Nguyễn Hữu Tráng (Berlin): CHUYẾN TÀU ĐÊM 40 NĂM TRƯỚC

Thứ sáu - 04/08/2017 06:18
Mời các bạn đọc hồi ức của một cựu du học sinh Việt Nam viết về hành trình chuyến đi từ quê hương sang CHDC Đức 40 năm trước.
Ảnh chụp tác giả tại Bờ Hồ (Hà Nội) ngay trước khi lên đường ngày 02 tháng 8 năm 1977
Ảnh chụp tác giả tại Bờ Hồ (Hà Nội) ngay trước khi lên đường ngày 02 tháng 8 năm 1977


Lên đường

Ngày 30/7/1977  bọn chúng tôi được phát hành trang để chuẩn bị lên đường. Mỗi lưu học sinh được phát một cái va ly da mầu đen hoặc vàng hẳn hoi (tôi được va ly vàng), bên trong có 1 bộ com lê khá đắt tiền, 2 áo sơ mi trắng, 1 áo len, 1 đôi giầy, 1 đôi bí tất, 1 cái khăn len Trung quốc. Chúng tôi gọi đùa là “va ly bác Bửu” (bác Tạ Quang Bửu lúc đó là Bộ trưởng Bộ đại học).  Hãy hình dung xem ! Lúc đó là năm 1976, nước ta vừa ra khỏi chiến tranh mới được có một năm. Cuộc sống còn vô vàn khó khăn. Thế mà lũ lưu học sinh chúng tôi được ăn cơm no, không phải độn, cơm có thịt, mỗi tối còn nhận được cái bánh mỳ nóng hổi cho bữa sáng hôm sau (nhưng đa phần đến tối là lôi ra chấm đường ăn hết hoặc chỉ để lại một ít cho hôm sau nướng lại ăn). Lúc lên đường lại còn được trang bị cho đồ dùng thiết yếu. Dù rằng những thứ này sau sang bên đó cũng không dùng được nữa nhưng đối với lũ chúng tôi khi đó thật sự là một gia tài lớn cho hành trang du học của mình.

          Ngày 02 tháng 8 năm ấy, đoàn tầu liên vận quốc tế đưa chúng tôi rời Ga Hàng Cỏ (bây giờ tên là Ga Hà Nội) lúc nửa đêm để bắt đầu hành trình đi tìm tri thức nơi chân trời mới.

          Thời gian trôi qua đã gần bốn mươi năm. Hơn nửa đời người rồi nhưng những hình ảnh của chuyến đi “lịch sử” đó như mới như ngày hôm qua.

          Tất cả lưu học sinh của khóa chúng tôi (1976-77) tập trung từ chiều ở Trường đại học ngoại ngữ Thanh Xuân. Đáng lẽ ra từ nhà tôi ở Tràng Thi ra ga Hàng Cỏ chỉ một đoạn đi bộ thôi, nhưng theo thông báo tất cả đều phải đi chung từ trường. Vì thế nên chiều bố tôi đã đưa tôi bằng xe máy lên trường mang theo cái valy bác Bửu. Đến trường cũng thấy đã đông; người đứng người ngồi ở sân trường ngổn ngang vì phòng ở cũ đã không còn giường chiếu gì nữa. Nhiều bạn ở quê xa có cả người nhà lên tiễn nữa nên càng làm cho sân trường náo nhiệt. Các nhóm cứ túm năm tụm ba. Vì lần này đi cả Liên Xô và Đông Âu, Mông Cổ nữa nên đông đến gần 500 người, trong đó chỉ có 50 người đi Đức. Chờ suốt từ chiều đến tối muộn chúng tôi mới được đưa lên những chiếc xe ca hiệu “Hải âu” của Liên Xô để đi ra ga. Khi xe rời bánh về hướng Hà Nội trong lòng tôi cũng dâng lên cảm xúc khó tả. Thế là cũng đã qua một năm nhiều kỷ niệm ở mái trường này. Chắc sẽ chẳng còn bao giờ quay trở lại nơi này lần nữa để thấy con đường đất đi vào cổng trường với hai bên bờ ruộng lúa xanh tươi và khu trường học, khu ký túc xá quét vôi mầu vàng ẩn sau những bóng cây xà cừ to lớn trồng trong sân trường. Sau này, có một lần đi lại trên con đường xưa ấy mà bây giờ trở thành phố thị hết rồi tôi tìm mãi mới thấy một ngõ hẹp với cái biển chỉ tên trường.

Tạm biệt Tổ Quốc

          Tại sân ga Hàng Cỏ lúc ấy trời đã khá khuya nhưng cũng đông người đi lại. Tôi cũng tìm thấy bố mẹ và anh chị em ra tiễn. Lại những lời nói chia tay, những câu dặn dò, những dòng nước mắt và những cái ôm. Do tầu khởi hành muộn và cũng còn thời gian nên tôi rủ Hoan đi dạo một vòng loanh quanh khu nhà ga để nhìn lần cuối Hà Nội thân thương.

          Tôi không còn nhớ chính xác mấy giờ nhưng chắc cũng qua nửa đêm đoàn tầu liên vận “chuyên xa” (bây giờ không còn khái niệm này nữa mà thay vào đó là “chuyên cơ” tức máy bay thuê bao) đặc biệt của chúng tôi mới gióng lên hồi còi ủ dài chậm chạp rời ga Hàng Cỏ nhằm hướng phía bắc lao vào trong đêm. Lúc tầu chậm chạp rời ga nhiều đứa còn nhoài ra cửa sổ muốn nhìn thấy người thân nhưng làm sao nhìn được. Thế là bọn con gái đồng loạt khóc òa lên. Bọn con trai chúng tôi thì cứng rắn hơn không khóc nhưng cũng đều lặng im trước giây phút rời xa Hà Nội đi vào hành trình còn dài nhưng mới mẻ phía trước.

          Tầu khá tối, chỉ có ngọn “đèn bão” treo phía trần, lắc la lắc lư theo nhịp tầu. Ghế ngồi thì toàn ghế gỗ. Cửa sổ cũng không có hoặc có nhưng đều kéo hết xuống để mặc gió và bụi. Trong cả tiếng đồng hồ kể từ tầu rời ga, chẳng thấy ai nói chuyện hay cười đùa gì. Mọi người còn chìm đắm trong kỷ niệm mới nguyên của cuộc chia tay trên sân ga, còn gặm nhấm nỗi buồn nhớ gia đình, bố mẹ, bạn bè và những người thân. Tôi cứ nhẩm tính là tầu đi được bao lâu thì qua Từ Sơn, qua Bắc Ninh quê tôi để tôi chào quê hương lần cuối. Nhưng rồi tầu cứ lao đi lầm lũi trong đêm. Mà bên ngoài cửa sổ cũng tối om om chẳng biết đâu là đâu cả. Rồi chúng tôi cũng thiếp đi và khi tỉnh dậy là lúc trời đã bắt đầu sáng rõ mặt người.  Chúng tôi được thông báo chuẩn bị xuống tầu ở ga Lạng Sơn để nhà tầu chuẩn bị cho chuyến qua biên giới Việt- Trung. Chúng tôi ào xuống sân ga, nhìn mặt đứa nào cũng đen thui vì khói bụi than của tầu phả vào. Hồi đó tầu Việt Nam chạy bằng động cơ hơi nước đốt than. Khói từ đầu tầu chạy dài theo đoàn tầu xình xịch đen như đám cháy và vì ngồi ngay cửa sổ nên chúng tôi trở thành “Trương Phi” hết. May mà có cái giếng miệng tròn to đùng ở trong khu vực nhà ga nên chúng tôi múc lên rửa mặt, trong khi nhìn thấy các nhân viên nhà ga dùng chổi quét dọn và rửa tầu bằng nước bơm từ giếng lên. Tôi chả cảm nhận được cái gì ở Lạng Sơn chỉ nhìn thấy sân ga be bé và khi tầu chạy chậm qua thành phố thấy cũng yên bình với một vài con đường và những ngôi nhà nhỏ quét ve vàng.

Khi tầu từ từ leo núi, đi qua những hầm vượt núi hay những cây cầu đường sắt lênh khênh qua các thung lũng thơ mộng thì bọn chúng tôi đã lao xao lên xem sắp qua biên giới chưa và cố nhoài người nhìn mảnh đất Tổ quốc lần cuối và cố tìm xem cột mốc ở đâu.  Nhưng khu vực biên giới Việt-Trung địa hình hai bên giống nhau quá nên khó để nhận biết đâu là Việt Nam và đâu là Trung Quốc. Chỉ đến khi nhìn thấy những dòng chữ tiếng Trung hay những ngôi nhà mái cong truyền thống như thấy trong phim Trung quốc thì mới biết mình đã đến nước ngoài. Việc kiểm tra hộ chiếu trên tàu cũng không giống ở sân bay. Các anh bộ đội biên phòng (ngày trước gọi là công an vũ trang) đi dọc đoàn tầu và vào từng toa để kiểm tra hộ chiếu. Họ kiểm tra từ lúc tầu chuyển bánh ở ga Lạng Sơn và kết thúc khi sắp qua biên giới. Đến đó họ lại xuống và chờ tầu ngược chiều để về lại Lạng Sơn.

Chuyến "chuyên xa" cuối cùng

          Đoàn tầu liên vận của chúng tôi dừng lại ở ga Bằng Tường (Trung Quốc). Chúng tôi lại tha lôi hết hành trang để xuống sân ga vì phải chuyển tàu ở đây. Cảm giác thật khác lạ so với Việt Nam. Tất cả đều to lớn, sạch sẽ nhưng cũng vắng vẻ hầu như không nhìn thấy người. Hóa ra sau này tôi mới biết là ga liên vận quốc tế cấm người Trung Quốc vào nên chỉ toàn khách nước ngoài. Mà đoàn tàu chúng tôi cả năm trăm sinh viên Việt Nam nên cũng tràn ra nhà ga. Tôi rủ anh Mẫn và Hoan đi xuống khu bán đồ lưu niệm để mua mấy thứ đang là mốt và xa xỉ ở Việt Nam, đó là bút máy Kim Tinh, cắt móng tay, đeo chìa khóa. Buồn cười thật. Lúc đó thấy cái gì của Trung Quốc cũng đẹp.
 

1

Ảnh chụp tại Lăng Bác với mấy anh em bạn thân, 05/6/1977

          Sau một vài tiếng chờ đợi vì chúng tôi được thông báo là làm thủ tục gì đó đổi tiền, kiểm tra hộ chiếu chúng tôi được lên tầu liên vận của Trung Quốc. Thật là sung sướng vì quá sạch sẽ tiện nghi theo cái nhìn của lũ học sinh chúng tôi lúc đó. Sau một ngày lắc lư đau ê ẩm trên tầu Việt Nam, giờ đây nhìn thấy tầu hiện đại với ca bin 4 giường, đệm trắng muốt ai cũng cảm thấy đời lên tiên (!?). Trong thời gian mấy ngày liền trên tầu liên vận của Trung Quốc chúng tôi tranh nhau tắm khan trong khoang rửa mặt. Gọi là tắm khan vì chỉ lấy ít nước hiếm hoi trên tàu để “rửa ráy” cho đỡ khó chịu chứ có được tắm thật đâu. Cứ đến bữa ăn thì nhân viên nhà tầu lại đi từ toa dưới đến toa trên gọi “ăn cơm, ăn cơm” bằng thứ tiếng Việt lơ lớ. Mà ăn uống cũng “sang trọng” ghê, toa ăn sạch sẽ, bát sứ Trung Quốc trắng ngần, có cả miến Tầu nấu mộc nhĩ là món khoái khẩu của tôi. Tầu êm, chăn ấm, thỉnh thoảng buổi tối lại có nhân viên y tế đi dọc hành lang hỏi ai có bị làm sao không. Mỗi ca-bin có phích nước nóng và ấm pha trà; hàng ngày nhân viên mang phích nước nóng đến, uống hết lại thay phích mới. Hồi đó bọn tôi còn tặng cho ông nhân viên phục vụ này huy hiệu Bác Hồ vì thấy ông ấy quá chu đáo, nhưng không thấy ông ta đeo lần nào sau đó. Cảm tượng thật sự của chúng tôi lúc đó là ngành đường sắt Trung Quốc thật tuyệt vời, có thể gói gọn trong mấy từ : sang trọng, lịch sự, chu đáo. Do trên tàu nhiều thời gian rỗi nên chúng tôi chơi tú lơ khơ, nói chuyện tào lao, một số anh lớn tuổi quen biết cả lớp khác thì chạy đi thăm hỏi các toa khác, còn tôi hay đứng bên ngoài hành lang, nhìn ra bên ngoài cửa sổ, ngắm nhìn cuộc sống cứ trôi qua vùn vụt bên ngoài. Lúc thì thấy mặt trời mới mọc, đi một đoạn đã thấy đỉnh đầu, đoạn khác lại đã thấy hoàn hôn, hóa ra tầu đi qua rất nhiều những quãng thời gian khác nhau. Nhà cửa bên đường không phải chỗ nào cũng to lớn, đẹp đẽ. Nhiều khu vực nhà dân chỉ là những ngôi nhà thấp lè tè, tường đắp đất dầy cộp, mọi người ngồi cửa ghế băng bên ngoài ngắm đoàn tầu, còn chúng tôi ngắm họ. Nhìn kỹ vào bên trong nhà cũng chẳng thấy có đồ đạc gì.

          Đến ga quốc tế Mãn Châu Lý ở biên giới Trung Quốc và Liên Xô thì chúng tôi lại chuyển sang tầu Liên Xô. Một số đoàn đi lần trước thì qua cả Mông Cổ, nhưng chúng tôi không qua Ulan-Bato mà chuyển sang tầu Liên Xô. Quả là ngược lại với tầu Trung Quốc. Tầu Liên Xô chạy bằng điện, cũng khổ đường sắt rộng, nhưng thiếu hẳn sự sang trọng mà chúng tôi đã quen với tầu Trung Quốc. Vào ca-bin thì chăn ga gối đệm vứt trên giường phải tự trải, nước uống không có sẵn trong phòng mà phải ra tận cuối toa tầu ở khu vực vệ sinh để lấy. Mà hồi đó đi có được chuẩn bị cái gì đâu nên ca uống nước cũng không có để mà lấy nước uống. Nhà vệ sinh thì bẩn và mùi, chắc chỉ hơn của ta chút ít, nước rửa thì lạnh khủng khiếp nên chẳng dám rửa ráy tắm khô tắm ướt gì. Nhưng khổ nhất là khâu ăn uống vì đang quen ăn “cơm Tầu” (nên nhớ là có câu “Cơm Tầu, vợ Nhật, ở nhà Tây”!) bây giờ chuyển sang ăn súp với bánh mì đen khô không khốc không thể nào nuốt được. Thế là ai cũng ngậm ngùi nhắc đến những ngày “hạnh phúc” vừa qua trên tầu Trung Quốc. Mỗi toa có một nhân viên nhưng cũng chẳng thấy phục vụ gì, cáu cẳn như ma mặc dù chúng tôi không biết tiếng Nga nhưng thấy phản ứng khá khó chịu. Nhưng bù lại phong cảnh nước Nga thì quá là đẹp, cứ chạy vun vút theo con tầu. Những ngôi nhà gỗ sơn nhiều mầu sắc khác nhau, những cô gái Nga da trắng tóc vàng khác hẳn mấy người phụ nữ dân tộc của Trung Quốc khắc khổ. Đường sắt chạy quanh hồ Bai-can rộng như biển và nước sâu nhất thế giới. Nhìn đoàn tàu uốn lượn quanh hồ xanh ngăn ngắt và lặng sóng đến bất ngờ, nhìn những đám hoa dại đủ màu vàng, tím chạy dài bên đường tôi thấy đẹp đến nao lòng và khó có thể quên. Đến Iskutsk thuộc Sibiri thì một số sinh viên học ở đấy xuống tầu. Từ sân ga nhìn vào thành phố cũng thấy khá đẹp, hiền hòa. Chúng tôi đi vào đúng dịp giữa thu nên thời tiết đẹp, ấm chứ vào mùa đông thành phố này trắng xóa và lạnh nhất nước Nga.  Cũng do cứ thay đổi múi giờ và thời tiết liên tục theo dấu những con tầu nên nhiều lúc chẳng ngủ được hoặc đêm lại tỉnh giấc. Không phải vì tiếng ồn hay tiếng nghiến ken két của đoàn tầu vào ga hay giật cục khi dừng lại, mà vì trái múi giờ. Vì đi từ Hà Nội qua Trung Quốc và vào Liên Xô chúng tôi đã đi qua mấy múi giờ. Những lúc tỉnh dậy giữa đêm tôi lại vén rèm nhìn ra bên ngoài nhà ga, nhiều khi chuyển đầu tầu (Lokomotiv) nhưng chúng tôi vẫn nằm nguyên trên tầu, lý giải cho câu hỏi trong đầu tôi mà chưa tìm được lời giải là tại sao lúc thì giường của tôi thuận theo hướng tầu chạy nhưng lại có lúc ngược mặc dù chúng tôi ở trên cùng một đoàn tầu trong suốt hành trình mấy ngày băng qua đất nước Liên Xô mênh mông.

"Du lịch" Maxcowa

          Sau một tuần lắc lư qua hai quốc gia rộng lớn là Trung Quốc và Liên Xô, lúc thì rét run lúc thì nắng nóng qua sa mạc ở Trung Quốc, chúng tôi cũng đến được Mát-xkơ-va, Thủ đô kiêu hãnh của Liên Xô, thành trì của Chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản thế giới.  Đến Mát-xko-va chúng tôi tách đoàn. Những người học ở Liên Xô thì được chia ra và đón ngay về các trường. Còn những lưu học sinh đông Âu như tôi thì được đưa về khách sạn “Bông lúa vàng” và đi theo lịch tầu của mỗi nước khác nhau. Ban đầu nói là chỉ ở đó một ngày rồi lên tàu đi Berlin ngay nhưng sau đó lại được báo là ở thêm vài ba ngày nữa. Thế là tôi có cơ hội được đi thăm thủ đô của Liên Xô vĩ đại.

          Khách sạn “Bông lúa vàng” chắc là chỗ quen của Đại sứ quán hay đón các đoàn học sinh từ trong nước quá cảnh qua. Đó là tòa nhà kiểu cũ, cầu thang rộng, phòng ốc cũng rộng và trần cao. Mỗi phòng có vài ba giường nhưng không có công trình phụ gì cả. Theo tiêu chuẩn bây giờ thì chẳng đạt sao nào về tiện nghi. Nhưng với đám sinh viên chúng tôi mới từ Hà Nội sang thì đây cũng đã là quá tốt rồi. Giường có đệm lò xo êm ái, chăn, gối lông ngỗng êm ái thơm tho. Sau những ngày trên tàu chỉ thấy lắc lư và tiếng xình xịch thì chỗ này ngủ quá là lý tưởng rồi. Cũng vì hơn tuần trên tầu không được tắm nên chúng tôi vào ngay nhà vệ sinh, chẳng cần nhà tắm gì cả, đứng ngay ở chỗ bồn rửa mặt, lấy nước ở trong hộp gắn trên tường gội đầu tắm táp sung sướng như chưa bao giờ được tắm. Ai ngờ bà lao công người Nga béo ục ịch bắt gặp chửi cho một trận tam bành. Mặc dù chẳng biết bà chửi cái gì nhưng thấy mặt mũi đỏ ửng biết chắc là bà này cáu lắm. Khổ nỗi là sau này mới biết nước đó là nước rửa tay mà chúng tôi cứ gội đầu, tắm rửa vô tư.  Việc mua sắm đầu tiên của anh Mẫn, Hoan và tôi là xuống ngay cổng khách sạn mua mỗi người một cái kem dễ đến nửa cân sữa ăn no luôn nhưng ngon vô cùng.

          Những ngày ở thủ đô Xô Viết thật sự là những kỷ niệm đáng nhớ đối với tôi. Thứ nhất là lần đầu tiên đến nơi mà mình chỉ có thể mơ ước và mường tượng, nhìn thấy những biểu tượng kiêu hãnh của “Thiên đường của Chủ nghĩa xã hội”; thứ hai là thấy lạ lẫm với nhiều thứ, như việc mua bánh mỳ theo kiểu tự phục vụ, tức là tự lấy bánh mang ra Kassa trả tiền (bây giờ ở Việt Nam quen rồi chứ cách đây 40 năm không thể hình dung ra). Mặc dù cũng thấy là hàng hóa ở đây cũng không phải nhiều lắm, kể cả ở GUM; chắc chỉ có hàng bánh mỳ và hàng kem là còn có hàng để bán tương đối thoải mái còn thì cũng khá eo hẹp. Đấy làm cảm nhận sau này chứ lúc đó thấy được vậy là kinh khủng lắm rồi. Công nhận là hệ thống Metro của Mat-xko-va hoành tráng nhất mà tôi biết cho đến nay với độ dầy đặc của các tuyến đường cũng như độ sâu hun hút của hệ thống thang cuốn. Lần đầu bước vào thang cuốn mà chóng cả mặt vì nhìn xuống rất sâu, gió hun hút mà mình thì không biết phải bước vào như thế nào cho khỏi ngã. Mỗi nhà ga tầu điện ngầm giống như một cung điện lộng lẫy, tường ốp đá cẩm thạch, trên trần nhà là những bức tranh rất đẹp và đặc biệt là hệ thống đèn chùm pha lê. Không ga nào giống ga nào nên nhìn không biết chán, chỉ muốn nán lại để ngắm nhưng người đi lại đông quá. Sau này đi nhiều nước và nhất là ở Đức thì chưa đâu thấy hệ thông Metro siêu như ở Liên Xô. Ở những chỗ khác thì độ sâu cũng vừa phải, nhà ga nặng công năng sử dụng nên nhiều khi nặng nề hoặc lạnh lẽo và đặc biệt không được sạch sẽ như các nhà ga-cung điện như ở thủ đô của Liên Xô vĩ đại.

Đến đích: CHDC Đức

          Sau khi ở đó gần một tuần thì đoàn lưu học sinh đi Cộng hòa dân chủ Đức chúng tôi lên tầu sang Berlin. Tầu liên vận sang Đức khá hơn tầu mà chúng tôi đã đi suốt chặng đường từ Mãn Châu Lý đến Mat-xko- va nhưng tôi cũng không cảm nhận được gì nhiều vì thời gian ngắn, có hơn một hoặc hai ngày. Tầu từ Liên Xô dừng lại ở chặng cuối cùng tại ga Ostbahnhof. Khi chúng tôi đến trời cũng đã sáng rõ mặt người nhưng sân ga vắng lặng, ít người qua lại. Sứ quán và nhà trường mang xe lên đón chúng tôi về ngay Leipzig nơi chúng tôi sẽ học một năm tiếng Đức. Lúc xách va ly từ nhà ga ra sang sân phía trước để lên xe buýt lần đầu tiên chúng tôi được đọc những dòng chữ tiếng Đức ở ngay nước Đức và hơi lạ lẫm khi thấy ghi Postamt (khi học chỉ biết Post là bưu điện). Tòa nhà bưu điện ở ngay Ostbahnhof bây giờ đã bị san phẳng cùng với toàn bộ khu vực trước đây là vành đai biên giới Đức - Đức ngay cạnh bức tường Berlin nổi tiếng. Chúng tôi lên xe bus và tận hưởng cảm giác khoan khoái, sung sướng lần đầu được đi xe xịn như thế (là xe Ikarus do Hungari sản xuất chung cho các nước Cộng đồng kinh tế các nước xã hội chủ nghĩa) nếu so với xe Hải âu cũ kỹ mà mới trước đó hơn một tuần đưa chúng tôi từ Thanh Xuân ra ga Hàng Cỏ. Mỗi đứa được phát một túi giấy ghi dòng chữ Mitropa bên trong có một cái bánh mỳ con kẹp sẵn thịt nguội, một quả chuối và một chai Klub Cola, là loại nước uống có ga giống như Coca Cola hay Pepsi Cola sau này tôi được biết. Nhưng lúc đó thấy khá khó uống vì có ga lại chưa quen mùi vị của loại nước uống này./.

00d0c7b6c6af4a3568b1ce47e8d72de2

Nhà ga đầu tiên của CHDC Đức nơi chúng tôi đến vào tháng 8 năm 1977


Xem tiếp phần 2:

>> Nguyễn Hữu Tráng (Berlin): NHỮNG THÁNG NGÀY ĐẦU TIÊN TRÊN ĐẤT ĐỨC  

Bài và ảnh: Nguyễn Hữu Tráng  

Chú ý: Chỉ được đăng lại bài khi có sự đồng ý của tác giả hoặc báo NguoiViet.de!

Tổng số điểm của bài viết là: 24 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 4.8 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  • Nguyễn Thanh Trang

    Xin cảm ơn TG về hồi ức thú vị này.Tôi sang Đức (DDR) cách đây 30 năm bằng máy bay chứ không đi bằng tàu hỏa như TG, nhưng mọi cảm giác khi rời Tổ Quốc và cả những ngày đầu tiên sống trên đất DDR cũng giống hệt như Anh. Bây giờ sau 30 năm nhớ lại tôi vẫn thấy nao nao...

    Bạn Bùi Quý Long đã nói sai trong ý kiến của mình . Thứ nhất về các thế hệ du học sinh trước 1990 được đi du học tại các nước XHCN chủ yếu dựa trên thành tích học tập của bản thân (trước 1970 khi không tổ chức thi ĐH thì nhà nước xét tuyển các HS có thành tích học giỏi từ các trường PT ở miền Bắc, tất nhiên có ưu tiên con em miền Nam và con một số cán bộ cấp cao. Sau 1970 có tổ chức thi đại học thì căn cứ vào điểm thi ĐH, thường là điểm rất cao ). Ngoài việc có thành tích học tập lọai giỏi ra , người ta còn xét cả lý lịch gđ nữa, như trong gia tộc tôi có các Dì, Cậu bên ngoại học rất giỏi , điểm thi Đh cũng rất cao có người đạt 28 đ cho 3 môn, nhưng vẫn không được đi du học vì người ta nhận xét ông bà ngoại tôi là địa chủ, phải vất vả lắm mới được học Đh trong nước và sau này họ vẫn là những BS, DS rất giỏi. Còn bên nội thì chú tôi cũng thi Đh đạt 26 đ cho 3 môn, ông được cử đi học tại Rumania năm 1974, ông bà nội tôi chỉ là nông dân bình thường, không phải cán bộ nhà nước. Những lớp du học sinh này được gọi đúng như TG viết là lớp du học sinh của "Bác Bửu".

    Thứ hai Tàu điện ngầm ở Moskau có từ thời Liên Xô (năm 1935), nên các nhà ga cũng được xây dựng từ năm đó, không phải từ thờ Nga Hoàng (trước 1917). Vì ảnh hưởng của tư tưởng Stalin nên tất cả các công trình ở Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu đều được xây dựng rất hoành tráng.

      Nguyễn Thanh Trang   27/09/2017 15:03
  • Tuyết Minh

    Trước khi trao đổi hay tranh luân tôi muốn cần nói rõ thêm 1 chút để khỏi hiểu lầm: Mong ĐG Bùi Quý Long nói rõ thêm từ ĐG viết „thẻ“ là hàm ý gì, có phải: „tiêu chuẩn“ không? Còn nếu đúng thẻ có nghĩa „tiêu chuẩn“ (hiểu tương đối) thì xin lỗi được hỏi ĐG sang Đức theo „thẻ“ gì? Tôi hỏi câu này vì thú thực giai đoạn sau này tôi cũng không rành lắm, nhưng tôi biết giai đoạn TG bài báo Nguyễn Hữu Tráng viết „Giai đoạn Bộ trưởng Tạ Quang Bửu“ là giai đoạn sinh viên được lựa chọn ra nước ngoài chủ yếu do kết quả học tập thường là giỏi, ít ra là khá và đặc biệt kết quả thi đại học phải đủ mức quy định (ai học đại học thì điểm thi phải cao hơn mức chuẩn mọi trường đại học ở trong nước!) – nếu có ưu tiên theo như tôi biết, - chủ yếu cho con em cán bộ Miền Nam (được cộng điểm) chứ con ông cháu cha học dốt thời kỳ đó có thể nói không được đi (Ai đi đợt này có thể góp ý nếu tôi nói không chuẩn hay sai!). Vì thế câu ĐG viết: theo tôi biết cơ bản sẽ không đúng! Tóm lại có thể tin là những sinh viên lớp đó như Nguyễn Hữu Tráng hay bà xã của TG là cựu đại sứ Nguyễn Thị Hoàng Anh được cử sang học đại học (ai học cao đẳng ở Đức và Hung thì mức điểm thi thấp hơn học đại học) cơ bản (xác xuất nhỏ con ông cháu cha tôi không loại trừ!) là những học sinh đạt kết quả tốt ở trường cũng như ở kỳ thi đại học chứ không phải vì họ là „con ông cháu cha“! Còn tôi tin nếu TG Nguyễn Hữu Tráng công khai kết quả học tập cũng như kết quả thi của 2 vợ chồng thì chắc sẽ bớt đi sự nghi ngờ về những điều tôi kể thêm trên.

      Tuyết Minh   06/08/2017 23:58
  • Bùi Quý Long

    Tuy bài dài quá nhưng xem không tháy chán. Vì tôi tò mò muốn tìm hiểu cảm nhận của dân lưu học sinh đi Đức cách nay 40 năm ra sao. Tôi sang Đức mới 29 năm, lúc ấy thì bay chứ không đi tàu. Những tử ngữ mang tính rất xưa thời đó, xem mà nhớ lại cũng thấy hay hay... (ví dụ: thành trì CNXH và CNCS...). Tuy 40 năm qua nhưng tác giả nhớ được nhiều cũng khá đấy. Mà lớp du học sinh này, phần lớn là con ông - cháu cha. Dân thường không có "thẻ" mà đi. Nhà ga đường tàu điện ngầm của Liên Xô (đã xây dựng từ thời Nga hoàng) được nhiều người ca ngợi đẹp như cung điện.

      Bùi Quý Long   06/08/2017 20:26
  • Vũ Xuân Quang

    Chỉ là lời kể lại cuộc hành trình đi du học nước ngoài nhưng đã gợi cho người ta cái cảm giác nhớ, tiếc nao nao đầy xúc động. Bài viết của anh Tráng hay quá.Sau này chúng tôi được sang Đức bằng máy bay nhưng cái cảm giác khi dời trường Thanh Xuân, dời Hà nội, dời tổ quốc cũng vẫn na ná như vậy.

      Vũ Xuân Quang   05/08/2017 22:43

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage của NguoiViet.de
Cảm nhận mới nhất
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây