Cơn lũ từ trời, cộng với sức chảy của hơn 7 tỉ lít nước trong một giờ từ đập xã, mang theo một động năng khủng khiếp. Chỉ chốc lát đã phá hoại tan hoang gần 800 ha hoa màu, làm ngập gần 80 ngàn nhà cửa, phá hủy hơn 1000 ha nuôi trồng thủy sản. Giết chết gần trăm ngàn gia súc, thú vật. Cuốn trôi đi hơn chục sinh mạng. Hàng triệu con người sống trong hoàn cảnh bi đát, thê lương, từ lúc khoảng 18 giờ, ngày 14.10.2016.
Nhìn những hình ảnh thông tin trên báo mạng, hay qua các kênh truyền hình, chắc ít ai có thể không đau lòng. Một bà mẹ già ngồi buồn hiu, hay những đứa trẻ với quần áo ướt lạnh, trốn lũ trên mái nhà. Một chú ngựa được cứu nhờ sợi dây thừng nâng cao cái đầu lên, qua tầm mực nước, khuôn mặt cũng ngơ ngác buồn hiu, có lẽ vì thân mình đang bị ngập lạnh lâu và mệt mỏi. Một nhóm người ra sức khiêng cái quan tài, khệ nệ lội bì bõm trong dòng nước, để cứu cả người đã chết. Một đứa bé con trong vòng tay mẹ đang sững sờ. Một chú chó con đứng trên mái ngói, lặng lẽ nhìn quanh. Người và vật cùng môi trường đang bị "thiên tai" và cả "nhân tai" bách hại, nhấn chìm trong biển nước, dìm sâu trong tai ương. Tiếng kêu gào thảm thiết cùng khóc thương oán giận, trong những ngày đêm đầy tang tóc bất ngờ đó, đã thấu đến tận trời.
Cộng đồng người Việt tại Đức, một lần nữa bày tỏ lòng tương trợ, vận động quyên góp khắp nơi. Nhằm xoa dịu bớt đi phần nào khổ đau và tang tóc. Ủng hộ đồng bào miền Trung đang bị họa vì lũ lụt. Sự thành công của phong trào quyên góp bước đầu đã làm mọi người cảm động, xích lại gần nhau hơn. Quên đi tất cả những bất đồng, bỏ qua những vấn đề đang và đã làm hội đoàn chia rẽ.
Theo dõi các cuộc quyên góp này của cộng cộng đồng người Việt ở Đức, chúng ta có thể ghi nhận nhiều kết quả rất đáng trân trọng, như sau:
- Hội Phụ nữ Nghệ An, trong thời gian ngắn một đêm, đã góp được 10.000 €.
- Hội Phụ nữ Rostock đã nhanh chóng thu được 2.600 € trong ngày kỷ niệm Phụ Nữ Việt Nam, gởi ngay về hỗ trợ đồng bào Hà Tỉnh, Quảng Bình.
- Ban tổ chức quyên góp tại TTTM Đồng Xuân, chỉ trong vài ngày "ra quân" đã thu được gần 30.000 €. Số tiền này sẽ còn tăng lên nữa trong những ngày tới.
Và còn nhiều nữa, vân vân...
Trong thời gian này, một thành công quyên góp tuyệt vời từ trong nước, do MC Phan Anh phát động, cũng đã làm nức lòng mọi người trong và ngoài nước. Trong một thời gian 48 tiếng đồng hồ, Phan Anh đã quyên góp được 10 tỷ đồng VN, tương đương với số tiền 4 trăm ngàn Euro. Sự nhiệt tình đóng góp của cộng đồng mạng, làm anh chàng MC điển trai này phải làm việc ngược đời, kêu gọi mọi người đừng góp vào chỗ anh nữa, mà nên phân chia cho nhiều tổ chức uy tín khác. Lý do là nhóm anh lo sẽ... bị quá tải về tổ chức, với số tiền cứ tăng lên đến mức chóng mặt như thế. Những đợt trao quà cứu trợ đầu tiên, đã được nhóm và đích thân Phan Anh, tổ chức trong những ngày qua, ngay tại các vùng lũ lụt miền Trung.
Nhìn lại, số lượng tiền ủng hộ của cộng đồng người Việt tại Đức, theo tôi dự đoán, chung lại toàn nước sẽ đạt chừng khoảng 2 trăm ngàn Euro. Riêng tại Berlin, con số ấy sẽ ngót ngét khoảng 100 ngàn. Tài sản người Việt chúng ta từ những lao động cần mẫn, chắt chiu, nên mức đóng góp trên thực tế cũng có độ giới hạn, trong tinh thần "của ít - lòng nhiều", kẻ góp 10 đồng, người tặng vài chục.
Với số tiền tương đối ít, so với một đại họa như thế, buộc chúng ta phải nghiêm túc suy nghĩ, tìm ra phương án sử dụng một cách thật hiệu quả.
Lý do cũng thật dễ hiểu, phân tách như sau:
- Thứ nhất, chúng ta tránh được cách sử dụng như vừa qua, chẳng hạn như về dự án "Con tàu chủ quyền". Dự án này mới nghe thật hoành tráng, nhưng khi nhìn ra thực tế, đó là chiếc ca-nô bé tí, chỉ chở được chục người, nếu chẳng may đậu cạnh tàu "hàm hố" của bọn Tàu, sẽ bị sóng của nó nhanh chóng đánh lật. Cộng đồng người Việt tại Đức đã một phen không vừa ý, về việc sử dụng số tiền họ đã quyên góp vì Trường Sa.
- Thứ hai, nếu chúng ta có cách làm hiệu quả, chịu khó động não, mọi người sẽ hoan hỉ, những lần đóng góp sau sẽ thêm dễ dàng.
- Thứ ba, nạn nhân lũ lụt sẽ có được một món quà thích hợp, tối ưu và hợp lý với số tiền đã quyên góp được.
- Thứ tư, qua đó Ban tổ chức có thêm kinh nghiệm về cách làm, không dễ dãi hay sợ khó khăn trong việc hoàn tất dự án quyên góp, tránh tâm lý muốn kết thúc cho nhanh, để "làm việc khác", mà không để ý đến hậu quả sau này. Vì theo tôi, khâu vận động thu tiền quyên góp của bà con, tuy khó mà dễ, còn khâu sử dụng tiền quyên, lúc đầu tưởng dễ mà thực ra lại rất khó. Nếu chúng ta phải đi tìm một giải pháp tối ưu và hợp lý, thích hợp với khả năng tài chính của chúng ta, và làm hài lòng tất cả những người đã tham gia đóng góp.
Tất cả chúng ta cùng chung sức với BTC, cố gắng đề ra được giải pháp tốt nhất, và có tính khả thi. Riêng cá nhân tôi lần này, xin được phép trình bày suy nghĩ như sau:
- Chúng ta không làm theo cách thông thường, có tính "phản xạ", hễ như thấy đói thì tặng thực phẩm, thấy lạnh thì góp chăn mền, và vân vân. Lý do: cách làm này đã có hầu hết các tổ chức dân sự, cũng như tổ chức của chính quyền, cùng vào cuộc. Tôi lại vừa đọc được thông tin, có nơi người dân bị "bội thực" vì mì ăn liền. Chưa kể là việc nấu nướng, củi lửa hay chất đốt hiện nay rất gay go.
- Chúng ta nên xác định nhóm người và vấn đề ưu tiên cần giúp đỡ hay giải quyết, không làm đại trà và ôm đồm. Lý do: sức chúng ta là có hạn, về tài chính lẫn nhân lực và tổ chức.
- Sự giúp đỡ có tác dụng lâu dài và bền vững. Lý do: chúng ta nên đi vào gốc rễ của sự việc, không đi vào hiện tượng.
Theo đó, tôi đề xuất:
- Ưu tiên giúp đỡ trẻ em: Số lượng trẻ nít trong các gia đình gặp nạn không tìm thấy trên các phương tiện truyền thông, vì vậy chúng ta chỉ có thể ước tính về xác xuất, theo cách tính như sau: Theo cục Thống kê về sinh sản ở Việt Nam, tính theo dân tộc, thì Kinh 2,02 - Tày 2,26 - Thái 2,36 - Khmer 2,14 - và Mường là 2,36 con. Như vậy chúng ta có thể ước chừng cứ một gia đình Việt Nam hiện nay có 2,2 con. Với số một triệu người lâm nạn, ở khắp các vùng lũ lụt, có thể coi như là người của 200 ngàn hộ dân. Trong 200 ngàn hộ này, nếu 40% hộ có con nhỏ thì số cần giúp đỡ là khoảng 160 ngàn trẻ em. Tính toán chi li như thế để chúng ta biết rằng, khả năng giúp hết là không tưởng, mà chỉ giúp chừng vài trăm em trong số đó mà thôi.
Nếu mỗi trẻ được giúp tương đương với 200 Euro, thì với số tiền chi 30.000 €, chúng ta có thể giúp được 150 em. Như vậy chúng ta lại khoanh vùng hẹp lại, trong một xã, hay quận nào đó. BTC sẽ xem vùng nào, xã nào là ưu tiên được nhận.
Số tiền 30.000 € tôi viết ở trên, bằng khoảng 1 phần 3 số tiền dự đoán sẽ quyên được là 100 ngàn Euro, ở Berlin.
- Giúp đỡ những gia đình có người chết hay mất tích: Theo tin tức hiện nay có 17 người, cũng có thể đã lên đến 20. Mỗi gia đình 500 €, tổng số sẽ là 10.000 €.
Ngoài ra chúng ta nên làm một việc có tính chất tâm linh, nhằm yên lòng người đã mất, cũng như xoa dịu phần nào nỗi đau của người thân quyến, bằng một buổi lễ cầu siêu tập thể, theo nghi thức lễ Phật và Thiên Chúa Giáo. Số tiền có thể là khoảng 2000 €.
- Thuê một nhóm Luật sư đi tìm công lý cho những người bị thiệt hại, đau thương vì "nhân tai" vô trách nhiệm lần này. Việc này chẳng những giúp xoa dịu phẫn uất của người dân, mà còn giúp cho nền pháp luật Việt Nam tiến bộ, nhắm vào trọng tâm phục vụ là con người. Cộng đồng chúng ta trực tiếp góp sức vào việc bớt đi những sự đau lòng và vô trách nhiệm như vậy, trong xã hội Việt Nam ở tương lai.
Ngoài ra, trong quá trình làm việc giữa Luật sư và những người có trách nhiệm tại đập thủy điện Hố Hô, chúng ta sẽ biết được nguyên nhân sự cố, những khiếm khuyết về kỹ thuật hay lỗi của con người gây ra trong vấn đề này, để có khả năng tránh hay đề phòng đại họa lũ lụt, giúp người dân ở vùng hạ lưu sống an toàn tuyệt đối.
Số tiền tôi đoán chừng 20.000 €. Đó là chưa kể trường hợp có những Luật sư sẵn sàng làm không công, nhưng đó là việc chúng ta không nên tính tới.
Tới đây thì số tiền chi đã lên đến 62.000 €.
- Số tiền còn lại, trên dưới 30.000 €, tôi đề nghị đầu tư vào một đề tài nghiên cứu khoa học. Đề tài này chúng ta tuyển người Việt, đang sinh sống, làm việc tại nước Đức. Cụ thể kêu gọi các trí thức khoa học Việt Kiều, hay các nghiên cứu sinh tại các trường Đại học Đức, tham gia. Thực hiện nghiên cứu trong vòng 3 tháng. Kết quả sẽ được công bố rộng rãi, là đề nghị đối với những người có trách nhiệm.
Trọng tâm nhằm trả lời câu hỏi một cách khách quan, minh bạch, độc lập không phụ thuộc vào các quyết định hành chính, hay nhà nước, đó là: Sự cần thiết hay không cần thiết của thủy điện Hố Hô. Trình độ kỹ thuật để chống lũ tràn đập so với trình độ thế giới. Những nguyên tắc cần tuân thủ trước khi xã lũ. Những biện pháp cải tiến cho Hố Hô cần phải thi hành ngay, về kỹ thuật, về nhân sự hay về tổ chức.
Đề tài khoa học này cần có sự hợp tác của nhà nước, mục đích tạo nên sự an toàn cho người dân ở hạ lưu, một cách lâu dài và bền vững. Chấm dứt nỗi lo sợ từng đêm của hàng ngàn hộ gia đình, khi thấy trời mưa hay gíó bão lại bất ngờ ập đến.
Những tiếng kêu la thảm thiết, vang lên tận trời cao, ở vùng quanh đập Hố Hô, trong đêm 14.10.2016 vừa qua, rồi sẽ không còn lặp lại trong tương lai, nhờ vào sự giúp đỡ hiệu quả của cộng đồng người Việt tại CHLB Đức, dù khả năng về tài chính, nhân lực và tổ chức của chúng ta đang có nhiều hạn chế.
Sa Huỳnh - Berlin, 20.10.2016
Tôi lại nghĩ anh Sa Huỳnh đang gơi ý cho chúng ta tìm một hướng mới để giúp cho đồng bào nơi quê nhà đang liên tiếp gặp thảm họa. Bởi mỗi khi thảm họa mà nhất là trong đó có nguyên nhân từ con người gây ra như thảm họa cá chết do Formosa xả độc, khiến cả miền trung nhân dân mình khốn khổ điêu linh suốt 6 tháng qua. Liệu số tiền của các nhà hảo tâm có đủ giúp cho dân mình đứng vững trong thời gian dài nữa không hay chỉ là chút chia sẻ, nhằm an ủi, tiếp sức cho họ không bị gục ngã hoàn toàn thôi?
Còn chuyện xả lũ của thủy điện Hố Hô làm cho gần trăm ngàn ngôi nhà chìm trong nước, tài sản, gia súc và cả người cũng bị cuốn trôi. Tính đến nay đã có 40 người bị chết và mất tích, thiệt hại không thể kể xiết, khiến nhiều người cho rằng Hố Hô cố tình xả lũ để xóa dấu vết chôn bùn độc của Formosa Hà Tĩnh đang bị báo chí và dân phát hiện khắp nơi.
Có người lại cho rằng, Hố Hô cố tình xả lũ giữa đêm mà chỉ báo trước có 1 giờ kiểu lấy lệ, cán bộ xã thì ngại mưa gió, nên không thông báo, dân chẳng biết gì mới trở tay không kịp chịu thiệt hại nặng, để chính quyền cho các đoàn về cứu trợ, quay phim, chụp ảnh tung hô, ngợi ca "lòng tốt" của Đảng nhằm kể công với dân miền Trung và đồng thời lấp luôn, cho vụ Formosa "chìm xuồng.
Cho dù dưới động cơ gì, hay chỉ "xả lũ đúng qui trình" như Vũ Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty CP Thủy điện Hồ Bốn và ông Nguyễn Viết Xuân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Quảng Bình (đơn vị quản lý hồ Phú Vinh), khẳng định, thì cái sai vẫn thuộc về việc loạn qui hoạch thủy điện và xả lũ tùy hứng, họ coi mạng người và tài sản của dân như cỏ rác.
Vẫn biết giúp dân kiện cái "sân sau" của các quan chức chính quyền là "con kiến lại kiện của khoai". Nhưng có kiện, nhân dân mới được trải nghiệm cái tính "ưu việt" của chế độ XHCN là thế nào.
Vẫn biết có thuê các nhà khoa học lập luận án về qui trình điều tiết việc xả lũ để có thể vừa ngăn ngừa được lũ, vừa giảm thiệt hại cho dân vùng hạ lưu mỗi mùa mưa tới trong cái thể chế mà âm mưu chính trị của TQ gắn chặt với việc buộc kinh tế VN phụ thuộc gần như hoàn toàn vào TQ, thì là điều "viển vông", bởi "công lý chẳng ai nghe".
Nhưng tôi nghĩ, anh Sa Huỳnh chắc chỉ gợi mở ra những đề nghị cho chúng ta cùng bàn thử xem có phương án nào khả thi hơn không? Có thể đứng trên góc độ độc lập với chính quyền VN trong việc kết luận nguyên nhân thảm họa dội xuống đầu dân miền Trung hay không thôi.
Bởi nói đúng ra, chưa bao giờ dân vùng lũ, lại được nhân dân cả nước và kiều bào khắp thế giới quan tâm, kêu gọi quyên góp được số tiền lớn như lần này. Có lẽ vì ai cũng xót cho dân mình chịu liên tiếp hai thảm họa do con người góp tay với thiên tai tạo ra.
Dành cho thảm họa lũ lụt, riêng MC Phan Anh đã quyên góp được gần 17 tỷ đồng, chưa kể bao nhiêu đoàn thiện nguyện khác. Như vậy tại sao kiều bào Đức không làm một cái gì đó có tính bền vững cho dân hơn như anh Sa Huỳnh gợi ý?
Tại sao chúng ta không chuyển số tiền đó giúp cho cả đồng bào miền Trung phải chịu thảm họa Formosa nữa? Hay tiếp sức cho họ theo đuổi vụ kiện lịch sử để đòi môi sinh và công lý?
Rất mong các Ban Tổ chức quyên góp ở khắp nơi suy nghĩ và bàn bạc cho thấu đáo để đồng tiền của chúng ta giúp dân trực tiếp và thực sự hiệu quả.
Bàn về phương thức giúp cứu trợ là đúng. Nhưng 2 trong số 4 đề nghị là vọng tưởng. 20000€ để kiện thì đúng là mất tiền không đáng. Và chưa chắc đã cần thiết! (Nhiều điều khác bức xúc hơn!) và một lý do chính: Công lý trong lúc này,ở dạng thức này không được ai nghe!
Đề nghị 4, 30.000€ để nghiên cứu là tiền vứt qua cửa sổ. Vì dù nếu có kết luận gì đi nữa, nhà Nước này cũng bỏ ngoài tai! Những dự án độc hại tày trời, cả Xã hội lên án mà còn bỏ ngoài tai nữa là kết luận cái đập Hố Hô không cần thiết!
Bạn Sa Huỳnh ạ!
Gui anh Sa Huynh,
Doc bai bao cua anh toi thay y hay thi it nhung y phan tac dung thi nhieu. Khi ba con Mien Trung gap kho khan vi thien tai thi Ban to chuc keu goi cong dong quyen gop giup do ba con Mien Trung voi khau hieu La lanh dum la rach, noi cu the hon la gop tien giup ba con Mien Trung chong lai cai doi, cai ret va khoi phuc lai cuoc song sau con lu lut chu khong nham muc dich lay tien do de nghien cuu khoa hoc hay thue luat su di tim le phai cho nguoi dan. Neu co nhieu nguoi ung ho y tuong cua anh thi Anh va nhom nguoi nay nen dung ra to chuc mot hay nhieu buoi cho muc dich nghien cuu khoa hoc va di tim cong ly.
Hi vong Ban to chuc tiep tuc tuyen truyen va noi ro muc dich su dung so tien quyen gop duoc de ba con an tam khi tham gia phong trao nay. tham gia.