Nguyễn Hữu Tráng (Berlin): CHÂU ÂU VÀ „CÁI BẪY THỔ NHĨ KỲ“?

Thứ ba - 14/03/2017 19:33
"Khủng hoảng ngoại giao" giữa Thổ Nhĩ kỳ với Đức, Hà Lan và nhiều nước châu Âu có chiều hướng gia tăng.
Ngoại trưởng Thổ trong TLSQ Thổ Nhĩ kỳ tại Hamburg. Nguồn: Internet
Ngoại trưởng Thổ trong TLSQ Thổ Nhĩ kỳ tại Hamburg. Nguồn: Internet
 
 

Chiều 13/3 Tổng thống Erdogan công kích trực diện Thủ tướng Merkel khi nói bà "ủng hộ bọn khủng bố" (ý là Đảng Công nhân người Cuốc), coi "khuyến nghị" của EU về việc các bên cần giữ bình tĩnh là "vô giá trị". Phía Thổ cũng dọa sẽ xem xét rút khỏi một số điều khoản trong Thỏa thuận về tỵ nạn 2016 cũng như về nghĩa vụ với tư cách thành viên NATO, kiện các nước EU ra Tòa án nhân quyền Châu Âu.

Trong khi đó, Đức bác bỏ cáo buộc của Thổ; ngày càng có nhiều ý kiến yêu cầu Chính phủ cấm Thổ tổ chức các hoạt động vận động cho cuộc trưng cầu dân ý về Hiến pháp tại Đức; Bộ Ngoại giao Đức nâng mức cảnh báo đối với du khách Đức sang Thổ (Hà Lan và các nước EU khác cũng nâng mức cảnh báo du khách sang Thổ. Đây được cho là đòn chí mạng vào ngành kinh tế mũi nhọn du dịch của Thổ Nhĩ kỳ; tỷ lệ đặt phòng khách sạn và lữ hành giảm gần 70%).

Ngoài Hà Lan, các nước Pháp, Thụy sĩ, Áo cũng hoãn vô thời hạn các cuộc tiếp xúc song phương với Thổ và không hoan nghênh các hoạt động của chính khách Thổ ở nước họ. 

 Châu Âu đang lo ngại vì ngày mai 15/4 Hà Lan sẽ bỏ phiếu mà chủ đề tranh luận tối qua trên TV không phải là các vấn đề nội trị, mà là cuộc đấu khẩu giữa Thủ tướng Rutte và Thủ lĩnh đảng thiên hữu, mị dân Wilders về quan hệ với Thổ.

Còn ở Thổ, tỷ lệ cử tri ủng hộ cải cách Hiến pháp và ủng hộ TTh Erdogan tăng lên đáng kể so với trước khi xẩy ra "khủng hoảng ngoại giao" với EU. 

Phải chăng EU đúng là đang rơi vào "cái bẫy Thổ Nhĩ kỳ"?

Bài viết ngày hôm qua của tôi dưới đây vì thế sẽ đổi tiêu đề từ "CHÂU ÂU: ĐIỀU GÌ ĐANG XẨY RA?" thành "CHÂU ÂU VÀ „CÁI BẪY THỔ NHĨ KỲ“?.

Nguyễn Hữu Tráng (Berlin, Đức)


 


CHÂU ÂU VÀ „CÁI BẪY THỔ NHĨ KỲ
 
Trong tuần qua nhiều sự việc xẩy ra ở ngay trung tâm Châu Âu khiến dư luận lo ngại, còn giới nghiên cứu về ngoại giao và quan hệ quốc tế thì được chứng kiến những sự việc chưa từng có tiền lệ ở châu Âu, ít nhất là kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh.

Vậy điều gì đang xẩy ra?

Giữa tháng 4 tới ở Thổ Nhĩ kỳ diễn ra cuộc trưng cầu dân ý về cải tổ Hiến pháp, theo đó sẽ thiết lập chế độ „dân chủ Tổng thống“, có nghĩa là sẽ không có chế định Thủ tướng. Mọi quyền lực tập trung vào Tổng thống. Tổng thống vừa là Nguyên thủ, thống lĩnh lực lượng vũ trang, vừa là cấp hành pháp cao nhất. Hiện nay cũng có nhiều nước theo chế độ này điển hình là Mỹ, Pháp. Vậy nên việc người dân một nước bỏ phiếu lựa chọn chính thể nước mình là chủ quyền của họ và cũng không có gì to tát mà Châu Âu lại lo ngại đến thế. Nhưng từ lâu trong quan hệ của Châu Âu với Thổ Nhĩ kỳ lại không phải như vậy. EU và nhiều nước châu Âu bày tỏ quan ngại về kế hoạch cải tổ Hiến pháp lần này của Tổng thống Erdogan vì cho rằng nó sẽ đưa Thổ đến chế độ độc tài, trong khi Thổ là đối tác quan trọng của EU và đang xin gia nhập Tổ chức này. Ngoài ra Thổ còn là thành viên NATO. 

Mặc dù pháp luật Thổ cấm việc vận động tranh cử ở nước ngoài, nhưng chính quyền của Tổng thống Erdogan vẫn tiến hành hàng loạt các cuộc đi thăm Đức và các nước EU khác. Về danh nghĩa là đi tiếp xúc đối ngoại, nhưng thực chất là các cuộc vận động trong cử tri Thổ ở Đức cho cuộc trưng cầu dân ý về Hiến pháp. Đức là nơi có nhiều cử tri Thổ sinh sống nhất (khoảng 1,4 triệu trong số 3 triệu người gốc Thổ) và vì thế dự kiến khoảng 10-15 bộ trưởng Thổ sẽ sang Đức trong suốt thời gian đến trung tuần tháng 4.

Vừa rồi các Bộ trưởng Ngoại giao, Kinh tế, Tư pháp, Gia đình và xã hội đã sang Đức trong vòng hơn một tuần. Dư luận xã hội Đức chia rẽ. Đa số muốn Chính phủ Đức cấm các hoạt động vận động tranh cử của nước ngoài trên lãnh thổ Đức. Nhưng nhiều ý kiến lại cho rằng cần hết sức thận trọng vì quan hệ với Thổ cực kỳ quan trong với Đức và lưu ý đến cộng đồng đông đảo người Thổ và gốc Thổ sinh sống ở Đức.

Các cuộc gặp dự kiến ở Baden-Württemberg, Hamburg đã được cấp phép nhưng đến phút chót lại bị rút giấy phép vì „an ninh không bảo đảm“, „không có đủ chỗ đỗ xe“, „các tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy không bảo đảm cho cuộc mít tinh đông người“ vân vân và vân vân. Sau khi cuộc mít tinh ở Hamburg bị hủy bỏ, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ lúc đó đang ở Đức tuyên bố ông rất bất bình về quyết định của phía Đức và nói ông vẫn sẽ đến và nói chuyện ở chỗ nào mà ông muốn trên đất Đức. Ông nhắc lại tuyên bố của Tổng thống Erdogan nói trước đó tại Ankara sau khi cuộc gặp của Bộ trưởng Tư pháp Thổ đến phút chót cũng bị hủy là nước Đức „hành xử như Quốc xã“. Sau đó ông này đã đến nói chuyện với hơn trăm cử tri Thổ trong khuôn viên Nhà riêng của Tổng Lãnh sự Thổ ở Hamburg. Đương nhiên ông vẫn thực hiện được lời „đe dọa“ là ông vẫn sẽ đến và sẽ nói „ở chỗ nào ông muốn“ vì khuôn viên TLSQ Thổ được coi là „lãnh thổ“ của Thổ và được hưởng „trị ngoại pháp quyền“ theo luật pháp quốc tế. Nhưng tuyên bố của Tổng thống và Ngoại trưởng Thổ so sánh với „Quốc xã“ thực sự đã dấy lên làn sóng phản đối trong dư luận và chính giới Đức. Từ Tổng thống Gauck, Thủ tướng Merkel, Chủ tịch Nghị viện Lammert, đến Bộ trưởng Ngoại giao Gabriel, Bộ trưởng Tư pháp Maas và hàng loạt chính khách hàng đầu đã lên án và bác bỏ sự „vu khống vô căn cứ“ của Thổ và cho đó hoàn toàn không phù hợp với quan hệ song phương cũng như tập quán quốc tế. Dư luận xã hội dấy lên làn sóng yêu cầu Chính phủ Liên bang cấm nhập cảnh các chính khách Thổ, kể cả Tổng thống Erdogan nếu họ sang Đức để vận động cho cải cách Hiến pháp. Cuối cùng Tòa án Hiến pháp Liên bang đã ra phán quyết là „chính phủ nước ngoài không có quyền cơ bản được vận động tranh cử trên lãnh thổ nước Đức“.

Nhưng ở Hà Lan tình hình lại khác. 

Buổi nói chuyện của Ngoại trưởng Thổ Cavusoglu dự định thứ bẩy vừa rồi tại Rottendam bị hủy do chủ ngôi nhà dự định tổ chức cuộc gặp đã hủy hợp đồng cho thuê. Bộ trưởng Ngoại giao Hà Lan Bert Koenders thông báo cuộc gặp dự kiến với ông Cavusoglu „không được hoan nghênh“. Mặc dầu vậy Ngoại trưởng Thổ tuyên bố ông vẫn cứ đi Rotterdam. Đến nước này thì Thị trưởng Rotterdam phải lên tiếng là ông sẽ cấm hoạt động tranh cử của Bộ trưởng Thổ. Đáp lại Ngoại trưởng Thổ đe dọa „Thổ sẽ áp dụng biện pháp trả đũa mạnh mẽ“ và nói ông vẫn cứ đi Rotterdam ngay ngày hôm đó. Cực chẳng đã Hà Lan đã ra quyết định cấm Bộ trưởng Ngoại giao Thổ nhập cảnh vì lý do an ninh quốc gia.

Tối thứ bẩy tuần trước bà Bộ trưởng gia đình của Thổ khi đang từ Düsseldorf (Đức) sang Hà Lan thì bị cảnh sát Hà Lan chặn lại, không cho vào trụ sở Lãnh sự quán Thổ ở Rotterdam, đồng thời áp tải đoàn xe của Bộ trưởng ra khỏi lãnh thổ Hà Lan và ngược về Đức „nơi từ đó bà sang Hà Lan“.

Hàng ngàn người giương quốc kỳ Thổ biểu tình trước Lãnh sự quán Thổ ở Rotterdam; chính quyền Thổ ra lệnh niêm phong Đại sứ quán Hà Lan tại Ankara, Tổng Lãnh sự quán tại Istabul, tuyên bố Đại sứ Hà Lan hiện đang không ở Ankara là „người không được hoan nghênh“ và vì vậy không được quay trở lại Thổ Nhĩ kỳ.

Tại cuộc mít tinh ở Ankara, Tổng thống Erdogan dùng lời lẽ nặng nề nhất để „chửi rủa“ Hà Lan về việc cấm nhập cảnh và trục xuất bộ trưởng Thổ. Ông nói „họ thật kém cỏi và sợ hãi“, „chúng là hậu duệ của Quốc xã và là bọn phát xít“. Thủ tướng Thổ đe dọa Hà Lan sẽ phải trả giá. Bộ trưởng Ngoại giao Cavusoglu thì yêu cầu Chính phủ Hà Lan phải xin lỗi và gọi Hà Lan là „thủ phủ của chủ nghĩa phát xít“. Đáp lại Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết sẽ không bao giờ có chuyện xin lỗi và việc phía Thổ so sánh nước ông với Quốc xã là „đã đi quá xa“, đồng thời kêu gọi Chính phủ Thổ „hãy giữ cái đầu lạnh“. Tại Hà Lan hiện nay có khoảng 400 ngàn người Thổ sinh sống.

Hai cách ứng xử khác nhau và „cái bẫy“ của Thổ Nhĩ kỳ?

Mục đích các chuyến „công du“ của hàng loạt bộ trưởng Thổ Nhĩ kỳ sang Đức và Châu Âu đã quá rõ. Tất cả những chuyến đi này đều không phải do phía Đức mời nhưng vì phép lịch sự ngoại giao nên nước chủ nhà dù không thích thú lắm nhưng cũng đều bố trí các cuộc gặp song phương, có khi chỉ là ăn sáng làm việc như trường hợp Ngoại trưởng Thổ. Điều „lạ“ lần này là thái độ có phần „ngạo mạn“ và phản ứng quá mức của phía Thổ Nhĩ kỳ. Là đối tác quan trọng của EU và thành viên NATO nhưng „lời qua tiếng lại“ giữa Thổ với Đức và Hà Lan vượt quá giới hạn của bạn bè hay đồng minh. Nó cũng không phù hợp với tập quán quốc tế. Tổng thống Erdogan công kích Đức là không hiểu biết gì về dân chủ và Thổ cần phải dậy Hà Lan về dân chủ; các nước này đã hành xử như „quốc xã“. Ông và các thành viên nội các của ông còn tuyên bố đại thể Đức hay các nước châu Âu không cản được ông đến; ông muốn đi đâu và nói chuyện ở đâu là việc của ông và ông sẽ làm, không ai cản được.

Ngày 07/3 Thủ tướng Merkel bầy tỏ quan điểm rõ ràng đối với cáo buộc của Thổ khi bà nói „không cần thiết phải bình luận về những ý kiến lệch lạc nói trên và cũng không gì có thể biện minh cho điều đó (so sánh với quốc xã), kể cả cuộc trưng cầu dân ý về cải cách Hiến pháp. Điều đặc biệt nghiêm trọng và cá nhân tôi cảm thấy buồn là việc so sánh với Quốc xã trước sau gì cũng sẽ dẫn đến việc làm giảm mức độ ghê tởm mà nhân loại phải chịu do tội ác chiến tranh mà Chủ nghĩa quốc xã gây ra. Riêng điều đó thôi đã cho thấy những ý kiến loại này không thể được chấp nhận“.

Tại phán quyết ngày 10/3 (Az.2 BvR 483/17) Tòa án Hiến pháp Đức kết luận Hiến pháp Đức cũng như công pháp quốc tế không có điều khoản nào dành quyền cho nguyên thủ hay thành viên chính phủ nước ngoài được đến Đức để thực hiện các nhiệm vụ công quyền. Tòa án cao nhất của Đức cũng khẳng định việc có cho phép những cuộc vận động tranh cử ở Đức hay không là thuộc thẩm quyền của Chính phủ Liên bang. Việc không cho phép các cuộc vận động tranh cử của nước ngoài ở Đức là quyết định chính trị liên quan đến quan hệ giữa những nhà nước có chủ quyền. Phán quyết này được cho là gián tiếp cho phép Chính phủ cấm các hoạt động như vậy. 

Mặc dầu vậy thì bản thân Thủ tướng Merkel và Chính phủ Đức cũng không đưa ra quyết định ngăn cấm mà để chính quyền địa phương tự xử lý phù hợp với pháp luật. Bộ trưởng Nội vụ Thomas de Maiziere nói việc này phải cân nhắc „một cách thông minh“ và đưa ra những khuôn khổ rõ ràng, chẳng hạn quy định trong Bộ luật hình sự, theo đó tất cả những hành vi lăng mạ, bôi nhọ CHLB Đức và thể chế chính trị của Đức đều là hành vi phạm pháp. Bộ trưởng Tài chính Schaeuble hoãn vô thời hạn cuộc gặp với đồng cấp Thổ và cho biết việc có tiếp tục hỗ trợ kinh tế phụ thuộc vào việc Thổ thả nhà báo Deniz Yücel của Tờ Zeit.

Ngược với Đức, việc xử lý của Chính phủ Hà Lan vừa qua đã đẩy quan hệ hai nước đến mức xấu nhất từ nhiều năm qua, tạo ra „khủng hoảng ngoại giao“ trầm trọng. 

Những nhà phân tích cho rằng hai cách ứng xử khác nhau như trên có nguyên nhân sâu sa của nó.

Quan hệ với Thổ Nhĩ kỳ cực kỳ quan trọng với Đức trước kia cũng như hiện nay. Có thể điểm qua một vài yếu tố chủ đạo : cân bằng quan hệ với Nga khi EU còn giữ lệnh cấm vận nước này (Thổ là đồng minh NATO quan trọng ở phía đông); Thổ là nhân tố quan trọng trong liên minh chống Nhà nước hồi giáo tự xưng IS và giữ vai trò thiết yếu trong Thỏa thuận năm ngoái xử lý khủng hoảng tỵ nạn; Thổ và Đức là hai đối tác kinh tế quan trọng ở khu vực và Thổ là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất của du khách Đức. Điều không thể không tính tới là hơn ba triệu người Thổ đang sinh sống ở Đức, trong đó có nhiều người còn giữ quốc tịch Thổ hay có hai quốc tịch. Tuy không ai nói ra nhưng những hình ảnh hàng ngàn người Thổ biểu tình chống Hà Lan ở Rotterdam và khắp nơi ở Hà Lan và ngay cả ở Berlin khiến người ta nghĩ đến „đội quân thứ năm“ và „con ngựa thành Troa“. Người biểu tình ở Istabul còn giật quốc kỳ Hà Lan tại trụ sở Tổng Lãnh sự quán Hà Lan và kéo lên đó quốc kỳ Thổ Nhĩ kỳ khiến dư luận lo ngại khi liên tưởng đến những hình ảnh ở Teheran năm 1978 trong cuộc „cách mạng hồi giáo“ chống Mỹ và phương Tây.

Nếu để căng thẳng leo thang trong quan hệ với Thổ chắc chắn Đức cũng không được lợi gì. Trái lại nó còn có thể gây những xáo trộn và bất ổn trong lòng nước Đức, phá hoại những nỗ lực của Liên minh cầm quyền hiện nay của Chính phủ bà Merkel. Vì lẽ đó thái độ „không thèm chấp“ của Thủ tướng Merkel được cho là khôn ngoan nhất hiện nay.

Còn với Hà Lan thì sao? Chỉ còn vài ngày nữa Hà Lan sẽ bắt đầu bầu cử và kết quả cuối cùng thế nào cũng chưa ai đoán định được. Liệu phe mị dân, dân túy có vươn lên vị trí số một hay không cũng còn là một giả thiết. Nếu phe này thắng cử thì đó sẽ là “tai họa” cho nền dân chủ ở Hà Lan và tác động tiêu cực đến bầu cử ở Pháp và Đức thời gian tới và rất có khả năng đánh dấu sự kết thúc của EU và sự đổ vỡ của đồng tiền chung euro. Phải chăng những biện pháp mà Chính phủ của Thủ tướng Mark Rutte đưa ra vừa qua cũng bị tác động bởi tình hình nội trị trong nước ngay trước bầu cử?
 
Cảnh sát Hà Lan tại biểu tình của người Thổ trước TLSQ Thổ tại Rotterdam

Casper Thomas trong bài viết ngày 13/3 từ Amsterdam thì cho rằng Mark Rutte đang “đùa giỡn với di sản dân chủ tự do của Hà Lan” và chỉ làm cho các lực lượng thiên hữu, mị dân “thêm đất dụng võ”. 

Còn Lenz Jacobsen ngày 11/3 có bài bình luận cho rằng bản thân những nhà dân chủ tự do Hà Lan cũng lại không còn tin vào tự do và sa vào “cái bẫy” do Ankara giăng ra. Việc cấm cửa thành viên nội các của Thổ Nhĩ kỳ hay “trục xuất” bộ trưởng của họ bằng xe cảnh sát hộ tống không giúp gì cho cuộc đấu tranh của phe dân chủ ở Thổ. Trái lại qua việc này Tổng thống Erdogan như được tiếp thêm sức mạnh để củng cố quyền lực trong nước. Từ sau đảo chính bất thành năm ngoái dư luận Châu Âu luôn bầy tỏ lo ngại về xu hướng “độc tài” của TTh Erdogan, gây sức ép lên Chính phủ Thổ trên nhiều phương diện. Việc đàm phán gia nhập EU coi như bị hủy bỏ khiến Thổ Nhĩ kỳ “mất mặt”. Ở trong nước chính quyền của Tổng thống Erdogan luôn đổ lỗi cho EU, cho Đức cản trở Thổ trở thành thành viên EU. Phản ứng mạnh mẽ của chính quyền cũng như người dân Thổ vừa qua đối với cách “hành xử như quốc xã” của Đức và đặc biệt của Hà Lan cho thấy TTh Erdogan đã tìm được lý do khá “nặng ký” nhằm trang trải với dư luận trong nước. Thông điệp đó là : người Đức và người Châu Âu thực sự không phải là dân chủ, không phải là hình mẫu mà Thổ phải noi theo; trái lại người Thổ phải dạy lại cho châu Âu về dân chủ. Thế nên Jocobsen nêu kết luận là Hà Lan đã “rơi vào cái bẫy của Erdogan” và cuối tuần qua là “ngày chiến thắng của Erdogan”.

Cũng chính vì thế nên có người đặt câu hỏi: Chả nhẽ bộ trưởng Thổ Nhĩ kỳ không có việc gì làm hay sao mà có tới 15 bộ trưởng sang Đức hoặc dự định sang Đức trong một thời gian ngắn? Câu trả lời không chỉ đơn giản là bởi mọi việc trong nước đều tập trung vào tay Tổng thống cả mà còn là : đây có thể nằm trong “chiến lược khiêu khích” mới của Tổng thống Erdogan nhằm vào Châu Âu. Thậm chí có người còn nói : tin là người Thổ có thể làm tất cả, nhưng chớ có tin là họ ngây thơ!

Không biết có một chiến dịch như vậy thật không và cũng không biết có cái bẫy mà Thổ giăng ra thật hay không, nhưng rõ ràng Đức và Châu Âu đang được chứng kiến những bước đi ngoại giao chưa từng có tiền lệ trong quan hệ quốc tế hiện đại./.

Nguyễn Hữu Tráng Blog
Chú ý: Vui lòng ghi rõ tên tác giả và nguồn NguoiViet.de khi đăng lại bài viết trên để tránh vi phạm bản quyền.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage của NguoiViet.de
Cảm nhận mới nhất
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây