Nguyễn Công Tiến (Halle/Saale): ĐIỀM GỞ
- Thứ tư - 31/05/2017 07:05
- In ra
- Đóng cửa sổ này
ĐIỀM GỞ
Lâm lấy được ở đâu đó về nhà một cái gương nhỏ. Đã từ lâu anh cần một cái gương như thế để tỉa ria mép hai lần trong tuần. Gương tráng rất chuẩn. Viền khung sắt được gia công bằng tay, “phom” uốn lượn cầu kì theo lối cổ. Đặc biệt, chính giữa có hình một đôi mắt xếch nạm đá đỏ, trông rất kì bí. Chỉ dở cái là, ở góc phía dưới gương bị vỡ một miếng nhỏ và có những vết rạn chân chim. Tuy nhiên, không ảnh hưởng gì đến “hoà bình thế giới”, chiếc gương còn mới tinh, thế là được.
Sáng ngủ dậy, Lan giật mình khi nhìn thấy chiếc gương sứt đứng ngạo nghễ trên bậu cửa sổ.
- Anh rước cái của nợ kia ở đâu về đấy? - Lan hỏi không để cho Lâm kịp trả lời - Vứt ngay đi, vứt ngay ra khỏi cái nhà này!
Đang còn trong cơn ngái ngủ, Lâm uể oải :
- Làm gì mà em cứ sồn sồn lên vậy? Cái gương chứ có phải ma quỷ gì đâu mà chưa sáng đã ầm ĩ.
- Chứ không phải ma quỷ à? Đời thuở nhà ai, đang yên đang lành lại đi rước cái gương vỡ về nhà! Gương vỡ là người ta kiêng đấy, biết không?
Đi ngang qua mặt Lâm, tới đoạn “biết không”, cô miết ngón tay trỏ vào trán của chồng.
- Biết! - Lâm thủng thẳng - Biết đấy, nhưng chỉ biết ở những người mê tín dị đoan thôi nhé! Còn tôi ấy à: ba đời duy vật, bốn đời biện chứng, đây chẳng sợ cái cóc khô gì! Cứ sợ vớ sợ vẩn.
Nghe thấy tiếng bố mẹ, con bé Liên từ phòng bên ào sang. Nó vồ ngay lấy chiếc gương.
- Ôi! Gương đẹp quá! Bố mới mua hả?
- Bỏ xuống! Gương lược cái gì!
Tiếng quát của Lan làm cho con bé giật bắn mình, nó phụng phịu một chút rồi đi ra ngoài. Lâm nhìn vợ trách móc:
- Em làm gì mà ghê thế? Để cho con nó xem một tý thì sao?
- Sao với giăng cái gì? Con gái mà cứ quen cái thói soi gương ấy à, cứ gọi là ế chồng.
- Vậy gương người ta làm ra để làm gì? Bán cho ai?
- Bán cho ai không biết, chỉ biết các cụ đã dạy thế nào thì cứ đúng như thế mà làm! Ngay đến thuyết phong thuỷ hiện đại kia, người ta cũng dạy rằng, chớ nên đặt gương trong phòng ngủ cơ mà! “Có kiêng có lành”, đừng có ngang!
- Nói phải có căn cứ khoa học, phải trên cơ sở duy vật, chứ… nói kiểu trên mây trên gió như em mới là ngang. Mang cái gương sứt về nhà thì can cớ gì mà nó làm tan vỡ gia đình? Con gái hay soi gương, can cớ gì mà khó lấy chồng?
Nói vậy, nhưng Lâm cũng vẫn phải chiều ý vợ, lẳng lặng mang cái gương đi...
* * *
Con bé Liên trông thật xinh, tóc tết hai bím, chiếc váy màu hồng ngắn đến đầu gối để lộ màu trắng của chiếc quần tất, chân đi đôi giày cũng màu hồng, trông rất chi là sành điệu. Tuy vậy, chiếc ba lô đựng sách quả là quá to so với sức lực của con bé mới học lớp hai. Đi học mà cứ như bộ đội hành quân xa mang vác nặng - cả người chúi về phía trước để giữ thăng bằng. Nó chẳng hiểu điều gì sẽ đến, ríu rít khoe với mẹ điểm học bạ cuối năm cô vừa phê.
- Trời! - Lan chỉ thốt ra được vậy rồi ôm đầu - Toán 3, tiếng Đức 3. Anh Lâm, anh xem này, anh xem con gái anh học hành như thế này đây này! Nói rồi cô dằn quyển học bạ xuống trước mặt chồng.
Lâm tỏ ra bình thản vì cách đây đã lâu, anh được cô Zwanzig lưu ý rằng, con anh hiểu tiếng Đức rất kém, con bé ít được giao tiếp với người Đức trước khi đi học, như vậy nó không thể học tốt các môn khác được. Đó chính là hậu quả của việc từ mấy năm trước, anh lười cho nó đi nhà trẻ. Sau nhiều lần tranh cãi, vợ chồng Lâm quyết định xin cho con mình học lại lớp hai để vững kiến thức cơ bản. Giận Lâm, Lan ôm chăn gối ra ngủ phòng khách suốt một tuần. Sau này, mỗi khi nhìn thấy quyển học bạ của con, Lan lại đem chuyện ra để “tố” chồng.
Mùa hè đến, nhu cầu tiêu thụ nước và bia sẽ cao, do vậy vợ chồng Lâm quyết định vào chiều thứ bảy đóng cửa sớm để đi mua hàng ở siêu thị thực phẩm Mios. Xếp xong hàng lên xe thì trời bắt đầu đổ mưa. Đường đi nhạt nhoà trong gió và nước. Lâm phải để cần gạt nước ở mức cao nhất. Con đường chạy qua khu nhà Casino rất dốc, trước khi vào khúc cua, người ta đã đặt một cột đèn hiệu. Ở khá xa, Lâm đã nhìn thấy đèn xanh, anh nhấn mạnh ga cho xe lao lên. Gần tới cột đèn, Lan hoảng sợ:
- Từ từ thôi anh Lâm!
Không kịp, đèn vàng đã bật. Lâm có một thoáng lưỡng lự giữa chân ga và phanh. Xe lao qua rồi, nhưng Lâm vẫn kịp nhìn thấy đèn đỏ. Vừa thoát khỏi cột đèn thì khúc cua đã trước mặt. Lâm buộc phải đạp phanh. Chiếc VW mười hai chỗ ngồi vẫn lao nghiêng như không thể có gì đỡ được. Lâm mất lái, chiếc xe cán gẫy một loạt cọc tiêu rồi bị văng rất mạnh vào chân cầu vượt. Anh chỉ kịp kêu: “Lan!”, rồi nghe một tiếng “rầm”. Hai túi khí bảo vệ bung ra đập rát mặt.
Tuy nhiên, trong cái rủi cũng có cái may, vợ chồng Lâm chỉ bị thương nhẹ, nhưng chiếc xe phải bỏ đi vì vỡ máy.
- Già đời lái xe rồi mà lúc đến gần đèn xanh đỏ, cứ thích phóng nhanh.
Thỉnh thoảng Lan lại đay nghiến Lâm, mỗi khi nghĩ đến vụ tai nạn. Họ phải mất một khoản tiền khá lớn để mua xe khác và đền cho thành phố hai trăm Euro vì cán gẫy sáu cái cọc tiêu. Vậy là khoản tiền dành dụm được từ khi mở cửa hàng ăn nhanh, nay hết sạch. Biết lỗi, Lâm chỉ im lặng không dám cãi nửa lời. Chuyện ấy cũng đã làm họ không nhìn nhau mất mấy tuần liền.
Thời gian trôi qua, nỗi buồn rồi cũng nguôi ngoai dần. Vợ chồng Lâm lại tất bật từ sáng đến chiều tối trong cái “hoả lò” 10 mét vuông, mong sớm “giật” lại được khoản tiền đã mất. Nói là cửa hàng cho oai, thực ra đây chỉ là một cái Container cũ được Lâm cải tạo lại thành quầy bán hàng. Phía trên hiên ngang một tấm biển hiệu “Asia Imbiss” rất ấn tượng. Sáu giờ sáng, từ trên tầng năm của khu nhà, Lâm đã phải chuyển xuống xe hai mươi lít nước cùng túi tắm, xô chậu lỉnh kỉnh. Lan đánh thức bé Liên dậy chuẩn bị ăn sáng để đi học. Sau đó cô đi tàu điện ra giúp Lâm mở cửa hàng. Chiều tối, cả nhà mới được bữa cơm tử tế để sau đó, khi con đã đi ngủ, hai vợ chồng lại lịch kịch thái thịt, thái rau… chuẩn bị cho buổi bán hàng ngày mai. Lâu lắm họ mới có một ngày chủ nhật ngồi cùng bạn bè. Thì cũng là chỉ hẹn nhau tới nhà ai đó chơi, chứ bao năm nay cũng như mọi người, họ có bao giờ bước chân vào rạp chiếu phim, quán Bar hay quán cà phê nào đâu. Chuyện mỗi năm một lần cho cả gia đình đi nghỉ phép tắm biển, hay du lịch đó đây… thực sự là một điều xa xỉ với gia đình Lâm và các bạn anh. Tất cả mọi người đều gắng sức bám chặt lấy cửa hàng từng giờ và từng ngày, để bòn từng đồng Phêních cho một tương lai còn đang mịt mù trước mặt.
Một lần đến khu chợ giao hàng “Đồng Xuân”, Lan mua một bàn thờ Thần tài và Thần lộc. Vừa gói gém rất cẩn thận hai vị thần trong tờ báo “Bild” có in hình cô sinh viên Susana 21 tuổi nào đó trình diễn khoả thân, ông bán hàng có cái đầu hói, bóng như trái bưởi Năm Roi vừa dặn Lan:
- “Có thờ có thiêng” cô ạ! Này, nhớ nhé: Sáng ra muốn làm gì thì làm, trước khi thắp hương, phải có hai ly cà phê cho các cụ.
- Dạ! Thế còn cụ nào hút thuốc?
- Đây! Người ta đã làm sẵn cái lỗ để cắm thuốc, cứ thế mà cho cụ “lưa tý xỉn”.
Lan tưng bừng rước hai cụ về đặt ngay ngắn ngay gần lối ra vào bên trong quầy hàng. Năm 1990, khi chuyển về sống trong thành phố này, Lâm chơi thân với một gia đình người Trung Quốc tên Vương, họ sống dưới tầng trệt của khu nhà. Bà Vương là thực tập sinh ngành dược. Chồng bà là kĩ sư điện, mới bị thất nghiệp. Họ dùng ngay bếp trong nhà để làm món cơm rang, mì xào. Lúc đầu cũng là chỉ để bán cho những người hàng xóm. Được chừng một tháng, khách xa tới mua, xếp hàng ra cả ngoài hè phố. Sợ bị phạt, ông Vương bàn với Lâm cùng hùn vốn, xin thành phố một chỗ đứng bên ngoài để mở một quầy ăn nhanh… Cái “nghiệp” cơm rang - mì xào, gắn với anh từ đấy.
Sáng hôm ấy phải vào “Kaufland” mua hành và trứng để xào mỳ, về đến cửa hàng, vừa mở cửa, Lâm giật mình phát hoảng, khi thấy Lan đang xoã tóc, chắp tay trong khói hương nghi ngút, miệng lầm rầm câu được câu mất:
- Chúng con là… cúi xin… doanh thu cao…
Sau ba lần “Nam mô a di đà phật”, Lan quay sang lườm chồng:
- Làm gì mà đứng há mồm ra thế. Đi vào! Khéo không đá vào các cụ!
Lâm không nhịn được cười khi thấy “cụ” người Ấn phe phẩy cái quạt bên điếu Montecarlo nghi ngút khói, áo phanh hở bụng với hai núm vú hồng hồng, miệng tươi ra hết cỡ. Bên cạnh là một “cụ” khác, vận theo lối cổ trang Trung Hoa, tay bê nén vàng nén bạc. Lâm thủng thẳng:
- Thờ Phật thì không thờ thánh thần, đã thờ thánh thần rồi lại còn Adiđà là làm sao? Đoạn anh quay sang giao hẹn với Lan:
- Xin lộc hôm nay là được rồi, chiều tối em phải rước các cụ về nhà. Khói hương ở đây chắc sở vệ sinh không đồng ý. Hơn nữa, khách hàng họ nhìn thấy cũng kỳ lắm.
- Xin doanh thu cao thì phải thắp hương ở cửa hàng, chứ mang về nhà thì có ý nghĩa gì? Anh mà cứ cái kiểu báng bổ… các cụ quở là chết đấy.
Bực mình, Lâm gắt:
- Thờ ở nhà cũng như thờ ở đây, làm sao mà phải quở? Chết tôi chịu!
Vừa quay lưng bước ra, Lâm vô ý đá phải thùng đựng dầu, một ít dầu sánh ra chảy thấm xuống nền. Đến bữa trưa, khách đến xếp hàng khá đông, trong lúc vội vàng bê thùng dầu lên rót vào bát, Lâm sơ ý cầm vào chỗ dầu chảy lúc sáng, anh bị tuột tay làm rơi cả thùng dầu 10 lít xuống đầu hai ông Thần tài - Thần lộc. Bàn thờ bị vỡ tan tành… Lan đứng như chết rồi, cô kinh hãi nhìn cảnh tượng diễn ra như đang nhìn cái ngày tận thế của loài người.
Đúng hai tuần sau, vào sáng thứ sáu, bất ngờ họ nhận được thông báo cắt chỗ đứng bán hàng của chủ đất. Số là khi kí hợp đồng, hai bên đã thoả thuận rằng thời gian là không giới hạn, vì mảnh đất đó đang nằm trong giai đoạn chờ xây dựng. Bây giờ người ta bắt đầu khởi công xây một siêu thị ở đây. Tuy vậy, họ cũng ưu ái dành cho vợ chồng Lâm 50 mét vuông trên tầng hai. Nhưng giá thuê mặt bằng quá cao - những năm nghìn Mác một tháng, vì chưa có kinh nghiệm, vốn lại mỏng sợ không kham được, đắn đo mãi họ đành bỏ.
Lâm bò ra bàn cả một buổi sáng mới viết được lá đơn lên thành phố xin chỗ đứng bán hàng. Ba tuần sau, anh nhận được giấy cho phép đặt Asia Imbiss tại một cái chợ nhỏ ở vùng Ammendorf. Ammendorf là khu ngoại ô, nằm cách trung tâm thành phố những tám ki-lô-mét. Dân ở đây thưa thớt, chẳng hứa hẹn điều gì sáng sủa. Đúng như dự đoán, doanh thu quá tệ hại, họ bán cả ngày chỉ được bốn gói mỳ. Ngược lại chi phí xăng xe, điện nước… ngày một tăng cao. Mấy tháng liền, hai vợ chồng không để ra được một đồng nào. Lâm quyết định đặt thêm cây Doener - một loại bánh mì kẹp thịt cừu nướng, chính hiệu của người Thổ Nhĩ kỳ. Chảo vuông xào mỳ, anh rán thêm xúc xích. So với trong chợ, cửa hàng của vợ chồng Lâm hơi bị “hoành tráng”, giá cả lại phải chăng. Anh gửi gắm nhiều hy vọng… Nhưng tình hình không sáng sủa thêm chút nào. Càng ế hàng, đồ ăn càng kém chất lượng, thực phẩm càng phải bỏ đi nhiều. Đã vậy, trong chợ bắt đầu có hiện tượng đua nhau xuống giá. Doanh thu ngày một giảm dần.
Lan buồn ra mặt, suốt ngày cô không nói một câu, có hôm bỏ cả bữa trưa. Hết đứng lại ngồi, thở dài nghe đến thê lương. Đã nhiều lần hai vợ chồng cãi nhau từ những chuyện chẳng đâu vào đâu. Nhưng dù là bất cứ chuyện gì, bao giờ Lan cũng quy bằng được vào cái tội của Lâm: Đã báng bổ thánh thần và làm vỡ bàn thờ tài lộc. Đêm về, cô cũng chẳng buồn thủ thỉ với chồng như trước nữa. Lên giường là Lan nằm quay mặt vào tường, không biết thức hay ngủ. Lâm nằm cách vợ một đoạn, mắt cứ mở trừng trừng nhìn lên trên trần nhà.
Một hôm, không hiểu trời xui đất khiến thế nào mà Lâm gặp Trung “say” trong quán kem Ý “Rialto”. Trung“say“ đã ngoài 40 rồi mà vẫn chưa có lấy một mảnh tình rách vắt vai. Hắn chung thân phụ bếp cho một nhà hàng Tàu trên đường Steinweg . Quanh năm suốt tháng, làm được đồng nào đều nướng cả vào bia rượu và đặc biệt nổi tiếng “thiền” bên bàn Casino. Có lần cầm cả nghìn bạc tiền lương tháng, ngồi vào máy “tít tít” chỉ mười lăm phút là đi veo. Ra đi ngày ấy là một chàng trai trẻ, với mái tóc dài bồng bềnh đẹp vẻ phong trần. Giờ hắn đã như một ông già sáu mươi móm mém. Cũng đã 20 năm nay, vì túi của chiếc quần cuối cùng lúc nào cũng rỗng, nên gã chưa thể về phép thăm mẹ già lấy một lần. Nhiều khi ngồi uống với bạn bè, nhắc tới chuyện này, lúc đã ngấm men, mắt gã cũng trở nên xa xăm ngân ngấn.
Trung gọi hai vại Warsteiner năm mươi. Chỉ đúng một hơi là cốc bia nổi trắng bọt đã bị hút cạn tới tận đáy. “Khà” một tiếng cho đã, hắn chỉ vào mặt Lâm:
- Cái bản mặt ông, hôm nay mà lại đến chốn này uống cùng thằng Trung “say”, chắc là ở nhà có chuyện?
Thấy Lâm lầm lì không nói, gã “điểm huyệt” luôn:
- Lại chuyện con vợ chứ gì? Tôi nói cấm có sai. Quên tụi nó đi ông ơi! Vợ cũng có ba bảy đường vợ… Trừ ba năm đầu hít hà mặn nồng, sau đó thằng đàn ông nào cũng sẽ có được một câu rút gọn về vợ mình, đại loại như: mất dạy, láo, đần v.v... Tôi hỏi ông đừng giận, vậy bây giờ vợ ông đang ở cái đoạn nào?
Lâm hơi bực mình: cái thằng say suốt ngày, hôm nay tự nhiên lại đưa ra một câu hỏi, mà thằng tỉnh cũng chưa biết trả lời ra sao. Quả thực, anh cũng chưa bao giờ ngồi để suy ngẫm xem Lan thuộc vào “tuýp” vợ nào. Ở Lan có một chút gì đó đáo để, một chút thật thà, thông minh và rất chăm chỉ… Nhưng quá nặng đầu óc mê tín. Lâm ghét nhất cái khoản này. Mỗi khi có việc đi đâu, Lan bốc ra nắm đũa nhắm mắt lại, tay xỉa đũa, miệng lẩm bẩm: Đại an, lưu niên, tiểu cát, tốc hỉ, xích khẩu, không vong... Có lần Lâm đã định mở cửa, cô ta lừ mắt: “Đứng đấy! Chưa đi được, chờ quẻ sau!”. Lâm phải bấm bụng chiều vợ.
- Thôi! Buồn mà làm gì, vô tư đi cho đời nó tươi lâu.
Đang mải nghĩ, Lâm giật mình vì cái vỗ vai, giọng gã lè nhè:
- Phàm là con người, chẳng ai là không mang trong mình những tai ương, khổ đau phiền muộn. Nhưng có mấy ai biết cách thoát ra ngoài đâu! Sao các ông không biết đi ăn mày cửa Phật? Ở đấy người ta sẽ dạy cho các ông bớt đi những tham, sân, si tính toan vọng tưởng… Suốt ngày, các ông chỉ thích đếm tiền, tiền là trên hết. Vâng! Tiền thì các ông hơn tôi đấy, nhưng điều này chắc gì các ông đã hơn: Ông đã nghe nói tới “Thiền” bao giờ chưa?
Lâm ngạc nhiên, thằng cha ngà ngà này tự nhiên hôm nay lại giở giọng “Phật học” ra với mình. Nhưng kể ra thì cũng đúng! Con người ta xưa nay tự cho mình nhiều tham vọng quá. Đến khi không đạt được gì, đâm ra chán nản, phá phách thậm chí huỷ hoại cả tấm thân “Ta-Bà”. Quay lại Trung “say”, biết hắn nghiện Casino, Lâm hỏi xoáy một câu:
- Vậy ông đã tập Thiền chưa? Thiền ở đâu? Hay là ở cái sòng ở cuối phố Francke?
Trung ngửa mắt lên trời cười như Tào Tháo:
- Giỏi! Tôi chịu ông là giỏi! Tôi bao giờ cũng có một chỗ Thiền tốt nhất trong thành phố này. Cổ nhân xưa đã có câu: “Đen tình thì đỏ bạc”. Điều này, hôm nay ứng với ông. Nếu bị vợ đuổi thì tối nay đến chỗ tôi “tọa thiền”, tôi sẽ giúp ông giải đen…
Ngửa cổ dốc nốt chỗ bia còn trong cốc, gã say nhẹ nhàng đặt tay lên vai Lâm rồi rành rọt:
- Trong nghề, chúng tớ vẫn thường linh một câu: cờ bạc đãi tay mới. Ông hiểu không? Đi với tớ đêm nay, kiểu gì cũng thắng. Hả? Sợ à? Nếu sợ, tôi sẽ tặng ông hẳn một trăm. Được ăn cả, ngã về… bú tí vợ. Nhớ nhé! Ăn vận cho nó ra dáng “cây quỳnh cành giao” vào, chớ quên hộ chiếu! Tối nay đúng 24 giờ, chờ trước quán!
Lệnh ban ra quyết đoán như một viên tư lệnh chiến trường, Trung “say” quay gót đi thẳng.
Quả nhiên Lâm thắng bạc ba đêm liền. Dễ quá! kiếm tiền kiểu này dễ quá! Chẳng mất sức lực gì, nhoằng một cái có tiền nghìn như bỡn. Người cầm cái thấy Lâm lần đầu tiên xuất hiện tại khu lọc lõi này, hai lần anh ta gõ ngón trỏ vào ô cho Lâm đặt cược. Như thần - trúng phóc liền sau đó.
Mấy đêm thức trắng bên bàn Casino, sáng ra Lâm gần như phó mặc công việc cho vợ vật lộn với cái cửa hàng còi, anh ngủ cho đến khi đồng hồ đổ chuông báo mười tám giờ. Lâm bỏ ngoài tai mọi cằn nhằn của vợ về công việc. Anh nôn nóng chờ Trung“say”, để rồi tới nửa đêm lại lao vào sòng bạc như một con thiêu thân.
Lúc được, lúc mất nhưng đếm đi đếm lại, anh vẫn có trong tay bằng cả vài tháng lao động cật lực ngoài chợ của cả hai vợ chồng. Từ đấy trở đi, cứ tối thứ bảy và ngày chủ nhật là Lâm dán người vào bàn Casino nằm trên phố Francke. Lan nói sao, anh cũng không chịu.
Mãi cho đến gần cuối năm, sự thật xót xa mới được hé mở. Do bắt đầu từ lá đơn kiện của hãng cung cấp thực phẩm Petro. Họ kiện Lâm vì đã từ sáu tháng nay anh vẫn còn lưu lại tới cả tá hoá đơn chưa thanh toán. Hơn nữa Lâm còn cố ý tránh mặt họ. Hãng Petro đã nhiều lần gửi giấy nhắc nhở, nhưng vẫn không nhận được thư trả lời. Hỏi luật sư thì Lan mới biết rằng, trong mấy tháng trời, Lâm chỉ trả tiền thuê chỗ đứng. Có bao nhiêu trong tay, Lâm đi nướng vào sòng bạc hết. Chợt nhớ ra, Lan hốt hoảng phóng xe về nhà tìm xếp tiền giấu trong tủ, thì ôi thôi! Nó đã không cánh mà bay.
Tờ giấy khổ A4 được Lan ghi nguyệch ngoạc mấy chữ: “Vì lý do kỹ thuật, cửa hàng tạm thời đóng cửa từ ngày… Cảm ơn về sự thông cảm của quý khách”.
Lan lên tàu điện trở về nhà, cô đi hết đường này tới đường khác mà không biết mình đi đâu. Bên ngoài, mây sà xuống nặng màu chì xám đục. Gió bấn lên từng hồi, cuốn những chiếc là phong khô chấp chới bay tán loạn trên mặt đường. Con tàu hết rẽ trái, lại rẽ phải trườn mình qua những khu phố nghèo nằm ngoài rìa trung tâm. Ở đâu Lan cũng thấy những dãy nhà cổ nhiều tầng bỏ hoang, những ô cửa sổ không rèm đen ngòm. Chúng như những mắt ma vô hồn, thẫn thờ nhìn người và xe đan qua, đan lại… Mưa nhạt nhoà. Những giọt nước mưa phũ phàng quất chéo bên ngoài cửa. Lan để má mình áp nhẹ lên mặt kính lạnh giá, rồi kín đáo lau đi những giọt nước mắt đang ầng ậc dâng trào.
Sáng hôm ấy, Lan đưa bé Liên sang gửi người chị họ sống ở phố Hansering. Sau đó là một trận cãi vã tưng bừng. Người ta nghe tiếng quát tháo của Lâm, tiếng nức nở của Lan và trong nhà như có một cái gì đó đổ vỡ… Chỉ đến khi có hai nhân viên cảnh sát tới gõ cửa, thì họ mới để cho không gian trở lại thanh bình. Bên hàng xóm người Đức, có ai đó đã gọi điện báo cho nhà chức trách.
Mặt Lâm đỏ như gà chọi, anh dập cửa cái “rầm” rồi hùng hổ bước ra, trên tay là chai Wihsky uống dở. Anh cứ thế lùi lũi đi ra quán Tàu - nơi đó Trung“say” đang đợi. Lan ngồi lặng đi, cô bàng hoàng, thảng thốt tưởng như mình đang trong một giấc chiêm bao. Chuyện xảy ra bên ngoài xã hội - Lan vẫn đọc báo, nghe chuyện hàng ngày - nghĩ là ở đâu xa vời vợi, vậy mà không ngờ bây giờ đang vận vào gia đình mình.
Sau những ngày vần vũ “biển động”, tối hôm đó để bé Liên đi ngủ sớm, Lan ngồi vào bàn đối thoại với chồng một cách bình thản. Họ đi tới một quyết định cuối cùng: ly thân.
* * *
Trong khi Lâm đóng gói va ly ở phòng ngoài, thì Lan dọn dẹp lại phòng ngủ. Cô vứt xuống đất tất cả những gì mà Lâm để lại, rồi đứng phân vân trước chiếc tủ gương. Tấm gương sáng trong, phản chiếu bức ảnh có lồng hai chữ “L” trên tường. Ảnh chụp trước cửa nhà thờ Đức bà ở Paris, ngày họ mới yêu nhau và thực hiện một chuyến du lịch sang Pháp. Vậy mà đã tám năm có lẻ… “Tại sao? Tại sao?”. Lan luẩn quẩn trong những câu hỏi không thể trả lời. Cả hai vợ chồng đều yêu thương nhau, đều chăm chỉ làm ăn, Lâm cũng là người hiền lành. Can cớ gì mà dẫn đến nông nỗi này? Đúng cái ngày chụp bức ảnh trên, họ vô tình gặp một “thầy” phong thuỷ. Thấy họ trẻ đẹp hạnh phúc quá, ông ta chỉ nhắn lại đôi uyên ương một câu rằng: “Trong buồng ngủ, chớ nên đặt gương soi”. Có lẽ là như vậy chăng? Có lẽ do mình không biết kiêng cữ giữ gìn chăng? Nhưng đặt gương soi, nghĩa là có người thứ ba xen vào… nghĩa là tan vỡ về đường tình ái! Nhưng, sao ở đây lại không phải như vậy?... Cô vò tóc rối bù. Không hiểu nổi! Không thể lí giải…
Khi thay đến tấm ga trải giường, Lan bỗng giật mình, ngay bên dưới đệm, tay cô chạm phải một vật gì lạnh ngắt. Lan bàng hoàng! Đó là một chiếc gương nhỏ, nó bị sứt một miếng ở góc dưới. Chiếc gương nằm đó như một nhân chứng không thể chối cãi - nó là hiện thân của một câu trả lời hết sức mỉa mai và cay đắng… Vết rạn chân chim góc dưới đã làm Lan nhớ lại ngày Lâm mang nó về. Một luồng suy nghĩ lướt nhanh trong đầu cô: “Đúng là nó rồi. Không thể khác được, nó chính là nguyên nhân đã làm cho gia đình ta trở nên tan nát”...
- Này… thì “ba đời duy vật”… này! Lan nghiến răng, cao tay đập mạnh chiếc gương xuống nền nhà.
“Choang”!
Tiếng thuỷ tinh vỡ làm Lâm giật mình, thất thần chạy vào. Lan đứng đó, nước mắt đầm đìa trên khuôn mặt xanh nhợt. Lâm chết lặng. Căn phòng trống hoác, gió thốc ào ạt từ cánh cửa sổ mở toang. Phía trên đầu giường, bức ảnh chụp bé Liên tay ôm con gấu bông rung lên bần bật. Anh đưa mắt sang Lan trong giây lát, rồi từ từ quỳ xuống bên đống đổ vỡ. Lâm nhìn rõ hình của mình và Lan bên nhau, nhưng méo mó và bị chia ra hàng trăm mảnh. Chúng được soi trên những mảnh gương vỡ sáng loà và sắc nhọn như dao.
Ít lâu sau, ở chợ Ammendorf, người ta thấy Trung “say” đứng đảo mì một cách miệt mài trong chiếc Container, bên trên hiên ngang một biển hiệu “Asia Imbiss”.