Ông Trump cứng rắn ngay khi nhậm chức

Chủ nhật - 22/01/2017 02:42
Chiến lược thương mại nhằm bảo vệ việc làm cho người Mỹ sẽ bắt đầu bằng hành động rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký các sắc lệnh hành pháp đầu tiên hôm 20-1Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký các sắc lệnh hành pháp đầu tiên hôm 20-1Ảnh: Reuters
 

Sau lễ tuyên thệ nhậm chức hôm 20-1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có ngày làm việc đầu tiên “khá bận rộn nhưng tốt đẹp”.

Ngày bận rộn

Trước hết, ông chủ mới của Nhà Trắng đã có bước đi đầu tiên hướng đến hiện thực hóa cam kết hủy bỏ đạo luật chăm sóc sức khỏe ban hành bởi người tiền nhiệm Barack Obama (còn gọi là Obamacare). Cụ thể, ông đã ký sắc lệnh chỉ đạo các cơ quan “giảm bớt gánh nặng của Obamacare” trong lúc chờ chính quyền, quốc hội mới tìm ra giải pháp thay thế. Hiện chưa rõ nội dung cụ thể của sắc lệnh nhưng Chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus mô tả sắc lệnh nhằm “giảm thiểu gánh nặng kinh tế” liên quan đến Obamacare. Bên cạnh đó, ông Trump cũng ký xác nhận bổ nhiệm ông James Mattis là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và John Kelly là Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa.

Không dừng lại ở đó, chính quyền ông Trump tuyên bố chiến lược thương mại nhằm bảo vệ việc làm cho người Mỹ sẽ bắt đầu bằng hành động rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Một tuyên bố được Nhà Trắng đưa ra ngay sau lễ nhậm chức của ông Trump cũng cảnh báo Mỹ sẽ “xử lý những quốc gia vi phạm các thỏa thuận thương mại, gây thiệt hại cho người lao động Mỹ”. Cũng theo tuyên bố, ông Trump cam kết tái thương thảo về Hiệp định Tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) ký với Canada và Mexico năm 1994. “Nếu các đối tác này từ chối trao cho người lao động Mỹ một thỏa thuận bình đẳng thông qua đàm phán lại, tổng thống sẽ thông báo ý định Mỹ rút khỏi NAFTA” - tuyên bố nêu.

“Kỷ nguyên Trump” cũng sớm bắt đầu trên mạng. Chẳng hạn, báo cáo của Bộ Lao động Mỹ về số người đồng tính nữ, lưỡng tính, đồng tính nam tại công sở ngay lập tức bị gỡ bỏ khỏi trang web của bộ. Chịu chung số phận là báo cáo của chính quyền ông Obama về mối đe dọa của biến đổi khí hậu và những nỗ lực chống lại. Thay cho báo cáo này trên trang web của Nhà Trắng là “Kế hoạch năng lượng Mỹ trên hết” và “Chính sách đối ngoại nước Mỹ trên hết”.

Theo đài BBC, 6 vấn đề đội ngũ của ông Trump đăng tải trên trang web gồm năng lượng, thương mại, chính sách đối ngoại, việc làm, quân đội và thực thi pháp luật. Bên cạnh đó, ông Trump cũng có những thay đổi đầu tiên ở nơi làm việc từ màu rèm cửa tại Phòng Bầu Dục cho đến tượng bán thân.

Tương lai không rõ ràng

Những gì ông Donald Trump làm trong ngày đầu tiên không nói lên nhiều điều. Điều dư luận quan tâm là liệu ông có thể hiện thực hóa được toàn bộ mục tiêu đưa ra khi tranh cử hay không. Theo báo Telegraph, luận điệu chống nhập cư của ông Trump là một trong những nét nổi bật của chiến dịch tranh cử. Dù vậy, kể từ sau cuộc bầu cử, ông đã âm thầm từ bỏ lời kêu gọi trục xuất mọi người nhập cư không có giấy tờ ra khỏi nước Mỹ - một động thái bị xem là không thực tế.

Các chuyên gia cũng cảnh báo nền kinh tế Mỹ sẽ tổn hại trong trường hợp có quá nhiều người bị loại khỏi thị trường lao động. Thay vào đó, trong cuộc phỏng vấn đầu tiên trên truyền hình sau khi thắng cử, ông Trump cam kết một trong những hành động đầu tiên khi nắm quyền là cho trục xuất tức thì 3 triệu người nhập cư bất hợp pháp có tiền án, tiền sự.

Ông Trump cũng bóng gió rằng kế hoạch xây bức tường thành khổng lồ “đẹp đẽ” dọc biên giới với Mexico thực ra không quá hoành tráng như hứa hẹn ban đầu. Theo ông, bức tường này có thể bao gồm một phần tường và một phần hàng rào. Có thông tin cho biết tân Tổng thống Trump sẽ yêu cầu Quốc hội cấp ngân sách xây tường dọc theo biên giới phía Nam sớm nhất là vào tháng 4. Dù vậy, hiện chưa rõ Mexico có chịu hoàn lại số tiền này như mong muốn của ông Trump hay không.

Một kế hoạch gây chú ý khác của ông Trump có cách gọi khá bóng bẩy: “Tát cạn đầm lầy”, tức chỉ nỗ lực chấn chỉnh lại nền chính trị ở Washington. Ông Trump hứa ngay sau khi nhậm chức sẽ ban hành sắc lệnh cấm những người từng làm việc cho chính phủ và quốc hội trở thành nhà vận động hành lang sau khi nghỉ việc 5 năm. Ông cũng tìm cách điều chỉnh hiến pháp để giới hạn nhiệm kỳ của nghị sĩ. Trong nỗ lực tinh gọn bộ máy chính phủ, ông Trump kêu gọi đóng băng tuyển dụng thêm nhân viên liên bang và từng bước giảm bớt nhân sự.

Đáng chú ý không kém, Tổng thống Donald Trump có thể đi ngược lại xu hướng ủng hộ thương mại tự do của Đảng Cộng hòa bằng cách áp đặt một loạt chính sách bảo hộ để đóng cửa các đường biên giới kinh tế của Mỹ. Điều này đã phần nào được thể hiện qua tuyên bố về TPP và NAFTA nói trên. Nước Mỹ dưới thời ông Trump còn có thể trở nên cô lập về mặt đối ngoại bởi nhà lãnh đạo này không ngừng công kích những nước đang là đồng minh. Ông thậm chí ra điều kiện Mỹ sẽ chỉ giúp đỡ những nước NATO nào làm tròn nghĩa vụ thành viên của mình. Quan điểm “nước Mỹ trước tiên” cũng được nâng lên tầm cao mới khi ông Trump dọa rút binh sĩ khỏi châu Âu và châu Á nếu các nước này không trả thêm “phí bảo vệ”.
 

 

Việt Nam chúc mừng

Nhân dịp ông Donald Trump và Mike Pence nhậm chức tổng thống thứ 45 và phó tổng thống thứ 48 của Mỹ, ngày 21-1, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã đồng gửi điện chúc mừng.

Sau khi chúc Tổng thống Donald Trump, Phó Tổng thống Mike Pence và chính phủ mới của Mỹ đạt được nhiều thành công vì hạnh phúc và thịnh vượng của nhân dân Mỹ, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên thế giới, lãnh đạo nhà nước và Chính phủ Việt Nam bày tỏ mong muốn hợp tác chặt chẽ với Mỹ, thúc đẩy hợp tác quan hệ ASEAN - Mỹ, APEC và các cơ chế khu vực khác.

D. Ngọc


 


 


Biểu tình nhiều nơi

Hàng loạt cuộc biểu tình, từ ôn hòa đến bạo lực, đã nổ ra trong và ngoài nước Mỹ trong ngày ông Donald Trump nhậm chức. Tại Mỹ, hàng ngàn người dân ở các thành phố San Francisco, Portland, Seattle, Chicago, Austin, Minneapolis, New York... xuống đường phản đối đến tận đêm. Những người biểu tình hô vang: “Trump không phải tổng thống”.

Riêng ở thủ đô Washington, biểu tình leo thang thành bạo lực khi hàng trăm cảnh sát chống bạo động sử dụng hơi cay và dùi cui để giải tán đám đông gần Nhà Trắng - điều hiếm khi xảy ra trong một buổi lễ nhậm chức tổng thống. Ít nhất 217 người biểu tình bị bắt và 6 cảnh sát bị thương. Sức ép lên ông Trump càng tăng khi hàng ngàn người tham gia cuộc diễu hành của phụ nữ ở Washington trong ngày 21-1. Ban tổ chức cho biết họ muốn gửi thông điệp “Quyền của phụ nữ là nhân quyền” tới ông Trump.

Không chỉ Mỹ, người dân một số nước trên thế giới cũng đồng loạt biểu tình vào ngày 20-1. Nhóm Hòa bình Xanh trưng khẩu hiệu đả kích kế hoạch xây tường dọc biên giới Mexico của ông Trump tại Đài Tưởng niệm bức tường Berlin ở Đức. Người dân Palestine tuần hành phản đối dự định chuyển Đại sứ quán Mỹ tại Israel đến Jerusalem của ông Trump. Ngoài ra, một loạt cuộc biểu tình lớn nhỏ được ghi nhận ở thủ đô London - Anh, thủ đô Rome - Ý, TP Krasnoyarsk - Nga, thủ đô Tokyo - Nhật Bản, TP Edinburgh - Scotland…

Phạm Nghĩa


 


 


Thế giới ít lạc quan

Tại Philippines, người theo đường lối chủ nghĩa dân tộc tập trung tuần hành bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở Manila, đốt cờ Mỹ có hình gương mặt ông Donald Trump ngay trong ngày ông nhậm chức 20-1. Trong khi đó, giới truyền thông Trung Quốc cảnh báo cần sẵn sàng đối mặt với thêm bất đồng tiềm tàng giữa 2 nền kinh tế khi ông Trump cáo buộc các nước “phá hủy” việc làm Mỹ. Còn tại Đức, Phó Thủ tướng Sigmar Gabriel nhắc nhở về “sự cực đoan hóa mạnh mẽ” trong chính trường Mỹ cũng như khẳng định Berlin sẵn sàng lấp vào chỗ trống trong trường hợp Washington trở nên cô lập hơn dưới thời ông Trump, quyết tâm xé bỏ các thỏa thuận thương mại và bỏ mặc các đồng minh lâu năm. “Châu Âu và Đức cần có chiến lược hướng đến châu Á và Trung Quốc - và chúng ta có không ít cơ hội mới” - ông Gabriel gợi ý.

Đó là một số phản ứng điển hình sau khi ông Trump cam kết trong bài diễn văn nhậm chức rằng “từ hôm nay trở đi, sẽ chỉ là nước Mỹ trên hết”. Dĩ nhiên, vẫn có nhà lãnh đạo chấp nhận thực tế khi cam kết làm việc với ông chủ mới của Nhà Trắng. Chẳng hạn, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe bày tỏ hy vọng sẽ gặp ông Trump càng sớm càng tốt ngay cả khi nhà lãnh đạo Mỹ từng công kích các chính sách thương mại của Tokyo lúc tranh cử cũng như chất vấn về sự ủng hộ quân sự mà Washington dành cho đồng minh châu Á này. Trong khi đó, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đăng đàn mạng xã hội Twitter để chúc ông Trump thành công, trong lúc dự báo “một tương lai tốt đẹp” phía trước.

Tuy nhiên, sự lạc quan về 4 năm sắp tới của ông Trump tại Nhà Trắng là không nhiều. Không như ông Abe, một số người dân ở thủ đô Tokyo lo ngại chính sách “nước Mỹ trước tiên” sẽ dẫn đến một kỷ nguyên dân túy và bảo hộ, gây bất lợi cho phần còn lại của thế giới. Trong khi đó, theo tờ The Washington Post, bầu không khí không chắc chắn, lo lắng và buồn bã phủ bóng thủ đô Brussels - Bỉ. Đây là nơi đặt các trụ sở của các cơ quan Liên minh châu Âu (EU) - mục tiêu công kích ưa thích của ông Trump trước khi nhậm chức. “Ông ta dường như quyết tâm làm suy yếu EU và mọi thứ nó đại diện” - ông Antonio Fernandez, một công dân Tây Ban Nha thuộc số hơn 1.000 người tham gia biểu tình phản đối ông Trump tại trung tâm Brussels hôm 20-1, chỉ trích.

Hoàng Phương


 


HUỆ BÌNH  

Nguồn tin: NLĐO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage của NguoiViet.de
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây