Cuộc chiến đấu trên khắp dải biên giới phía Bắc của quân và dân ta nhằm chống lại lối hành xử kiểu nước lớn bằng vũ lực với "chiến thuật biển người" - một thứ tư tưởng bành trướng Đại Hán mà chúng ta quen gọi là "Chủ nghĩa bá quyền nước lớn" đối với các nước đã được nhà cầm quyền Bắc Kinh phát động chiến tranh với Việt Nam từ ngày 17.2.1979.
Trung tướng Đặng Quân Thuỵ và tác giả đang trao đổi nội dung, tư liệu
Mấy ai ngờ, cái kế sách muốn "dạy cho Việt Nam một bài học" để dằn mặt ấy của họ đã kéo dài cho đến tận 10 năm sau. Tức là vào năm 1989, chiến tranh biên giới Việt- Trung mới thực sự kết thúc.Nhiều người trong chúng ta, mỗi khi nghĩ về cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc thường chỉ nhớ đến trận mở đầu vào 17.2.1979 trên toàn tuyến biên giới do nó nổ ra trên cả diện rộng suốt 6 tỉnh biên giới. Điều đó cũng không có gì lạ.
Song, nếu nói đến sự ác liệt của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới nói trên, có lẽ cuộc tấn công của đối phương vào ngày 5.1.1987 ở mặt trận Vị Xuyên - Hà Giang có thể xem như là một trong vài ba trận chiến khốc liệt nhất, đáng nhớ nhất đối với những người lính chúng ta trong suốt 10 năm đó.
Chúng ta có thể kể ra như các trận chiến diễn ra từ tháng 4-7.1984 tại nhiều địa điểm trên toàn biên giới; tiếp theo là các trận trong tháng 9-10.1986 và cuối cùng, trận ngày 5 -7.1.1987 cùng tại Hà Giang như vừa đề cập, cần xem đây là những trận chiến đấu lớn không thể lãng quên, rất đáng ghi vào sử sách.
Vừa đấu lực vừa đấu trí
Trung tướng Đặng Quân Thuỵ, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Tư lệnh Quân khu 2 đã hồi tưởng lại câu chuyện của chính ông đúng 30 năm về trước cho tôi nghe. Năm 1986, khi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc đang là lúc có nhiều khó khăn, ông Thuỵ đảm trách cương vị Tư lệnh Binh chủng Hoá học thì được Bộ Quốc phòng bổ nhiệm cương vị Phó Tư lệnh Quân khu 2.
Tư lệnh tiền phương Đặng Quân Thuỵ kiểm tra hầm pháo ở Vị Xuyên
Ông được Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh Quân khu giao kiêm nhiệm Tư lệnh Sở chỉ huy Mặt trận tiền phương thay thiếu tướng Lê Duy Mật, một vị tướng chỉ huy lâu năm trên mặt trận Vị Xuyên- Hà Giang do bị ốm phải đi viện.
Tướng Đặng Quân Thuỵ cho biết: "Cuộc chiến đấu của quân và dân ta ở hướng Vị Xuyên - Hà Giang có thể xem là cuộc chiến ác liệt nhất, kéo dài nhất, quy mô nhất mà cả ta và đối phương đều dùng lực lượng chủ lực quân, vừa đông đảo lại vừa tinh nhuệ nhập cuộc. Do đó, lực lượng quân sự chúng ta phải vừa đấu lực vừa đấu trí với họ kéo dài trong suốt cả chục năm này”.
Trước đó, để sẵn sàng đối phó với cuộc tấn công của Trung Quốc sang nước ta, Quân khu 2 đã phải giàn quân chuẩn bị chiến đấu trên cả 3 hướng: Lào Cai, Lai Châu và Hà Tuyên (hồi đó chưa tách tỉnh như sau này). Từ 1984, khi nắm được ý định của đối phương, Bộ Tư lệnh quân khu đã quyết định tập trung lực lượng vào hướng xung yếu là huyện Vị Xuyên của tỉnh Hà Giang ngày nay.
Ngoài Sư đoàn (F) 313 là sư đoàn phòng ngự tại chỗ, Quân khu 2 đã nhanh chóng điều động lực lượng tăng cường như F314, F356 và có lúc cả F316 của Quân đoàn 29 lên. Tiếp đó, khi Bộ tăng cường chi viện, mặt trận Hà Tuyên còn có các F 312,F328 , F325,F3, F31 cùng nhiều trung đoàn thuộc các quân khu bạn và nhiều binh chủng khác của Bộ tham gia.
Sau trận đánh tuy được coi là thắng lợi nhưng thực ra cũng không thật thành công vào tháng 7.1984, Bộ Tư lệnh QK đã xác định phải hình thành một thế trận vững chắc, đánh dài ngày và không được nóng vội, vừa đánh vừa phải tìm ra phương thức tác chiến hiệu quả. Phải biết lợi dụng địa hình, hang động hiểm trở làm các trận địa,các chốt kiên cố đánh trả các cuộc tấn công của đối phương, đồng thời, cần phải tính toán lực lượng ứng trực luân phiên lên chốt thì mới đủ sức chiến đấu lâu dài và đủ đảm bảo thế trận luôn luôn vững chắc.
Chính nhờ có quan điểm sáng suốt này của Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng, quân đội ta đã làm thất bại âm mưu thâm độc của phía Trung quốc có ý đồ đánh Vị Xuyên- Hà Tuyên để gây sức ép và làm suy yếu quân đội Việt Nam. Chúng ta, trong thực tế cũng đã làm cho quân chủ lực đối phương suy yếu nặng nề và phải rút lui, chấm dứt 10 năm gây chiến với chúng ta ở dọc biên giới phía Bắc".
Trận đánh 30 năm về trước
Tư lệnh thăm các đơn vị ở Vị Xuyên trước khi nổ ra trận chiến khốc liệt 5.1.1987
Theo trung tướng Đặng Quân Thuỵ, trận đánh diễn ra vào ngày 5.1.1987. "Trước đó đã có những dấu hiệu của một cuộc chiến đấu lớn khi trinh sát ta phát hiện mỗi ngày có đến gần 300 xe cơ giới ra phía trước và những sự chuyển động bên kia biên giới một cách không bình thường...”.
Chúng ta cũng đã ứng phó kịp thời và bổ xung lực lượng sẵn sàng đáp trả. Các lực lượng trinh sát và đài quan sát được lệnh theo dõi mọi động tĩnh của địch rồi báo cáo cấp trên để nghiên cứu các tình huống có thể và phương án đối phó. Cơ quan chính trị thì chuẩn bị sẵn tư tưởng cho bộ đội sẽ tác chiến dài ngày.
Chỉ huy Mặt trận cùng các sư trưởng xuống đơn vị kiểm tra, bổ xung các phương án tác chiến và sẵn sàng chiến đấu. Công tác tăng cường củng cố công sự, trận địa bảo đảm hậu cần cho cuộc chiến như việc dự trữ súng đạn, lương thực, thực phẩm khô, thuốc men cho bộ đội ta ra sao, được quân đội ta chủ động khá tốt. Vì đánh nhau lâu dài trên các chốt ở núi cao, bộ đội bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, bệnh ngoài da rất phổ biến.
Ngành quân y ngày đó đã phải nghiên cứu để sáng tạo ra cả chiếc khăn sát trùng để "tắm khô" cho bộ đội sử dụng khi giữ chốt mà chưa hết phiên xuống núi. Đây là chuyện hết sức độc đáo của bộ đội ta khi giữ chốt.Từ ngày 5 đến 7.1.1987, Trung Quốc sử dụng một số lực lượng cấp sư đoàn, lại được pháo binh chi viện mở chiến dịch nhằm vào 13 điểm tựa của ta mà mục tiêu chủ yếu là đồi Đài, đồi Cô Ích, đồi 1100, Minh Tâm, Pa Hán...
Mặc dù đối phương bắn tới trên 150.000 quả đạn pháo trong 3 ngày để chi viện bộ binh liên tục tiến công (có ngày tới 7 đợt) nhưng đều bị bộ binh và pháo binh ta ngăn chặn ngay trước trận địa và buộc phải rút lui. Chỉ huy Mặt trận nhận định địch đã thất bại nặng nề.
Vào chính những ngày này, Đại hội VII Toàn quốc của Đảng ta đã diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. Vậy xem ra họ có ý đồ phía sau rất rõ.
“Có đêm ta thấy hiện tượng lực lượng địch mặc áo trắng đi qua đi lại để nhặt xác đồng đội. Chỉ huy sư đoàn báo cáo lên trên và chỉ huy Mặt trận đã quyết định dừng nổ súng. Đồng thời, chúng ta gọi loa thông báo rõ, Việt Nam đang thực hiện chính sách nhân đạo nên không tấn công tiếp, tạo điều kiện cho họ đưa xác binh lính của mình ra khỏi vùng chiến sự an toàn" - Trung tướng Đặng Quân Thuỵ kể.
Cần ghi lại đầy đủ cho hậu thế
Các báo, đài và hãng thông tấn nước ngoài như Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, AFP, Reuters... đều đưa rất đậm thông tin về chiến sự nói trên. Nó được xem là một trong những cuộc xung đột mạnh nhất kể từ sau cuộc chiến tranh biên giới 17.2.1979. Nhiều nguồn tin phương Tây cho hay phía Trung quốc bị thiệt hại đến hơn 4.000 quân trong 5 ngày đó và không phải như họ che dấu là chỉ bị thiệt hại gần 500 quân (!!!).Chỉ riêng mặt trận Vị Xuyên, Trung Quốc đã từng điều 17 sư đoàn thuộc 10 quân đoàn chủ lực thuộc 8 Đại Quân khu, một số sư đoàn của các quân khu khác cùng 5 sư, lữ đoàn pháo binh với quân số khoảng 50 vạn là đủ hiểu họ tung sức vào huyện Vị Xuyên chúng ta kiểu "lấy thịt đè người" ghê gớm mức nào.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau trận chiến cuối cùng này (từ 5-7.1.1987), chiến sự biên giới giảm dần. Chỉ còn những trận bắn pháo và những xung đột nhỏ và kéo dài thêm cho đến 1988. Sang đến 1989 thì các vị trí Trung Quốc chiếm đóng đã bị chúng ta cô lập và bị tổn thất nhiều khiến họ phải chia làm nhiều nhóm rồi lẳng lặng rút dần khỏi các vị trí trên đất Hà Giang về nước.
Theo số liệu điều tra, chỉ riêng trên mảnh đất Hà Giang từ 1984-1989, Trung Quốc đã bị thiệt hại trên 20 ngàn quân, phá hủy 200 khẩu pháo cối, 170 xe vận tải và nhiều kho tàng, trận địa…
Về phía chúng ta, chỉ riêng ở mặt trận Vị Xuyên trong suốt 5 năm gian khổ chiến đấu và giữ chốt bảo vệ biên cương, có khoảng 4.000 cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang cũng đã anh dũng hy sinh. Trong đó, có đến 2 ngàn người đến nay vẫn chưa tìm thấy xác. Có những trận địa bị pháo địch nã liên tục, trơ đá và trở thành những "lò vôi thế kỉ" (cụm từ được quen gọi hồi đó) giữa núi cao, rừng sâu...
"Trận chiến 5-7.1 này có ý nghĩa rất quan trọng đối với cục diện chiến trường vì nó là cuộc chiến đấu then chốt gây cho địch thiệt hại nặng nề, làm giảm sút ý chí xâm lược của kẻ địch. Sau những cuộc chiến đấu ác liệt này, sức tấn công của địch suy giảm. Các vị trí chiếm giữ của đối phương tiếp tục bị bao vây chia cắt lực lượng bị tiêu hao, làm cho họ không thể thực hiện được ý đồ chiếm đất của ta lâu dài và buộc phải rút quân về nước..." – tướng Đặng Quân Thuỵ phân tích với tư cách là vị Tư lệnh trực tiếp của Sở Chỉ huy Mặt trận tiền phương hồi đó.
Sau trận trên, chúng ta chủ yếu đánh lực lượng thám báo, biệt kích thâm nhập biên giới và đánh trả pháo cối của đối phương ở Bắc Vị Xuyên cho đến khi chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến nói trên ở biên giới Việt -Trung.Cuộc chiến đấu bảo vệ mảnh đất Vị Xuyên - Hà Tuyên thấm đẫm biết bao máu xương của người chiến sĩ và dân quân, đồng bào địa phương chúng ta.
Chúng ta cần tính tới chuyện ghi lại các sự kiện đó một cách đầy đủ vào bộ quốc sử cho hậu thế lưu giữ và hiểu được các thế hệ cha anh đã kiên cường nhường nào, anh dũng hi sinh ra sao để bảo vệ và gìn giữ từng tấc đất của quê hương, tổ quốc.
Tháng 8.1945, ông Đặng Quân Thuỵ tham gia Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền tại Hà Nội khi đang là đoàn viên Thanh niên cứu quốc ở trường Bưởi( trường Chu Văn An , Hà Nội ). Tháng 9.1945, ông nhập ngũ vào chi đội Vi Dân và đi chiến đấu ở Tây Nguyên. Sau đó, ông tiếp tục tham gia kháng chiến chống Pháp ở Hà Nội, Nam Định và các chiến dịch ở các tỉnh phía Bắc và là phái viên tác chiến của Bộ Tổng tham mưu tại Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954).Trong kháng chiến chống Mỹ, từ năm 1964 ông vào công tác tại cơ quan tham mưu của Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam. Ông tham gia cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968 ở mặt trận Sài Gòn - Gia Định và các chiến dịch khác. Ông từng tham gia các cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới ở cả 2 miền của đất nước.Ông đã giữ chức Tư lệnh Binh chủng Hoá học (quân hàm Thiếu tướng), Tư lệnh Quân khu 2 (quân hàm Trung tướng).Ông là đại biểu Quốc hội khoá VIII, IX, X, được bầu làm Phó Chủ tịch Quốc hội khoá X, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.Ông là Ủy viên Trung ương Đảng khoá VII (1991-1996). Năm 2002, được bầu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam.Ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Độc lập hạng Nhất và một số huân, huy chương cao quý khác. |
Nguồn tin: Dân Việt
Ý kiến bạn đọc
Ngày 24.07.2022, tại thủ đô Berlin (CHLB Đức) đã diễn ra buổi giới thiệu ba cuốn...
Cuộc thi Hoa Hậu Áo Dài Phu Nhân 2022 tổ chức tại Internationales Congress...
Chiều 11.08.2018 hơn 300 anh chị em, bạn bè, thân hữu từ khắp nơi trên nước Đức...
Cơ bản thông tin cho người đọc hiểu về nội dung
Còn lỗi sai sót quá trình dịch là chuyện...
Xin chia buồn với gia đình BS. Nguyễn Minh Sơn. Cầu mong anh sớm siêu sịnh tịnh độ cõi niết bàn❤️
Sẽ có một ngày sự thật sẽ bày phơi
Vết nhơ ấy sẽ tạc vào lịch sử
Và nhân dân sẽ được...
Cám ơn NguoiViet.de đã phỏng vấn.
Cám ơn ý kiên trung thực của bà Trịnh Thị Mùi, Chủ tịch HĐQT...
Xin mời xem thêm ý kiến của người con trai ông Lê Duẩn:
"Ông Lê Kiên Thành nói về cha và ngày 17/2/1979" trên Vietnamnet:
http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/doithoai/chien-tranh-bien-gioi-17-2-ong-e-kien-thanh-noi-ve-cha-va-ngay-17-2-1979-356936.html
@Quang Lâm: Nếu vậy cũng nên đọc thêm bài phản biện "nhẹ" đăng ở 1 số Blog như: https://kimdunghn.wordpress.com/2017/02/18/vai-nhoi-trao-doi-voi-con-trai-ong-le-duan/