Bị quê hương phản đối, cựu Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk vẫn tái đắc cử Chủ tịch Hội đồng châu Âu

Thứ bảy - 11/03/2017 00:57
Ông Donald Tusk đã tái đắc cử chức Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) trong cuộc bỏ phiếu tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ngày 9/3.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk. Ảnh: AP
Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk. Ảnh: AP

Mặc dù được đa số lãnh đạo Liên minh châu Âu ủng hộ, nhưng việc ông Tusk tái đắc cử lại vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ phía Ba Lan – quê hương của ông.

Phát biểu sau khi tái đắc cử chức Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Tusk đã bày tỏ hy vọng sẽ nỗ lực để EU được tốt hơn. Trong một tuyên bố trên mạng xã hội Twitter, ông Tusk nêu rõ: "Cảm ơn Hội đồng châu Âu vì sự tin cậy và đánh gía tích cực. Tôi sẽ nỗ lực tối đa để EU được tốt hơn".    

Theo kết quả được công bố ngay sau cuộc bỏ phiếu cho thấy, ông Tusk đã giành chiến thắng với sự ủng hộ của 27 nước thành viên EU và chỉ có 1 nước phản đối. Ba Lan - quê hương của ông Tusk - đã không ủng hộ vị đương kim Chủ tịch Hội đồng châu Âu tái ứng cử vào chức vụ này.

Ông Tusk là cựu Thủ tướng Ba Lan, nhưng bị Chính phủ Ba Lan do đảng Luật pháp và Công lý (PiS) cầm quyền phản đối vì cho rằng đã can thiệp vào vấn đề chính trị trong nước.

Trước thềm hội nghị, Thủ tướng Ba Lan Beata Szydlo tuyên bố sẽ tìm mọi cách để ngăn cản ông Tusk tái đắc cử Chủ tịch EC. Chính phủ cánh hữu của Ba Lan cũng đã đe dọa làm “chệch hướng” hội nghị thượng đỉnh EU, vốn bàn về tương lai hậu Brexit (Anh rời EU) của khối, nếu lãnh đạo EU tiến cử và một lần nữa bầu ông Tusk tiếp tục giữ chức Chủ tịch Hội đồng châu Âu.

Phía Ba Lan cho rằng, việc EU tái bổ nhiệm ông Tusk sẽ hủy hoại tính thống nhất đang rất mong manh của khối.

Phát biểu ngay sau khi ông Tusk được tái bổ nhiệm, người phát ngôn đảng cầm quyền Ba Lan Luật pháp và Công lý, bà Beata Mazurek nói: “Theo quan điểm của chúng tôi, điều này không dự báo điều tốt đẹp cho châu Âu, và nó là một quyết định tồi tệ.

Thời gian sẽ cho chúng ta thấy nó mang lại kết quả như thế nào. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, các nhà lãnh đạo châu Âu ủng hộ một người bị chính quê hương của ông ta phản đối”.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo khác trong liên minh châu Âu lại cho rằng, ông Tusk là người phù hợp nhất với vị trí Chủ tịch Hội đồng châu Âu. Theo Còn Thủ tướng Malta Joshep Muscat, có những quy tắc rất rõ ràng mà chúng ta cần phải tuân thủ, đó là một nước, một thành viên có thể phản đối quyết định của Liên minh châu Âu, nhưng một nước thì cũng không thể ngăn chặn những thành viên còn lại ra quyết định.

Còn Thủ tướng Đức Angela Merkel nhận định: “Việc ông Tusk tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng châu Âu là dấu hiệu về sự ổn định của EU. Tôi rất mong được tiếp tục hợp tác với ông ấy”.

Ông Tusk sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 31/5 tới. Trong thời gian gần 30 tháng qua, ông Tusk được các thành viên EU - trừ chính phủ hiện tại ở Ba Lan - đánh giá cao và công nhận đã làm tốt sứ mệnh của mình, giúp châu Âu vượt qua giai đoạn khó khăn nhất./.

Thùy Linh/VOV-Trung tâm Tin
Tổng hợp

Nguồn tin: VOV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage của NguoiViet.de
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây