Mới!! Lá thư của một nàng dâu Hà Nội ở Berlin (thêm bài thơ ĐIỀU LỆ HỘI VIÊN)
24.06.2010 17:03
|
Đại sứ Đỗ Hòa Bình tiếp nhận 50 triệu VND từ Công ty của chị Hà Nails ủng hộ Quĩ "Trái tim cho em" |
Lời Tòa soạn: Ngày 22.06 NguoiViet.de nhận được bức thư của chị Hà Nails (Berlin) mong muốn được chia xẻ những bức xúc do một vài "đồng hương nam" gây ra. NguoiViet.de chưa đăng bức thư ấy ngay vì không muốn „vạch áo cho người xem lưng“ và hy vọng mọi người sẽ tự thu xếp với nhau. Tuy nhiên qua hai ngày tìm hiểu chúng tôi thấy bức thư này cũng như nhiều thư điện tử „nặc danh“ khác đã lan truyền rộng rãi trên mạng với tốc độ nhanh chóng mặt, như mũi tên đã rời khỏi cung, bay đi quá xa, không giữ lại được nữa…
>> Thông báo ra khỏi Ban chấp hành Hội Người Hà Nội - Hà Nails (Berlin, Đức)
Dù đã „ly hôn“ nhưng lá thư của chị Hà Nails vẫn toát lên tấm lòng yêu quí Hà Nội của một nàng dâu tự hào, chung thủy với quê chồng. Lá thư có đả kích sự mất đoàn kết của một vài cá nhân trong BCH Hội NHN cùng ý định xin từ chức nhưng không hề có ý „không ăn được thì đạp đổ“ mà trước sau vẫn một lòng mong muốn các bên liên quan ngồi lại với nhau... , thể hiện rõ thái độ xây dựng và cầu thị đáng trân trọng.
Nhận thấy việc đăng lá thư này tuy có „cho người xem lưng“ (cái áo đã vạch ra mất rồi) nhưng cũng là giúp nói lên một tiếng nói tâm huyết, có ý thức xây dựng để thúc giục những người lãnh đạo các hội đoàn và cá nhân có liên quan sớm tìm ra tiếng nói chung để chấm dứt hiện tượng mất đoàn kết hiện nay.
Trên tinh thần ấy NguoiViet.de đăng tải sau đây toàn văn bức thư của chị Hà Nails để rộng đựờng dư luận.
Mới bổ sung: Theo yêu cầu của bạn đọc và xét thấy bài thơ "ĐIỀU LỆ HỘI VIÊN" mà chị Hà trích dẫn không tục tĩu như nhiều bài khác, chúng tôi cho đăng bổ sung ở cuối bài để bạn đọc tham khảo.
Berlin, ngày 22.06.2010
Thưa chị Hạnh,
(vì lý do tế nhị nên tên của người mà tôi tâm sự đã được thay đổi)
em là Nguyễn Thị Hà, trong giới người Việt làm Nails ở Đức và Châu Âu thường gọi em là Hà Nails. Hôm nay, em muốn được chia sẻ với chị như là với người chị gái của em. Tại sao em nói thế, vì em cũng là chị của ba cậu em trai (những năm thời XHCN, cả bốn chị em em đều là dân du học ở Liên Xô cũ), bây giờ chỉ còn lại một mình em ở nơi xứ người.
Những ngày này chắc chị cũng rất đau đầu vì trong cộng đồng người Việt ở Berlin đã có nhiều chuyện không hay của mấy anh chàng người Thủ đô… Hôm nay thứ Ba, là ngày em được nghỉ. Bình thường những ngày này là ngày mà em có nhiều thời gian hơn cho con cái. Nhưng vì những bức xúc trước và sau cuộc bầu cử của Hội Người Hà Nội, nên em muốn trải lòng mình với chị để chia sẻ những suy tư của một nàng dâu Hà Nội xa xứ…
Thưa chị, em chẳng hiểu từ đâu và từ bao giờ, một số anh (số ít thôi chị ạ) lại cứ tự vỗ ngực mình là trai „Hà Nội gốc“. Chính cái tính sĩ diện, thiếu ý thức của một số anh người Hà Nội „nặc danh“ đã khơi mào viết Email nói xấu nhau trên mạng, làm xôn xao trong bà con cộng đồng người Việt ở Berlin. Em là dân sống ở nơi „kẻ chợ“, đã gọi là chợ thì hàng ngày giáp mặt nhau, có ai lạ gì ai đâu. Chả thế mà em cứ thấy mấy cái anh chàng người Hà Nội „nặc danh “ đó, hình như không hiểu được câu thành ngữ „Im lặng là vàng, thanh minh là tự thú“. Mấy anh đó đóng giả hết tên là Quỳnh, lại đến tên là Lê Thị Hân Hoan… Dù núp dưới cái tên „nặc danh“ nào thì khi đọc xong, mọi người đều hiểu: Ai là thủ phạm.
Chị ơi, em sống ở Đức không có bà con ruột thịt, nhưng xung quanh em còn rất nhiều người bạn tốt. Nhiều người bạn vì thương em, cứ bảo sao không tìm cho mình „một nửa còn lại“, để khi gặp hoạn nạn còn có người mà chia sẻ, giúp đỡ. Thế nhưng nhìn vào tấm gương của một số anh đồng hương Hà Nội (một số anh thôi chị ạ), em đâu dám có ý nghĩ ấy nữa. Các cụ nhà mình vẫn thường dạy con cháu: “Trai khôn tìm vợ giữa chốn chợ đông, gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân“. Câu thành ngữ này sao em thấy đúng thế phải không chị?
Em đã chứng kiến cảnh một số anh đàn ông Hà Nội „nặc danh“ đó vẫn vỗ ngực mình là người „quân tử“, là trai Thủ đô „ngàn năm văn hiến“, nhưng tri thức của một số anh đó sao mà „NGẮN“ thế. „Đường đường một đấng anh hùng“, mà phải viết Email „nặc danh“ để nói xấu phụ nữ. Em xa quê hương đã lâu rồi, nhưng những gì tinh hoa, tinh túy của dân tộc em làm sao quên được hả chị? Chẳng nhẽ em lại bảo mấy anh chàng „nặc danh“ đó, các anh sống ở „TÂY“ lâu rồi, lại ăn nhiều „ĐỒ TÂY“, nên trong tiềm thức của mình không còn nhớ nổi những câu thơ trào phúng của cố thi sĩ Hồ Xuân Hương - lại là NỮ phải không chị? Em xin chép tặng mấy anh người Hà Nội „nặc danh“ đó (một số anh thôi nhé), bài thơ:
Cảnh cáo anh đồ
Anh đồ tỉnh, anh đồ say
Sao anh ghẹo nguyệt giữa ban
Này này chị bảo cho mà biết
Chốn ấy hang hùm chớ mó tay
Thơ Hồ Xuân Hương
Chị ơi, người ta vẫn thường ví giới mày râu: „Nam nhi đại trượng phu“, „Nam thực như hổ, nữ thực như miêu“. Mình là Hổ mà nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương lại bảo chốn ấy là hang hùm thì đau quá!!!
Chị ơi, em chỉ là nàng dâu Hà Nội „đã ly dị chồng“, sao mà em thấy xót xa thế „cái tình“ của người đồng hương Hà Nội. Trước khi Ban chấp hành Hội Người Hà Nội bầu cử, một số anh người Hà Nội „nặc danh“ đã phải dùng cả những thủ đoạn hèn mạt nhất, viết Email gửi cho rất nhiều người nói xấu phụ nữ. Họ tưởng như thế là hay, là giỏi… cứ vỗ ngực tự xưng mình là người „Hà Nội gốc“, là người được đào tạo ở „TRỜI TÂY“, thế nhưng ngôn từ chỉ lại chỉ là thứ „Văn chương“ nửa mùa của những anh chàng thích khoe chữ, khoe hiểu biết, khoe mình là con Ông này, con Bà Luật gia kia… Em xa xứ lâu lâu rồi, có lẽ thế nên em chỉ biết mượn lời của nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương dành tặng riêng cho mấy anh chàng Hà Nội „nặc danh“ ấy bài thơ:
Mắng học trò dốt
Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ?
Lại đây cho chị dạy làm thơ
Ong non ngứa nọc châm hoa rữa
Dê cỏn buồn sừng húc dậu thưa
Thơ Hồ Xuân Hương
Chị ơi, lại là Hồ Xuân Hương phải không chị nhỉ? Trong nền Văn học Việt nam, nhắc đến thơ Hồ Xuân Hương, không ai lại không biết đúng không chị?
Em là người không biết làm thơ, nhưng em rất yêu thích thơ của nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương. Bà là nhà thơ phụ nữ, những bài thơ của bà là vũ khí châm biếm, đả kích thói hư tật xấu rất táo bạo và quyết liệt. Thơ của nữ thi sĩ trào phúng ấy sâu đậm chất TRỮ TÌNH. Thơ ngỡ tục mà thanh rất mực. Lời thơ của Hồ Xuân Hương nhiều khi như lưỡi dao sắc ngọt, đã xé toạc bộ mặt đạo đức giả của nhiều kẻ tự mạo nhận là “Quân tử”, là “Anh hùng”, góp phần hạ bệ nhiều thần tượng chỉ có hư danh mà không có thực trong đời thường. Để được gì, mất gì hay chỉ thấy “Quả báo nhãn tiền”. Sự thật ai là ai đã được phơi bày tất cả trên bài phóng sự của ông Bút Thép.
Chị ơi, các cụ nhà ta nói: “Sông sâu mới biết đò đầy”, trong hoạn nạn, khó khăn mới tìm thấy tri ân, tri kỷ… phải không chị? Trước ngày bầu cử của Ban chấp hành Hội Người Hà Nội, đã có sự mất đoàn kết, cấu kết chia bè phái (của một số anh thôi chị ạ). Cứ tưởng là mấy anh nam đồng hương sẽ làm cho nữ đồng hương “ đối phương”, trở tay không kịp. Ôi sao mà chua xót thế chị ơi!!
Cùng là dân ở chợ, giáp mặt nhau hàng ngày, thế mà bây giờ: “Thôi nhé xa rồi… Đồng hương ơi!”.
Trước cuộc bầu cử đó, em định không đi, nhưng vì danh dự và lẽ phải, nên em đã đi họp để tự bảo vệ mình. Rất may là trong Ban chấp hành cũng vẫn còn những người tốt đã bảo vệ em. Mục đích của một vài cá nhân muốn bằng mọi giá phải tẩy chay em, chị N. và chị H. (với lý do em đã ly dị chồng, còn chị N. thì chồng đã mất, chị H. thì họ nói không có năng lực) ra khỏi ban chấp hành. Nhưng kết cục lẽ phải đã chiến thắng. Chả thế mà trong dư luận mới xuất hiện bài thơ trào phúng: “Điều lệ hội viên” – Tác giả Camera, đã trả lời thay cho ba người phụ nữ: “Cãi vào, rồi lại cãi ra. Điều lệ đối chiếu mời ba bà ngồi" (1).
Chị ơi, chị là người có uy tín trong cộng đồng, theo em, nên chăng chị cũng cần góp ý cho những người đã sáng lập ra mục: Điều lệ hội viên của Hội Người Hà Nội, cần phải ghi rõ: con dâu “đã ly dị, đã chết, đã ly thân” và con rể “đã ly dị, đã chết, đã ly thân” (cũng như cần phải ghi rõ và điều tra lý lịch, số hộ khẩu, mấy đời, vợ chồng ra sao, ly dị hay đã chết, như là khi khai sơ yếu lý lịch để vào Đảng), thì không được tham gia vào Ban chấp hành (!?). Em nghĩ như thế mới không bị người ta nói: Trình độ còn non nên mới bị “bắt lỗi” đúng không hả chị?
Chị ơi, em chỉ là nàng dâu Hà Nội xa xứ, bây giờ chỉ có ba mẹ con (em không có người thân ruột thịt nào ở Đức). Em xa nhà đi du học ở “Tây” từ lúc 18 tuổi, bôn ba nơi xứ Người, những thăng trầm, mất mát cũng đã nếm trải… Cuộc sống ở bên này rất thiếu thốn về mặt văn hóa và tinh thần. Cứ ngỡ rằng, tham gia Hội đồng hương Hà Nội là để giúp mình nhớ lại những kỷ niệm: “Một thời đạn bom, một thời hòa bình” của Hà Nội Thủ đô yêu dấu – Trái tim của cả nước.
Thời đạn bom ác liệt năm 1972 chắc chị vẫn còn nhớ (Lịch sử dân tộc đã ghi lại Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không, năm 1972 đó, Tổng thống Mỹ Nixson, đã ra lệnh ném bom B52 nhằm mục đích hủy diệt Thủ đô của nước Việt Nam cộng sản). Người Việt Nam chúng ta, dù không phải là người Hà Nội, nhưng khi nhắc đến đều rất tự hào về sự bất khuất và kiên cường của quân và dân người Thủ đô lúc đó. Chị ơi, chiến tranh cũng đã lùi về dĩ vãng, hòa bình cũng đã lâu rồi, sao mà em cứ thấy lòng mình xót xa thế hả chị. Có ai ngờ rằng: Đồng hương nam tương tàn Đồng hương nữ?
Thưa chị, em hy vọng, sau bài viết này chị cũng là nữ như em, chắc chị sẽ hiểu và thông cảm với em hơn, vì sao em viết bài này. Bởi đó là những suy tư của nàng dâu Hà Nội xa xứ, cần lắm những tiếng nói chung vì cộng đồng thực sự, chứ không phải là những kẻ mệnh danh: “Ăn cơm nhà, vác tù và Hà Nội“ để phục vụ những quyền lợi riêng mà họ không đủ dũng cảm để nói ra. Theo cá nhân em, nên chăng cần có một cuộc họp với một số người đã gây mất đoàn kết, chia rẽ nhau và gây những tiếng xấu trong cộng đồng. Ai là người gây nên đầu tiên, dư luận cũng đã biết. “Tiên trách kỷ - Hậu trách nhân”, âu cũng là lẽ thường tình “Tức nước“ thì phải “Vỡ bờ”, đúng thế không hả chị? Em xin dành tặng mấy anh người Hà Nội “nặc danh” đó bài thơ:
Trống thủng
Của em bưng bít vẫn bùi ngùi.
Nó thủng vì chưng kẻ năng dùi,
Ngày vắng đập tung dăm bảy chiếc,
Đêm thanh đánh lộn một đôi hồi.
Khi giang thẳng cánh bù khi cúi,
Chiến đứng không thôi lại chiến ngồi.
Nhắn nhủ ai về thương lấy với,
Thịt da ai cũng thế mà thôi.
Thơ Hồ Xuân Hương
Chị ơi, từ nơi phương trời “Tây”, em xin ngàn lần cám ơn nhà thơ trào phúng Hồ Xuân Hương, đã nói thay em những gì mà người đời vẫn thường nói: “Gieo trái nào, thì gặt quả ấy”. Có anh người Hà Nội “nặc danh”, cứ hợm hĩnh và tự hào mình là người Hà Nội “gốc”. Thế nhưng khi em hỏi: Ngôi nhà nào có bốn mặt tiền đã đi vào lịch sử của dân tộc, mà khi nhắc đến tên, ai cũng biết, thì người đó đã không trả lời được. Em không phải là người Hà Nội “gốc”, chỉ là nàng dâu Hà Nội, em xin trả lời giúp anh chàng ấy. Đó là Nhà tù Hỏa lò. Ngôi nhà ấy, bây giờ chỉ còn lại rất nhỏ, nằm sau tòa tháp HA NOI TOWER.
Chị ơi, tình cảm đồng hương rất cần sự lành mạnh và trong sáng, không vụ lợi, dù là vật chất, tinh thần hay chỉ là danh tiếng. Giá như ai cũng nghĩ được như thế thì đâu đã xảy ra những gì không đáng có. Hà Nội trong trái tim em cũng như bao nhiêu người con khi xa quê hương, nhắc đến Thủ đô Hà Nội đều vẫn thì thầm trong lòng mình: “Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn hướng về Hà Nội – Thủ đô yêu dấu…”. Thế nhưng hôm nay đây, giữa lòng Thủ đô Berlin, em cứ thấy lòng mình ngậm ngùi và xót xa quá khi phải thốt nên lời: “Thôi nhé xa rồi… Đồng hương ơi!”.
Chị ơi, em sẽ xin rút khỏi Ban chấp hành Hội Người Hà Nội, đã là sân chơi thì phải có tinh thần đoàn kết, bởi vì sau mỗi buổi liên hoan, dù có long trọng và hoành tráng đến đâu đi nữa, thì ngày mai em cũng phải về lo cái “nồi cơm” của nhà mình thôi. Em nói thế, nó hơi dung tục một chút, nhưng thực tế là đúng như thế phải không hả chị? Hôm nay, khi viết những dòng chữ này cho chị, em cứ như là được trải lòng mình với người chị gái mà em rất quý mến và kính phục. Đó là những tâm sự rất chân tình từ đáy lòng của em – những nỗi niềm suy tư của nàng dâu Hà Nội xa xứ.
Cuối cùng em xin kính chúc chị luôn mạnh khỏe và gặp nhiều may mắn!
Em Hà Nails
ĐT: 0152 029 111 62
Ảnh: Trần Hoàng Hải
(1) Hai câu thơ trên trích từ bài thơ "ĐIỀU LỆ HỘI VIÊN" sau đây, đã được lưu truyền rộng rãi trên mạng với tác giả được ghi là Camera:
Điều lệ hội viên
Lắng nghe tôi kể chiều qua
Nhà hàng Thành Koch lu loa mếu cười
Tổng tròn hai bốn con người
Tranh nhau chức tước hội người Thủ đô
Hiệp một ba tiếng đồng hồ
Làm dâu ly dị mời cô ra liền
Làm dâu chồng dưới thổ điền
Mời cô từ chức hãy liền ra mau
Có bà chẳng phải ốm đau
Nhưng không năng lực phía sau mời bà
Cãi vào rồi lại cãi ra
Điều lệ đối chiếu mời ba bà ngồi Hiệp hai gần bốn tiếng rồi
Hội trưởng, Hội phó ai ngồi ai ra
Hội trưởng có một A ha!
Có năm tướng tá tham gia tranh tài
Có ông bốn phiếu mặt dài
Có ông hai phiếu mà tai tím bầm
Có ông năm phiếu xa sầm
Có ông số phiếu nhớ thầm chữ ô
Than ôi bắt tép nuôi cò
Cò giang đôi cánh, cò mò bay đi.
Camera
Lời Tòa soạn: Mọi ý kiến khen chê, đồng tình hay phản bác lá thư này (nếu có) đều được đăng lên khách quan, không thiên vị ai. Tuy nhiên vì BBT không có nhiều thời gian nên sẽ chỉ đăng những ý kiến viết đầy đủ đấu tiếng Việt, câu chữ rõ ràng, không chứa những ngôn từ tục tĩu và chi tiết thiếu bằng chứng.
|