Câu chuyện khởi nghiệp: Việt kiều Đức về nước bắt đầu lại khi đã ổn định sự nghiệp ở nước ngoài

Thứ ba - 14/11/2017 05:46
Sau hơn 30 năm sinh sống tại nước ngoài, khát khao cống hiến cho quê nhà và bản lĩnh của người kỹ sư đam mê ngành kính đã giúp Chủ tịch SADO GROUP vững tin khởi nghiệp.
Ông Nguyễn Công Chính – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc SADO GROUP.
Ông Nguyễn Công Chính – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc SADO GROUP.
 

Nhắc đến ngành công nghiệp sản xuất và lắp ráp nhôm kính hiện nay ở Việt Nam không thể không nhắc đến cái tên SADO GROUP với hệ thống nhà xưởng hiện đại bậc nhất và công nghệ nhập khẩu từ những nhà cung cấp hàng đầu. Nhưng ít ai biết rằng, SADO GROUP đã chiếm lĩnh thị trường nhôm kính Việt Nam và vươn xa ra quốc tế chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi sau khi nhà máy được đưa vào hoạt động. Từ một thương hiệu non trẻ tại quê nhà, làm thế nào SADO GROUP vươn lên trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu trong dòng sản phẩm kính cao cấp "Made in Vietnam"?

Người kỹ sư xây dựng nên thương hiệu ấy là ông Nguyễn Công Chính, một Việt Kiều Đức không ngừng nỗ lực phấn đấu, một người con miền Trung luôn nặng lòng với quê hương. Được tạo điều kiện đi du học tại Đức từ năm 17 tuổi, ngay khi đang là chủ của một doanh nghiệp lớn tại Đức, ông đã quyết định trở về Việt Nam xây dựng sự nghiệp và đóng góp cho quê hương. "Khi bạn bè khoác ba lô ra chiến trường thì mình được tạo điều kiện để xách vali đi du học, mình phải làm gì đó để không phụ công những người đã không quản hy sinh thân mình bảo vệ quê hương đất nước", ông chia sẻ.

Người đàn ông ấy không chỉ có hoài bão, tình yêu với Tổ quốc, mà còn là một doanh nhân hết sức nhạy bén và đa tài, với những kinh nghiệm khởi nghiệp quý giá của một doanh nhân đã từng thành công tại nước ngoài.

Phát hiện đúng nhu cầu và "lỗ hổng của thị trường"

Thời gian đầu quay trở lại Việt Nam, qua tìm hiểu, ông nhận thấy thị trường kính xây dựng lúc bấy giờ hầu như bị chiếm lĩnh bởi các sản phẩm Trung Quốc với chất lượng kém, chưa kể đến các loại hàng nhái, hàng giả. Trong khi đó, các nhà gia công trong nước hoạt động với số lượng ít và rất vất vả. Điều này trong một thời gian dài đã kìm hãm không ít sự phát triển của ngành vật liệu xây dựng Việt Nam và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng các công trình. Chính vì vậy, bằng những kinh nghiệm và kiến thức học hỏi được từ ngành xây dựng cao cấp, tiên tiến và thân thiện môi trường của nước bạn, ông mong muốn đem được những điều đó về Việt Nam.

Đặc biệt, thị phần kính cao cấp cho các công trình lớn, khách sạn 5 sao là một thị phần rất lớn, nhưng lúc bấy giờ hầu hết các nhà thầu Việt Nam đều phải nhập khẩu từ nước ngoài với chi phí đắt đỏ. Với tiêu chí đồng hành với các nhà gia công, sản xuất trong nước, đồng bộ để nâng cao năng lực cung cấp của toàn ngành, tạo ra các sản phẩm nhôm kính chất lượng cao "Made in Vietnam" giúp thị trường trong nước thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhập khẩu. Và đó là lí do ra đời của SADO GROUP, đơn vị cung cấp giải pháp tổng thể về nhôm kính cao cấp cho thị trường Việt Nam với chất lượng tiêu chuẩn Châu Âu.

Chiến lược bài bản, đường dài

Trong bối cảnh công nghệ bùng nổ và trước thềm cách mạng 4.0, ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu để gia tăng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp ngày nay. Ông Chính đã nhìn thấy điều đó từ 5 năm trước. Gây sốc cho giới kinh doanh khi động thổ nhà máy nhôm kính triệu đô vào đúng thời điểm thị trường rơi vào đáy khủng hoảng kinh tế thế giới, SADO GROUP lại cho rằng đây là thời điểm thích hợp để vận hành nhà máy. Chiến lược của công ty rất rõ ràng, là sản xuất kính cao cấp thay thế hàng nhập khẩu và để xuất khẩu, đa dạng hóa nguồn nguyên liệu từ các nước trong khu vực với chứng nhận quốc tế chứ không phụ thuộc vào một thị trường cung cấp. Và để làm được điều đó, không gì khác là phải áp dụng phương thức sản xuất theo chuẩn quốc tế để đảm bảo được yêu cầu chất lượng kỹ thuật, thẩm mỹ và chủng loại mà các thị trường nước ngoài khó tính đặt ra, cũng như nâng cao tiêu chuẩn sản xuất trong nước, kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ cho sản phẩm và bảo vệ người tiêu dùng và nâng tầm sản phẩm Việt Nam. Bên cạnh đó, ông Chính còn đang hướng tới việc xây dựng một phòng thí nghiệm sản phẩm mới hợp tác với Viện nghiên cứu và kiểm định hoạt động các sản phẩm vật liệu xây dựng IFT, CHLB Đức, và trang bị thêm các thiết bị kiểm định sản phẩm không chỉ trong phòng thí nghiệm mà còn ngay tại công trình để có thể từ đó đảm bảo tối đa chất lượng các sản phẩm của SADO mang tới cho người tiêu dùng.

Câu chuyện khởi nghiệp: Về nước bắt đầu lại khi đã ổn định sự nghiệp ở nước ngoài - Ảnh 2.

Nhà xưởng gia công nhôm kính của SADO GROUP được đầu tư hàng triệu USD.


Thành công từ chuyên môn vững chắc cùng đam mê và tình yêu với sản phẩm

Chất lượng sản phẩm là điều tiên quyết quyết định sự sống còn của một nhà sản xuất. Nhưng bên cạnh chuyên môn kỹ thuật, điều làm nên sự khác biệt và chất riêng không gì khác phải đến từ sự say mê nghiên cứu và hoàn thiện sản phẩm. Không phải tự nhiên ông chủ của SADO GROUP lại chọn vật liệu kính để đầu tư hàng triệu Đô la. Ông có một niềm say mê với vật liệu này. Kính với ông giống như một người phụ nữ - trong trẻo, sang trọng nhưng không kém phần cứng cỏi. Bao nhiêu năm nghiên cứu, "theo đuổi" vật liệu kính, ông đã tạo cho mình một phong cách rất riêng khi quyết định mở doanh nghiệp tại Việt Nam.

Là một kĩ sư ngành kính, ông Chính không chỉ áp dụng thành công các kiến thức kỹ thuật chính mình đã được đào tạo tại Đức, mà còn ứng dụng rất hiệu quả những kiến thức từ thực tiễn học hỏi được từ nước bạn. Với lợi thế am hiểu ngôn ngữ, hiểu biết tập quán và văn hóa của người Đức, ông có được lòng tin của nhà cung cấp, tận dụng và học hỏi được những "bí quyết" về cách quản trị, vận hành nhà máy làm sao cho khoa học, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu suất lao động của người Đức.

Một trong những điều ông chủ của SADO GROUP muốn nhắn gửi đến những người trẻ đang có mong muốn khởi nghiệp cũng chính là mọi thứ đều xuất phát từ sự đam mê và tình yêu đối với sản phẩm của mình. Bởi khởi nghiệp đòi hỏi một sự bền bỉ, khả năng chịu đựng nhiều áp lực mà nếu như không có niềm say mê sẽ không vượt qua được.
 

Câu chuyện khởi nghiệp: Về nước bắt đầu lại khi đã ổn định sự nghiệp ở nước ngoài - Ảnh 3.

Nhà ga quốc tế Đà Nẵng sử dụng kính của SADO GROUP


Hiếm có người giám đốc nào có thể tự thiết kế toàn bộ nhà xưởng, nắm vững cách vận hành của phần lớn các loại máy móc trong hệ thống hiện đại của mình như ông Chính. SADO GROUP là niềm tự hào của ông, cũng là niềm tự hào của những con người Việt Nam đang hàng ngày hàng giờ mong mỏi được đóng góp cho đất nước.

Có người cho rằng, ở tuổi ông Chính mới về nước khởi nghiệp là muộn. Thế nhưng câu chuyện thành công của chính bản thân ông đã giúp chúng ta nhìn thấy không chỉ những cơ hội rộng mở cho kiều bào trở về nước đầu tư, với những kinh nghiệm quý báu tích lũy tại môi trường quốc tế, mà còn thấy được bài học khởi nghiệp quí giá: chỉ cần có đam mê, tuổi tác sẽ không bao giờ là yếu tố cản trở quyết tâm xây dựng một doanh nghiệp.  

Nguồn tin: vtv.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage của NguoiViet.de
Cảm nhận mới nhất
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây