Nguyễn Hữu Tráng: PHỤ NỮ LÀM CHÍNH TRỊ… ĐẾN KHỔ!

Thứ ba - 11/06/2019 22:02
Hiện ở Đức lãnh đạo hầu hết các đảng phái chính trị lớn đều là phụ nữ, nhưng làm một nữ chính trị gia trong một môi trường mà chính ông Sigmar Gabriel nói „cần được giải độc“ thì „bông hồng quyền lực“ nào rồi cũng trở nên mong manh.
Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Ảnh: THX/TTXVN)
Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Ảnh: THX/TTXVN)


Hiện ở Đức lãnh đạo hầu hết các đảng phái chính trị lớn đều là phụ nữ. Đáng được „nêu gương“ nhất là bà Angela Merkel (sinh 1954) , đương kim Thủ tướng (từ 22/11/2005 đến nay), nguyên Chủ tịch Liên minh dân chủ thiên chúa giáo CDU (từ 10/4/2000 đến 07/12/2018). Đến nay bà vẫn giữ vị trí là nữ Thủ tướng đầu tiên và duy nhất tại vị 4 nhiệm kỳ và là Chủ tịch hơn 18 năm của một đảng vốn có truyền thống nằm trong tay nam giới và luôn giương cao ngọn cờ „bảo thủ“ (Konservativ). Thêm vào đó, bà lại xuất thân từ Đông Đức, gốc không phải là chính trị gia mà là nhà khoa học, hai đời chồng và không có con. Đối chiếu với những „tiêu chí bảo thủ“ của đảng, bà Merkel không đạt tiêu chuẩn nào. Ấy vậy nhưng bà không chỉ tồn tại, đứng vững mà còn cực kỳ thành công trên cương vị thủ lĩnh đảng chính trị, thủ tướng của „đầu tầu châu Âu“ và nền kinh tế thứ tư trên thế giới. Báo chí Mỹ và Châu Âu có lúc còn gọi bà là „người phụ nữ quyền lực nhất thế giới“, „bà đầm Châu Âu“, thậm chí „thủ lĩnh thế giới tự do“ v.v.

Đảng được coi là lớn thứ hai ở Đức, Đảng dân chủ xã hội SPD, vốn tự nhận đại diện cho giai tầng lao động, nhưng từ hơn trăm năm tồn tại của mình mãi đến ngày 22/4/2018 mới có một nữ Chủ tịch, bà Andrea Nahles (sinh 1970). Khi bà nhậm chức Chủ tịch SPD dư luận cho rằng đó là một bước tiến mới, tích cực khẳng định vị thế của phụ nữ trong đời sống chính trị Đức vì SPD vốn là đảng chính trị có truyền thống lâu đời nhất ở Đức (từ 1890).

Liên minh 90/Đảng Xanh (thành lập 1980 ở Tây Đức, 1989 ở Đông Đức) có truyền thống nữ quyền từ rất sớm và đồng Chủ tịch đảng hiện nay là bà Annalena Baerblock, nhưng trước đó đã có nhiều nữ thủ lĩnh như Renate Künast, Claudia Roth.

Đảng Cánh tả là liên minh của nhiều đảng cánh tả khác nhau ở Đức và được chính thức thành lập 16/6/2007. Cũng giống Liên minh 90/Đảng Xanh, đảng này hiện do bà Katja Kipping làm đồng chủ tịch, nhưng cũng có nhiều nữ chính trị gia khác của đảng được dư luận chú ý, đáng kể nhất là bà Sahra  Wagenknecht, Chủ tịch Đảng đoàn Đảng Cánh tả tại Nghị viện Liên bang.

Các đảng còn lại như Đảng dân chủ tự do Đức FDP, Liên minh xã hội cơ đốc giáo CSU hay thậm chí đảng cực hữu AfD cũng có những vị trí do nữ nắm, nhưng hoặc rất ngắn thì bị phế (như AfD) hay chỉ ở chức vụ Tổng thư ký là cao nhất (FDP).

Thành công trong sự nghiệp của những nữ chính trị gia kể trên cũng đồng nghĩa với những sự hy sinh to lớn của họ và bản thân họ cũng có những „nỗi khổ tâm“ riêng mà cánh mày râu không có hay không muốn biết để cảm thông,

Trong suốt cuộc đời chính trị của mình, bà Merkel luôn bị các „đồng đảng“  nhất là trong giới chóp bu nhòm ngó cái ghế của bà và muốn thay bà ngồi vào đó. Khi bầu bà vào chức Chủ tịch đảng đúng thời điểm khó khăn, đa phần cánh mày râu nghĩ bà giỏi lắm cũng chỉ làm được vài ba năm và sẽ đến lượt họ. Họ tin chắc vào điều đó đến mức xem thường bà. Nhưng đấy chính lại là „tử huyệt“ của họ và thành công của bà Merkel. Đến nay người ta vẫn nói sai lầm lớn nhất của tất cả „ông kẹ“ trong đảng là đánh giá thấp khả năng của Angela Merkel, dẫn đến „chủ quan, mất cảnh giác“ (!?).

„Khủng hoảng tỵ nạn“ 2015/16 lại là dịp để trong và ngoài đảng đổ lỗi cho bà, thậm chí cho bà „vi hiến“ khi mở cửa biên giới cho hơn 1 triệu người tỵ nạn tràn vào làm xáo trộn nền tảng xã hội Đức. Có người đã dọa kiện bà ra Tòa án Hiến pháp. Khủng hoảng nợ công EU cũng là dịp để các nước nợ đầm đìa và đứng trước bờ vực phá sản nhà nước đổ lỗi cho „người đàn bà thép“ và gọi bà là „người đàn bà không có tim“ khi xiết chặt chi tiêu, đầu tư công. Rồi cả khi phải đến hơn nửa năm sau bầu cử Liên bang 2017 mới lập được chính phủ họ cũng đổ cho bà đã quá cứng rắn và cố bám vào „Đại liên minh“. Đến tận hôm nay, sau sức ép nội bộ bà đã „nhường“ chức Chủ tịch Đảng cho bà Annegret Kramp-Karrebauer (AKK) vào tháng 12/2018, nhưng vẫn giữ chức Thủ tướng, dư luận cũng lại cho rằng việc „giữ ghế“ đối với bà quan trọng hơn sự thành công của đảng. Thất bại thảm hại của CDU trong các cuộc bầu cử Châu Âu vừa qua khiến cho mọi con mắt lại dồn về phía A.M (ám chỉ Angela Merkel) và dự đoán tương lai chính trị của bà và „kỷ nguyên Merkel“ sẽ kết thúc sớm hơn thời hạn đến 2021. Trước đồn đoán là sau khi kết thúc nhiệm kỳ Thủ tướng bà sẽ sang Brüssel lãnh đạo EU, bà nói bà sẽ rút khỏi tất cả các vị trí chính trị.

 

Đương kim Chủ tịch CDU, Annegret Kramp-Karrenbauer. Ảnh: Claude Truong-Ngoc/Wikimedia Commons-cc-by-sa-3.0

Chủ tịch đương nhiệm của CDU, bà Kramp-Karrenbauer (sinh 1962) đã từng là Thủ hiến bang Saarland (2011-18), Tổng Thư ký CDU (2-12/2018). Bà chính là người được đích thân bà Merkel lựa chọn và giới thiệu vào chức Chủ tịch đảng. Nhưng tại đại hội ở Hamburg (12/2018) bà cũng chỉ được hơn ông Friedrich Merz có khoảng 1%. Những người không ủng hộ nói bà quá giống cái bóng của A.M. Cánh đàn ông thì vận động quyết liệt cho người được họ ủng hộ và được coi là đại diện cho các „giá trị bảo thủ“ của CDU. Hơn nửa năm qua bà AKK vẫn chưa tạo được dấu ấn riêng cho mình ngoài một vài điều chỉnh về nhân sự. Dư luận trong và ngoài đảng lại „đổ thêm dầu vào lửa“ khi „kích động“ và „ly gián“ hai người phụ nữ quyền lực của CDU. Họ nói việc tách bạch giữa chức Thủ tướng và Chủ tich đảng gây khó cho bà AKK và là nguyên nhân khiến uy tín của CDU càng ngày càng xuống dốc trong các cuộc bầu cử. Mặc những lời nói ra nói vào AKK vẫn nói Chính phủ và Thủ tướng được dân bầu để làm việc hết nhiệm kỳ bốn năm, không có lý do gì phải thay đổi. Nhưng sau thất bại vừa rồi và những phát biểu được cho là „hớ“ khi đề cập đến quyền tự do chính kiến trên mạng xã hội, bà AKK liệu có trụ lại được với chức vụ của mình hay không là câu hỏi chưa có lời giải đáp.
 


Nguyên Chủ tịch SPD, bà Andrea Nahles (Ảnh:  Olaf Kosinsky)

Còn đối với bà Andrea Nahles của đảng SPD thì dường như số phận cũng giống những bậc tiền nhiệm của mình vì đảng này đang mang cái tiếng „sát lãnh đạo“. Kể từ ngày thành lập Cộng hòa liên bang Đức (cũ) 1946 đến 1987 SPD có ba chủ tịch đảng, nhưng chỉ khoảng 5 năm từ 2004-09 đã có 6 người lần lượt lên rồi xuống khá nhanh và nếu tính từ khi bà Merkel làm Chủ tịch CDU đến mới đây thì SPD đã có đến 8 chủ tịch SPD, một kỷ lục đáng buồn cho đảng này. Đáng chú ý là việc lên rồi xuống mau lẹ như vậy đa phần là do „đấu đá“ nội bộ dẫn đến việc từ chức do không chịu được sức ép kinh khủng. Người trụ lại lâu nhất là Siegmar Gabriel cũng chỉ tám năm (2009-17) hay  bốn năm như Gerhard Schröder (1999-2003), còn lại chỉ hơn một năm. Một số trường hợp từ chức như sau trận đấu tố (Oskar Lafontaine 1995-97, sau đó ông này rời SPD sang đảng Cánh tả) hay trong những hoàn cảnh nhiều cảm xúc như đối với các ông Gabriel và Martin Schulz (từ 03/2017-02/2018). Andrea Nahles được bầu 22/4/2018 thay thế ông Schulz từ chức và cũng chỉ hơn một năm sau cũng chính bà khá xúc động khi đọc tuyên bố từ chức và nhanh chóng rời trụ sở đảng tại Willy Brandt Haus ở Berlin.  Bà nói bà không còn tìm thấy sự hậu thuẫn và ủng hộ trong đảng đối với mình nên sẽ từ chức chủ tịch đảng và chủ tịch đoàn nghị sĩ SPD trong Quốc hội Liên bang, thôi không tham gia Quốc hội nữa để về làm dân thường. Đằng sau việc từ chức này là những câu chuyện lúc „trà dư tửu hậu“ trong nội bộ đảng đàm tiếu về vai trò một nữ thủ lĩnh đảng, họ cho rằng phụ nữ không thể giữ vị trí quan trọng này.

 

Trio

“Bộ ba quyền lực” của SPD, từ trái qua ông Schärfer Gümbel, bà Schwesig, bà Dryer

Cũng chính vì nỗi lo lắng này nên ban lãnh đạo đảng đã ngay lập tức cử nhóm bộ ba „Trio“ tạm thời điều hành công việc của đảng, gồm ông Schäfer-Gümbel, Chủ tịch SPD bang Hessen, Phó Chủ tịch SPD Liên bang, bà Dreyer Thủ hiến bang Rheinland-Pfalz và bà Schwesig, Thủ hiến bang Mecklenburg-Vorpommern đều là phó chủ tịch. Đáng chú ý là ngay buổi họp báo đầu tiên ngày 03/6 „bộ ba“ này khẳng định không ai trong số họ muốn làm Chủ tịch đảng mà chỉ tạm quyền cho đến khi đại hội bất thường bầu chủ tịch mới. Hai bà thủ hiến đều nói họ muốn ở lại địa phương mình. Dư luận cho rằng chắc họ ái ngại sẽ không thể tồn tại ở vị trí đó lâu được, vì đến như Andrea Nahles người được coi là „một chiến binh của đảng“ (Parteisoldat), người đã từng là một bộ trưởng năng động và khá thành công trong chính phủ của bà Merkel cũng phải „bật bãi“ trong cay đắng chỉ sau một năm làm chủ tịch.

Nước Đức đang chứng kiến những tháng ngày quan trọng của quá trình chuyển giao quyền lực sau „thời đại Angela Merkel“, nhưng có lẽ sẽ thiếu vắng những phụ nữ bản lĩnh và tài năng như bà, vì làm một nữ chính trị gia trong một môi trường mà chính ông Sigmar Gabriel nói „cần được giải độc“ thì „bông hồng quyền lực“ nào rồi cũng trở nên mong manh./.


Nguyễn Hữu Tráng

 Từ khóa: Angela Merkel, SPD, CDU

Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Cảm nhận mới nhất
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây