Nguyễn Hữu Tráng (Berlin): SỨ MỆNH NGOẠI GIAO KHÓ KHĂN CỦA BÀ THỦ TƯỚNG MERKEL

Chủ nhật - 29/04/2018 20:46
Liên tiếp trong mấy ngày tuần cuối tháng 4 này hai nhà lãnh đạo hàng đầu Châu Âu là Tổng thống Pháp E. Marcon và Thủ tướng Đức A. Merkel sang Mỹ làm "thuyết khách". Trong khi ông Marcon được đón tiếp như là thượng khách trong ba ngày, thì bà Merkel chỉ có ba giờ đồng hồ cho một buổi trao đổi với tổng thống D. Trump và ăn trưa làm việc với một số cố vấn của Tổng thống Mỹ. Tối 26/4 bà đến Oa-sinh-tơn và về ngay khách sạn mà không có quan chức Nhà Trắng nào ra sân bay đón.
Nguyễn Hữu Tráng (Berlin): SỨ MỆNH NGOẠI GIAO KHÓ KHĂN CỦA BÀ THỦ TƯỚNG MERKEL


Chiều tối ngày 26/4 Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đến Oa-sinh-tơn DC để ngày thứ 6, 27/4 có gần ba tiếng đồng hồ trao đổi với tổng thống Mỹ D. Trump trước khi quay ngay về nước. Chuyến đi của bà được coi là „chuyến thăm làm việc“ nên hầu như không có nghi thức lễ tân gì.

          Điều này trái ngược hoàn toàn với những gì mà dư luận đã thấy ngay trước đó khi nước Mỹ chào đón ông E.Marcon tổng thống Pháp. Một lý do là chuyến thăm đầu tiên của tổng thống Pháp Marcon là một „chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước“. Nhưng đó cũng không phải là tất cả để lý giải vì sao tổng thống D. Trump đón tiếp tổng thống Marcon thịnh tình và có phần thân thiết hơn so với đón bà Merkel. Một năm trước khi bà Merkel sang thăm Mỹ ông Trump thậm chí còn từ chối bắt tay bà Merkel trong buổi họp báo chung.

          Trước hết là do phản ứng của Đức nói chung và của bà Merkel nói riêng trước việc ông Trump được bầu làm tổng thống Mỹ khác so với phản ứng của chính giới và dư luận Pháp. Nhìn chung cả Pháp và Đức đều không thích tính cách của ông Trump và cho là ông không phải là người thích hợp để „lãnh đạo“ thế giới Phương Tây. Nhưng trong khi người Pháp phản ứng có mức độ, xã giao và có phần ngoại giao, thì người Đức phản ứng thẳng thắn, „sốc“ hơn. Một ngày sau khi ông Trump được bầu làm tổng thống Mỹ, bà Merkel nói quan hệ song phương phải được xây dựng trên cơ sở những giá trị chung, đó là tự do, bình đẳng v.v. và sau đó bà nói thêm Châu Âu và Đức nói chung cần phải nghĩ đến giải pháp tự bảo vệ mình (gián tiếp đề cập đến việc rời bỏ ô bảo hộ của Mỹ từ 70 năm qua). Quan điểm chung của dư luận Đức đến nay về ông D. Trump vẫn không thay đổi. Họ cho ông là „khó lường“ và „dân tộc chủ nghĩa“, „mị dân“ và cổ súy cho chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đi ngược lại xu thế thời đại. Trong câu chuyện riêng tư, người Đức còn có phần cảm thấy „xấu hổ“ vì có một tổng thống Mỹ gốc Đức như vậy (gia đình ông Trump xuất thân từ vùng Pfalz). Dễ hiểu vì sao ông Trump có phần „dị ứng“ và hơi gay gắt với Đức so với các đồng minh khác.

          Thứ hai, với chính sách „Nước Mỹ trước hết“ (America first) của mình, ông Trump phản ứng quyết liệt với điều mà ông cho là bất bình đẳng trong quan hệ thương mại giữa Mỹ với các nước khác, trong đó có Trung Quốc và Đức. Ông cho là các nước này thực hiện chính sách thương mại gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ và cướp công ăn việc làm của người Mỹ. Trong EU thì Đức là đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ từ trước đến nay. Tuy nhiên Đức xuất sang Mỹ nhiều hơn nhập từ Mỹ với thặng dư thương mại năm 2017 ước chừng 50 tỷ euro.  Ngay từ khi nhậm chức đến nay ông Trump luôn lấy đó làm lý do để lên án Đức. Ngược lại thì cán cân thương mại Pháp- Mỹ không chênh lệch nhiều và không khiến tổng thống Trump phải bận tâm.

          Thứ ba, điều mà ông Trump cũng rất quan tâm và thường xuyên „nhắc nhở“ các đồng minh NATO là phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng góp tài chính cho Khối liên minh Bắc Đại tây dương theo đúng thỏa thuận 2% của BIP. Pháp „gương mẫu“ đóng đủ 2%, trong khi Đức đến nay vẫn chỉ dừng lại ở mức đóng góp 1,2% và không có ý định tăng trong tương lai gần.

          Tóm lại tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức mặc dù có chung mục tiêu là sang Mỹ  làm „thuyết khách“ nhưng lại có những xuất phát điểm khác nhau. Cả ông Marcon và bà Merkel trong chương trình nghị sự đều có những điểm chung, đó là thuyết phục Mỹ xem xét lại lệnh tăng thuế nhập khẩu đánh vào thép và nhôm (có thể thực hiện từ 01/5 tới), không rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân với I-ran. Đối với Đức, việc triển khai Thỏa thuận xây dựng đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Đức, cũng khiến phía Mỹ không hài lòng vì cho rằng Đức sẽ lệ thuộc vào nguồn khí đốt từ Nga và không mua khí lỏng từ Mỹ chuyển bằng tầu biển qua Đức.

          Ba ngày của tổng thống Marcon và ba giờ đồng hồ của bà Thủ tướng Đức Merkel, hai nhà lãnh đạo hàng đầu Châu Âu sang „diện kiến“ tổng thống Mỹ chắc chắn cũng không mang lại nhiều hy vọng vì ngay sau khi từ Mỹ trở về tổng thống Marcon đã điện đàm trao đổi với tổng thống Merkel mà dư luận Đức đánh giá là „khá bi quan“.

          Tờ Frankfurter Allegemeine 27/4 cho biết mới thứ ba gần đây Donald Trump ngồi bên cạnh Emmanuel Marcon và nói về vấn đề thương mại : „Liên minh Châu Âu rất cứng rắn với chúng tôi và họ đặt ra những rào cản thương mại không thể chấp nhận được, nhất là trên lĩnh vực nông nghiệp“. Với cái nhìn „trìu mến“ vào ông khách từ Pháp, Trump nói thêm „tôi ước gì chỉ phải làm việc với Pháp“.

          Cũng chính vì thế nên sứ mệnh ngoại giao lần này của bà Merkel đến Mỹ quả là khó khăn đối với bà.


Nguyễn Hữu Tráng

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage của NguoiViet.de
Cảm nhận mới nhất
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây