Tòa Châu Âu: Phạt nghị sĩ vì “xúc phạm” Quốc Hội cũng là xâm phạm tự do biểu đạt

Thứ năm - 17/11/2016 14:30
Quyền tự do biểu đạt có thể đi xa tới đâu trong hoạt động nghị trường là một câu hỏi thường được đặt ra trong các thảo luận của Tòa án Nhân quyền Châu Âu có trụ sở tại Strasbourg. Đặc biệt, trong hai vụ kiện gần đây, Tòa đã xử thắng cho các nguyên đơn là những dân biểu Hungary, trước bị đơn là Quốc hội Hung, mà đứng đầu là Chủ tịch Kövér László.
Hành vi giơ ngón tay “trị giá” gần 500 Euro – Ảnh chụp màn hình TV – tác giả.
Hành vi giơ ngón tay “trị giá” gần 500 Euro – Ảnh chụp màn hình TV – tác giả.


Mới đây nhất, một cựu nghị sĩ đối lập thuộc Đảng Xã hội Hungary (MSZP), ông Szanyi Tibor – hiện là dân biểu Nghị viện Châu Âu (EP) – đã thắng kiện tại Tòa Strasbourg, khi Tòa xử rằng Chủ tịch Quốc hội Hungary đã nhiều lần tuyên phạt ông và do đó, hạn chế quyền tự do biểu đạt của ông.

Với phán quyết hôm 8/11, Tòa Strasbourg buộc Hungary phải bồi thường về tinh thần cho ông Szanyi Tibor. Khoản tiền bồi thường không lớn, nhưng sẽ thú vị nếu chúng ta tìm hiểu xem, cơ quan tư pháp Châu Âu này đã ra quyết định khi xử lý những trường hợp kiện cáo oái oăm như thế nào.

Bị phạt liên tục vì ngôn từ và “thái độ”

Tháng 3/2013, viện cớ bảo vệ sức khỏe thanh thiếu niên, liên minh cầm quyền cánh hữu của Hungary đề xuất luật quốc hữu hóa công nghiệp thuốc lá, tạo điều kiện chia lại thị phần kinh doanh thuốc lá vào tay những nhóm lợi ích thân chính phủ trong thực tế (đạo luật này về sau đã được thông qua).

Ngày 6/5, trong phiên chất vấn tại Quốc hội Hungary, dân biểu Szanyi Tibor đệ lên một bản chất vấn do ông khởi thảo có nội dung rất mạnh mẽ (đó là quan điểm chung của toàn nhóm nghị sĩ đảng MSZP buổi hôm đó), nhưng không được Chủ tịch Quốc hội chấp thuận cho đọc vì “có giọng điệu xúc phạm”.

Bản chất vấn bị ông Kövér László cho là “xúc phạm tới uy tín của Quốc hội và có thể là lý do khiến vị nghị sĩ bị kỷ luật”. Tuy nhiên, về sau, giới ký giả đã được tiếp cận văn bản và ai nấy đều thống nhất rằng, trong đó không hàm chứa từ ngữ gì mà phe chính phủ chưa dùng trong phòng họp Quốc hội.

Nói về quyết định của vị Chủ tịch Quốc hội, ông Szanyi Tibor cho rằng đó là điều chưa từng xảy ra và không thể chấp nhận được, vì nó hạn chế quyền chất vấn của một nghị sĩ. Đáng nói là sự “kiểm duyệt” này lại tiếp diễn vào ngày 27/5 cùng năm, vẫn trong vụ việc liên quan tới cái gọi là “mafia thuốc lá”.

Giữa chừng, vào cuối tháng 3/2013, cũng trong một dịp chất vấn, ông Szanyi Tibor lại bị phạt tiền nặng – 131.410 Forint (một phần ba lương tháng) – vì đã giơ ngón tay giữa về phía các nghị sĩ của đảng cực hữu JOBBIK, phản ứng lại việc nhóm này khi ông phát biểu đã buông những ngôn từ kỳ thị chủng tộc.

Vụ phạt tiền này là trường hợp đầu tiên mà Chủ tịch Quốc hội Hungary áp dụng một đạo luật (có hiệu lực pháp luật từ ngày 1/1/2013) cho phép trừng phạt những hành vi bị coi là không phù hợp trong sinh hoạt nghị trường. Xét ra, chỉ trong thời gian ngắn, dân biểu Szanyi Tibor đã ba lần liên tục bị “phạt vạ”.

Vẫn trong khuôn khổ tự do ngôn luận

Cấm hỏi han, chất vất được coi như hình phạt nặng nề nhất trong đời sống nghị trường đối với một dân biểu Quốc hội tại Hungary. Trả lời báo chí, vị nghị sĩ nhấn mạnh: “Trong mọi thể loại đều phải có nghệ thuật, và trong chính trị cũng vậy. Tại sao trong Quốc hội lại không thể phát ngôn như thế?”.

0002

Không được phát biểu trong kỳ chất vấn, nghị sĩ Szanyi Tibor giơ cao một bao thuốc lá khổng lồ với hàng chữ cảnh báo “Đảng FIDESZ gây nguy hại nghiêm trọng tới sức khỏe của Bạn và những người sống bên Bạn” – Ảnh: Blog.hu


Ông Szanyi Tibor cũng khẳng định: “Trong bài chất vấn, tôi đã cố gắng thể hiện điều mình muốn nói bằng những lời lẽ chọn lọc một cách nghệ thuật và sáng tạo”. Những ngôn từ như “chính phủ mafia”, “cướp bóc”, “tập đoàn dối trá”… dành cho liên minh cầm quyền, theo ông, phải được phép.

Đặc biệt, về trường hợp bị phạt tiền nặng nề chỉ vì giơ ngón tay như một hành động phản đối sự nhục mạ đến từ các nghị sĩ khác, ông Szanyi Tibor cho rằng rất vô lý khi Chủ tịch Quốc hội về sau đó tự động tuyên phạt mà không hề hỏi han gì ông, và ông cũng không hề có khả năng phản đối.

Chính vì thế, vị dân biểu tuyên bố do luật Hungary không cho phép ông kháng cáo lại những hình phạt mà ông phải chịu, ông buộc phải đưa vấn đề này lên diễn đàn Liên Âu. Làm việc này, ông Szanyi Tibor đã “nêu gương” và đặt ra một tiền lệ cho nhiều dân biểu Quốc hội Hung khác cũng noi theo.

Báo chí Hungary khi viết về trường hợp ông Szanyi Tibor, đã đặt câu hỏi: quyền lực của vị Chủ tịch Quốc hội trong sắc áo đảng cầm quyền vốn chiếm thượng phong tại Hung có thể đi xa tới đâu, nếu pháp luật trong thực tế cho phép ông ta cấm mọi phát ngôn hay cử chỉ không vừa ý của phe đối lập?

Câu trả lời đã đến từ Tòa Strasborg sau hơn ba năm xét đơn kiện của vị dân biểu người Hung: tất cả những gì ông làm trong sinh hoạt nghị trường – phát ngôn, cử chỉ… – vẫn đều nằm trong khuôn khổ quyền tự do biểu đạt, tự do ngôn luận và Quốc hội Hungary lẽ ra không được phạt ông.

Tự do biểu đạt chính trị phải rất được tôn trọng

Tòa Strasbourg buộc bị đơn (Nhà nước Hungary) phải bồi thường 2.650 Euro cho ông Szanyi Tibor, đồng thời, phải bù lại khoản tiền ông bị phạt trong Quốc hội (450 Euro), nếu vị nghị sĩ đã trả khoản đó. Bên cạnh đó, phán quyết của Tòa Strasbourg cũng trả lời được một vài câu hỏi đáng suy nghĩ.

Quyền tự do biểu đạt chính trị trong nghị trường có thể đi xa tới đâu? Truyền thông Hungary dẫn bình luận của một luật gia chuyên về luật hiến pháp, theo đó, chỉ có thể hạn chế quyền nói trên của dân biểu nếu nó vi phạm hiến pháp và pháp luật một cách rõ rệt, bằng không thì phải cho phép.

ibor Jeno SZANYI in front of the European Parliamant in Strasbourg

Ông Szanyi Tibor trước trụ sở Tòa án Nhân quyền Châu Âu tại TP. Strasbourg – Ảnh: szanyitibor.hu


Phải chăng phát biểu tại Quốc hội của các dân biểu không được bảo vệ bởi nguyên tắc tự do biểu đạt, như Chính phủ Hungary lập luận trong phiên xử? Tòa Strasbour đã khẳng định điều ngược lại: quyền tự do ngôn luận của các đại diện dân cử là đặc biệt quan trọng, và chỉ có thể hạn chế bởi những lý do rất trầm trọng.

Hơn thế nữa, cũng theo Tòa, quyền chất vấn chính phủ của các nghị sĩ Quốc hội là cực kỳ quan trọng và việc đảm bảo quyền đó tránh khỏi sự lạm dụng quyền lực của kẻ có quyền – như trong trường hợp của Quốc hội Hungary – chính là để quyền của các nhóm thiểu số không bị sứt mẻ./.

  • Nguyễn Hoàng Linh

Nguồn tin: Tạp chí Luật Khoa

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage của NguoiViet.de
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây