Nguyễn Công Tiến (Halle/Saale): KIẾM SỸ

Thứ bảy - 15/07/2017 19:40
..."Già rồi, sắp về bến hưu mà không có bạn tri âm, nên buồn. Nhân có phong trào vui chơi theo nhóm sở thích, mình tham gia tuốt!"...
Một buổi sinh hoạt trên sàn khiêu vũ (Nguồn:Nguyễn Công Tiến)
Một buổi sinh hoạt trên sàn khiêu vũ (Nguồn:Nguyễn Công Tiến)


KIẾM SỸ

Chỗ tôi “ngõ nhỏ phố nhỏ”, nên ít có người đồng hương ở đó. Già rồi, sắp về bến hưu mà không có bạn tri âm, nên buồn. Nhân có phong trào vui chơi theo nhóm sở thích, mình tham gia tuốt! Nào là thanh nhạc (có ca sỹ “xịn” trong nước sang dạy, sau 10 tiết Đồ Rê Mí, bài cao, thấp thế nào cũng tương được hết); nào là khiêu vũ (thầy Tây dạy nhé, cực cơ bản, dẻo như Chăm-pa, mềm như Lăm-vông); nào là nhiếp ảnh (khoản này đang tự mầy mò, chụp chân dung xong, về xem lại, nom như bôi nhọ nồi vào mặt).

Nghe nói sang 2018, ở Đức người ta sẽ sản xuất Ô-tô bay, mình định chạy đi xin đăng kí học khoá Pi-lốt, vợ nguýt: “Anh mới leo lên cây mận đầu ngõ mà đã hoa mắt chóng mặt, giờ đòi bay, có mà bay vào mắt!”. Cũng kinh! Mình vốn dĩ sợ độ cao mà! Thấy mấy bà, mấy cô tấp tưởi tập Te-nít, mình cũng ới vào. Một cô váy ngắn bĩu môi: “Bác lẻo khoẻo thế kia, đú thế nào được với bọn em mà đú?”.

Hehe! Buồn quá, mình nói chuyện lại với thằng cha hội trưởng phong trào thể thao cộng đồng, hắn bảo: “Bác bị tiểu đường, chạy sô thế nào được với mấy thị thây lẩy ấy. Sân gôn Halle mới năng cấp lên 18 lỗ, cuối tuần, chỉ cần bác túc tắc đi đủ 9 lỗ cho em, chả cần thuốc thang gì cho phức tạp”. Nghe thì xuôi tai, nhưng suốt ngày đội nắng thui thủi một mình với cây gậy, lẩn thẩn như ma ngoài đồng không mông quạnh.

Nghĩ lại cũng kinh! Cuối cùng, đành gói ghém tất cả các “Tinh thần thể thao” ấy lại, trở về bên bàn Com-pu-thơ. Tưởng rằng, mình đã dứt bỏ được cái “mộng phong trào”, ai ngờ lại lao vào mộng... “Kiếm sỹ”.

Trên “Phây”, mình có anh bạn, xưa cũng đã từng tu nghiệp chuyên về khoa học tự nhiên ở châu Âu. Tuy vậy, anh lại rất yêu thích với các tác phẩm văn học thời trung cổ. Anh cũng viết truyện ngắn, thỉnh thoảng gửi tôi đọc. Tôi hay mát mẻ với anh rằng: “Bên Đức chúng tôi khổ lắm, cần lao từ sáng tới tối, ngẩng lên không thấy ánh mặt trời. Chẳng được thong thả như mấy ông ở nhà đâu”. Anh cứ bảo là tôi nói phét. Bẵng đi một thời gian, chúng tôi chẳng gặp nhau nữa... Một bữa, tôi nhận được tin anh cho biết là, đang làm vũ sư, dạy nhảy cho một câu lạc bộ “Ánh sao đêm” nào đó ở trong Sài Gòn. Anh hỏi:

- Tình hình bên Đức ra sao? Nhảy nhót thế nào?

Tôi mừng vui hớn hở:

- Lên rồi! Bây giờ đời sống của các “thợ khách” chúng tớ lên rồi, chẳng còn lam lũ như ngày xưa nữa, ai cũng trơn lông đỏ da, hân hoan lắm! Còn phong trào nhảy nhót hát hò, lên cao ngất ngưởng. Chẳng tuần nào vắng bóng sự kiện. Vợ chồng tớ tham gia tuốt, nhưng cũng chỉ mang tính chất A-ma-tơ thôi, ai chỉ chỗ nào thì mình nhảy vậy, miễn là tiêu được ít đường trong máu. Vui là chính mà!

Anh phê bình:

- Tơ là tơ thế nào? Nhảy phải có bài bản, đi phải đúng nhạc chứ!

- Không! Cái đó dành cho lớp trẻ, vợ chồng tớ già rồi nhảy ví dụ thôi, chẳng bài bản gì đâu! Đại để, cứ nhạc bốc thì nhảy Đít-sì-cô-phộc, nhạc khẽ thì túm nhau lung lay đu đưa. Vui ấy mà!

- Chán cho vợ chồng ông bên ấy quá. Bao giờ về, vào đây, tôi luyện cho vài đường cơ bản. Phải có cơ bản, làm gì cũng phải có cơ bản mới được!

Thế rồi anh viết:

- Vào ngay bài viết của tôi ngày hôm qua, đọc xong ông sẽ hiểu thế nào là cơ bản.

Mình vào liền. Thì ra đây là bài đối thoại giữa anh và các học viên trong câu lạc bộ. Bỏ qua những “còm” bên trên, tôi đọc luôn vào câu anh trả lời mọi người. Anh viết như vầy:

“Nội dung này tôi đã nhiều lần nói với mọi người rồi, nhưng vẫn còn một số ông không nhớ, tôi xin nhắc lại: Trước khi mời bạn nhảy, ta phải quan sát đối tác. Nếu thấy bà nào, cô nào ngồi bắt chéo chân, có nghĩa là người ta chưa sẵn sàng. Nếu có ai đó ngồi dạng chân ra hai bên, nghĩa là bà đó, cô đó đang có nhu cầu nhẩy. Ta đến mời... Đứng trước mặt họ, các ông phải đặt tay phải lên trái tim “chia ba phần tươi đỏ” của mình, hơi cúi thấp người xuống. Sau đó dùng tay trái, khẽ nâng bàn tay trái của đối tác, để họ đứng dậy. Tay phải các ông đặt nhẹ sau thắt lưng bên phải của các quá bà, dìu họ ra sàn. Luôn nhớ là chúng ta đi bên trái. Sở dĩ chúng ta đi bên trái phụ nữ, vì bên sườn trái của các ông phải đeo kiếm...”

Tôi giật mình: “Chết thật! Đàn ông Việt Nam giờ lại đeo kiếm là ra làm sao? Thật quá đáng!”. Đang hoang mang lẩm bẩm một mình, thì vợ ngồi bên cạnh ngó sang:

- Có khi thật đấy anh ạ. Hôm trước đọc báo mạng, em thấy tin công an thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội bắt được các băng nhóm trộm, cướp. Họ chụp ảnh trưng bày hung khí của bọn này toàn thấy dao, kiếm, búa như thời trung cổ... rợn hết người!

- Hay là thế thật? Nhà mình noi gương nước Mỹ, ra luật mới cho phép dân tự vũ trang để bảo vệ mình và gia đình. Chứ cái kiểu để dân tay không như trước, chống sao được dao kiếm của bọn cướp đêm cướp ngày?...

Chuyện này làm tôi nhớ tới đứa cháu, con anh bạn ở Berlin. Cháu học ka-ra-te từ thời cấp 1. Thi đấu rất giỏi. Khi vào đại học, cháu chuyển sang học Ninja. Học Ninja rồi cháu mới biết rằng, ka-ra-te “không là cái đinh gì”. Vậy, nhưng thầy dạy võ người Nhật vẫn luôn nhắc nhở các môn sinh rằng: “Thấy nó rút dao là phải chạy. Đừng ngu gì chống cự. Chỉ khi nào hết đường rút, mới liều mình chiến đấu”. Cũng hay, đổi đời rồi! Bây giờ dân nhà mình được đeo kiếm rồi, cóc sợ “bố con thằng nào”! Phiền cái, lúc các ông nhảy, hơi bị vướng. Mà đời nó lại thế này: Đeo kiếm thì phải biết đấu kiếm! Đeo mà không biết đấu thì coi như phí “rượu.”. Thế thì bên cạnh các vũ trường, ta mở lò... “Kiếm sỹ”. Haha!
 

Phen này ông quyết đi buôn kiếm
Thiên hạ bao nhiêu đứa rớt đầu.


Tôi viết lại cho anh bạn rằng: "OK, tôi sẽ đi học đấu kiếm, đấu roi, vân...vân. Sau đó sẽ kí hợp đồng với ông, ta buôn kiếm về Việt Nam kiếm lời. Bên Đức, chúng tôi còn lạc hậu lắm, khi nhảy, đàn ông chẳng được đeo đẳng cái gì sất. Chỗ khác thì tôi không biết, nhưng chỗ tôi rất thiếu chân nữ. Mỗi khi cho ai được vinh dự nhảy, các bà đừng tít đằng xa, chỉ vào mặt ông nào đó mà gào lên: “Ông kia... có nhảy không thì bẩu?”...

Tự nhiên có cái “còm” của ai đó chen vào:

- Trời! Sàn nhảy nào mà bất lịch sự vậy?

Tôi nói dối:

- Dạ, sàn của em ở Hồ Hoàn Kiếm ạ.

Bạn tôi lại viết chen vào:

- Đếch phải, thằng này ở sàn Berlin.

Hehe!...


Nguyễn Công Tiến (Halle/Saale)   

Chỉ được đăng lại bài viết trên khi có sự đồng ý của tác giả hoặc báo NguoiViet.de

Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 6 đánh giá

Xếp hạng: 3.3 - 6 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage của NguoiViet.de
Cảm nhận mới nhất
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây