất tiếc đoạn giá trị nhất của bài, nó lại nằm rời rạc, lạc lỏng với phần còn lại rất dài của bài. Nó như một vật thể "lạ" nằm trong bài.
Mong tác giả khai triển phần mở đầu nêu trên thành một bài viết riêng biệt. Chắc chắn nhiều độc giả sẽ quan tâm.