Nguyễn Hữu Tráng (Berlin): „TIÊU CHUẨN KÉP“ CỦA NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN hay „DÙNG LY MIÊU ĐÁNH TRÁO THÁI TỬ“

Chủ nhật - 17/06/2018 20:02
Ai đã từng mê những vụ xử án "kinh điển" của Bao Thanh thiên (Bao Chửng, Bao Công) thì hẳn biết đến vụ án "Dùng ly miêu đánh tráo thái tử" ("Ly miêu hoán thái tử"). Những tưởng chuyện đó xưa rồi, nhưng hình như không phải.
Một vụ án chấn động dư luận Đức xẩy ra đêm 22 rạng sáng 23 tháng 5 vừa qua ở Wiesbaden có nguy cơ cũng sẽ trở thành một „án lệ“ và cho thấy nhiều điều khá lý thú về việc mà giới luật gia Đức hay nói là "Auslegung", tức giải thích pháp luật. Luật pháp có phải là muốn diễn giải thế nào thì diễn giải, muốn nói gì thì nói hay không miễn sao đạt được mục đích?
Nguyễn Hữu Tráng (Berlin): „TIÊU CHUẨN KÉP“ CỦA NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN hay „DÙNG LY MIÊU ĐÁNH TRÁO THÁI TỬ“


Một vụ án chấn động dư luận Đức xẩy ra đêm 22 rạng sáng 23 tháng 5 vừa qua ở Wiesbaden có nguy cơ cũng sẽ trở thành một „án lệ“ đáng chú ý. Susana F 14 tuổi cho là bị một người tỵ nan I-rắc 20 tuổi hiếp dâm, sau đó bị giết và chôn xác ở bìa rừng. Kẻ thủ ác rất nhanh chóng bị truy nã, nhưng trước đó đã cùng gia đình bay về I-rắc. Cảnh sát Đức bị dư luận gây sức ép do không ngăn cản được những việc tương tự dù Ali B. nằm trong diện nghi vấn ngay từ khi nộp đơn tỵ nạn. Chính phủ lần nữa lại bị đem ra truy trách nhiệm vì chính sách tỵ nạn từ năm 2015/16 „mở cửa“ cho hơn triệu người tỵ nạn khiến xã hội bất an từ đó. Vụ „bê bối“ ở Cơ quan xét hồ sơ tỵ nạn (BAMF) ở Bremen còn đang nóng công luận và nghị trường. Còn người tỵ nạn nói chung và người I-rắc nói riêng lại rơi vào tình trạng nghi ngờ tổng thể mà không có cách gì để thanh minh.

Trước sức ép to lớn đó, cảnh sát Đức đã nhanh chóng ra tay hành động. Đầu tuần, báo chí Đức đồng loạt đưa tin, vào lúc 20 giờ 36 phút thứ bẩy 09/6 Ali B đã được đưa trở lại Đức trên chuyến bay Lufthansa hạ cánh ở sân bay quốc tế Frankfurt và được đưa bằng trực thăng về ngay trụ sở cảnh sát ở Wiesbaden. Chủ nhật 10/6, nghi phạm được đưa ra trình diện thẩm phán ở đó. Đáng chú ý là cảnh sát có vẻ cố tình để cho báo chí biết tin và chụp được những hình ảnh ở sân bay vì trước đó rào chắn tầm nhìn cao 2,4 mét ở khu vực sân bay đã được dỡ xuống.

Có lẽ chưa bao giờ tư pháp Đức hoạt động nhanh chóng và hiệu quả như thế. Và phản ứng của giới chính trị cũng vậy. Từ La Malbaie (Canada) khi đang tham dự G7 Thủ tướng Merkel chúc mừng việc bắt giữ và đưa nghi phạm trở lại về Đức („Rückführung“). Ngay sau đó Bộ trưởng nội vụ Horst Seehofer tuyên bố „tôi rất vui mừng vì kẻ tình nghi và bị tư pháp Đức truy tìm đã được đưa trở lại Đức“. Trên chuyến bay đưa nghi phạm về Đức hôm 09/6 ngoài nhân viên cảnh sát còn có cả Tổng cục trưởng cảnh sát Liên bang (Präsident der Bundespolizei) ông Dieter Romann. Nhưng ông Rohmann cũng nói với Tờ „BILD“ là cảnh sát chỉ tiếp nhận nghi phạm trên máy bay từ các nhân viên an ninh người Cuốc. Người phát ngôn Chính phủ Seibert thì cho biết những nhân viên Đức không rời máy bay.

Theo thông báo của cảnh sát Đức thì trước đó một tuần, nghi phạm Ali B và gia đình đã xuất cảnh hợp pháp về Erbil (Bắc I-rắc) qua sân bay Düsseldorf. Theo đề nghị của Đức, chính quyền tự trị người Cuốc ở Bắc I-rắc đã bắt Ali B đêm thứ năm sang thứ sáu (7-8/6) từ nguồn tin do một người nhà nghi phạm cung cấp. Viên cảnh sát Tarik Ahmed nói trên kênh truyền hình Cuốc Rudaw là Ali B đã nhận tội do uống nhiều rượu và ngáo thuốc.

Có lẽ ai cũng đồng tình với việc kẻ thủ ác phải bị bắt và đưa ra pháp luật để có bản án thỏa đáng cho hành động mà Thủ tướng Merkel gọi là „abscheulicher Mord“ („giết người một cách đe hèn“), không phân biệt người đó là ai với động cơ gì.

Nhưng… có một câu ngạn ngữ „wo der Zweck die Mittel heiligt, bleibt die Wahrheit unbeteiligt“ (tạm dịch là khi mục đích biện minh cho phương tiện sẽ không thể có được sự thật). Suy ra có thể hiểu, tuy mục tiêu là tốt đẹp nhưng nếu phương tiện để đạt được nó không chính danh thì kết quả cuối cùng, tức mục tiêu đặt ra cũng không thể biện minh được cho hành động không chính danh đó.

spruch-wahrheit-342x400


Biết rằng mọi sự so sánh đều khập khễnh, nhưng trong vụ việc vừa qua tôi không thể không suy nghĩ và đặt ra một số câu hỏi.

Khu tự trị người Cuốc ở Bắc I-rắc có phải là nhà nước hay cơ cấu nhà nước có chủ quyền hay không? 

Câu trả lời chắc chắn là không vì đến nay I-rắc vẫn là một nhà nước có chủ quyền, thành viên Liên Hợp quốc. Đức và I-rắc có quan hệ ngoại giao và ở Berlin có Đại sứ quán I-rắc ở 14195 Berlin. Một phần lãnh thổ ly khai không bao giờ được coi là chủ thể của luật pháp quốc tế. Berlin cũng đã từng phản đối việc Katalonien, một khu vực tự trị nằm ở Đông bắc Tây Ban nha, trưng cầu dân ý đòi độc lập và thậm chí còn bắt cả Thủ hiến Puigdemont theo lệnh truy nã châu Âu của cảnh sát Tây Ban nha. Chắc chắn một nhà nước pháp quyền ở giữa Châu Âu không ai lại đi công nhận vùng do người Cuốc (ly khai) kiểm soát ở Bắc I-rắc là đối tác bình đẳng của mình cả. Viên cảnh sát (hay chiến binh) người Cuốc đã bàn giao Ali B. cho phía Đức ở sân bay chắc chắn không thể đại diện hay nhân danh chính quyền hợp hiến ở Bagdad.

Tại sao Đức không yêu cầu dẫn độ nghi phạm Ali B.?

Theo người phát ngôn cơ quan công tố Wiesbaden thì cơ quan này đang làm thủ tục dẫn độ nhưng họ không biết Bộ Ngoại giao là cơ quan có thẩm quyền xem xét có gửi yêu cầu dẫn độ tới phía I-rắc hay không. Còn cơ quan công tố Frankfurt/M thì cho biết, họ không thể biết là việc yêu cầu dẫn độ qua đường ngoại giao kéo dài bao lâu ? nhiều ngày, nhiều tuần hay thậm chí nhiều tháng? Như vậy có thể chưa hề có một yêu cầu dẫn độ nào được gửi cho phía I-rắc do hai nước không có hiệp định nên yêu cầu dẫn độ phải được gửi qua đường ngoại giao. Nhưng cũng có khả năng yêu cầu đã được gửi nhưng chưa có trả lời từ phía I-rắc do gia đình này mới từ Đức quay trở về I-rắc chưa đến một tuần. Ngay cả khi thực sự có một yêu cầu như vậy thì có thể tin rằng chắc chắn Ali B. sẽ không bao giờ bị dẫn độ cho Đức vì nguyên tắc cấm dẫn độ công dân mình cho nước khác.

Còn mẹ của nghi phạm nói với Deutsche Welle là gia đình nhận được tin bắt giữ và đưa con họ về Đức qua mạng Internet; ngày 02/6 vừa qua vợ chồng bà và 6 người con tự nguyện về nước do chồng bà bị ốm nặng. Bà phản đối việc chuyển giao con bà về Đức vì „không muốn con trai mình bị tù tội ở nước ngoài. Nếu cháu thật sự có tội thì nó sẽ bị trừng phạt ngay ở đây, ở đất nước mình“, kể cả khi nếu chứng minh tội giết người Ali có thể chịu án tử hình.

Việc chỉ huy cao nhất của cảnh sát Đức cùng đội đặc nhiệm sang tận Zakho quê của Ali B. để đưa nghi phạm không phải công dân mình về Đức liệu có phù hợp với luật pháp Đức và luật pháp, tập quán quốc tế hay không dù ông này nói là tiếp nhận nghi phạm trên máy bay Lufthansa từ nhân viên cảnh sát người Cuốc? Điều đáng chú ý người này lại thuộc lực lượng đặc nhiệm Zeravani vốn là những chiến binh thuộc nhóm người Cuốc Peschmerga được trang bị vũ khí từ Đức.

„Dùng ly miêu đánh tráo thái tử“ („Ly miêu hoán thái tử“) là câu chuyện khá hấp dẫn trong thiên chuyện về „Bao thanh thiên xử án“ bên Trung Quốc. Để đánh lừa „dư luận“ về một vụ bắt cóc trong cung đình họ sẵn sàng đánh tráo thái tử bằng một con mèo. Việc sang nước khác bắt người đưa về nước mình, ở một vụ khác thì gọi là hành vi „bắt cóc“, nhưng ở vụ này thì lại có những khái niệm khác được đưa ra.

Những khái niệm như „dẫn độ“ (Auslieferung) và „chuyển giao/tiếp nhận“ (Übergabe/Übernahme), „trục xuất“ (Ausweisung), „đẩy đuổi“ (Abschiebung), „đưa trở lại/nhận trở lại“ (Rückführung/Rückübernahme) là những thuật ngữ pháp lý mang nội hàm và đòi hỏi những điều kiện, thủ tục khác nhau, không được phép nhầm lẫn. Ali B. và gia đình đã bị bác đơn tỵ nạn từ 2017, đầu tháng 6 năm nay tự nguyện hồi hương qua con đường hợp pháp ở sân bay Düsseldorf. Sau khi Ali.B về nước phía Đức mới phát lệnh truy nã và (có thể) tiến hành thủ tục dẫn độ. Việc cố tình nói khác đi với những khái niệm trên đây cũng chỉ là hình thức „đánh tráo khái niệm“ mà thôi.

Dư luận ở Đức cũng phân tán. Đại đa số đều thấy việc tìm ra thủ phạm để đưa ra pháp luật là cần thiết. Các chính trị gia thì lo ngại làn sóng phản đối nhằm vào chính sách tỵ nạn của Chính phủ cũng nhằm vào số đông những người tỵ nạn khác. Số ít ủng hộ việc bắt nghi phạm đưa về Đức như cách làm vừa qua.

Nhưng nhiều người cũng có ý kiến khác.

Trên trang WELT (Thế giới) ngày 13/6 ông Jürgen Todenhöfer (77 tuổi, nguyên nghị sĩ CDU trong Quốc hội Liên bang) nêu câu hỏi cho Bộ trưởng Nội vụ „vì sao các anh lại đưa nghi phạm giết người này trở lại?“. Trên trang FB cá nhân có 730.000 người theo dõi, ông viết „tôi luôn đứng về phía những người tỵ nạn và cũng làm nhiều việc cho họ. Nhưng việc đưa trở lại nghi phạm hiếp dâm, giết người thì là một sai lầm nghiêm trọng chưa được suy nghĩ thấu đáo“. Ông còn cho rằng „ở Đức Ali B. chịu mức án cao nhất là 15 năm tù; về nguy cơ ở I-rắc Ali B. có thể  bị án tử hình thì chắn chắn người ta có thể trao đổi với những bạn bè người Cuốc ở Erbil. Không có luật nào ở Đức bắt buộc phải đưa tội phạm nước ngoài về Đức. Việc đưa về Đức tốn kém rất rất nhiều tiền, điều mà nghi phạm này không xứng đáng“. Ông cũng lo ngại là sau vụ này người tỵ nạn ở Đức sẽ trở thành đối tượng đe dọa, khủng bố của các thế lực cực hữu.

Trên mạng xã hội, nhiều người cũng bầy tỏ những ý kiến khác nhau. Có người viết „nhiều khi luật pháp và sự đúng đắn là hai việc khác nhau. Về lý có thể việc dẫn độ không hẳn đã đúng nhưng việc đưa đương sự về đây để xét xử lại là đúng“. Một người có nick „Người dân Hamburg 2.0“ viết „đó là xung đột nội bộ giữa người Cuốc và chính phủ trung ương của I-rắc. Có thể người Cuốc muốn gây khó cho chính phủ trung ương và muốn dẫn độ nhanh để đổi lấy cái gì đó từ CP Đức. Thực tế chính phủ trung ương I-rắc có lý vì hai bên không có hiệp định dẫn độ. Nhưng kiểu gì thì tôi cũng vui vì đã làm được và chúng ta phải cảm ơn chính quyền địa phương người Cuốc“.

Nhưng không phải ai cũng có ý kiến như trên. Một người nick „Morgenstern“ (Sao mai) viết „từ góc nhìn của EU thì đã từng có tiền lệ. Một người Đức bị nghi đã lạm dụng con riêng người Pháp, sau đó cũng bị đưa về Pháp trái pháp luật. Đức phản đối nhưng ông này vẫn bị xử ở Pháp“. Người khác thì nêu rất rõ „mọi hành động của các cơ quan nhà nước phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Đưa ngay trở lại khu vực người Cuốc Kurdistan“. Nick „Du weisst schon wer“  thì dứt khoát „không trêu ngươi I-rắc nữa và đưa ngay người này về nước họ. Luật pháp không chỉ áp dụng cho những nhà nước mà chúng ta không ưa, mà còn cho cả chúng ta nữa“. „Chúng ta hình dung thử xem sẽ ầm ĩ như thế nào nếu như ngược lại một người Đức phạm tội ở I-rắc chạy về Đức và sau đó được đưa trở lại I-rắc? ông Otto Albrecht viết; „chỉ có thể lý giải là theo luật Đức việc đưa trở lại (Đức) này không hề theo nguyên tắc pháp quyền“ (Einhon). Nickname „Miniwahr“ cho rằng „đó không phải là sự chuyển giao, theo thông tin từ Bộ Nội vụ Liên bang là đẩy đuổi (Abschiebung) nhưng lại không phải do Chính phủ I-rắc và chính quyền địa phương người Cuốc. Bất chấp lý do tốt đẹp của việc kẻ thủ ác đang bị giam giữ chờ xét xử thì việc làm này đúng là vở kịch từ trại tâm thần. Đẩy đuổi hay trục xuất công dân mình, đúng là đỉnh điểm của sự vớ vẩn“.

Còn bạn đọc nick „Dogwalker“ đi xa hơn „thực tế việc này còn đi xa hơn nữa, liên quan đến phiên xử ở Đức hơn là trong quan hệ với I-rắc.  Nếu nghi phạm không phải tự nguyện trở lại Đức và không hề có thủ tục yêu cầu dẫn độ đúng pháp luật thì  hệ quả là việc làm này bị coi là hành động bắt cóc của cảnh sát Liên bang với sự tiếp sức của chính quyền địa phương người Cuốc. Đó có thể là một lý do cản trở đối với một phiên tòa. Dù không sung sướng gì nhưng nguyên tắc nhà nước pháp quyền phải được áp dụng không giới hạn với bất kỳ ai“.

Tờ „Spiegel Online“ (Tấm gương) ngày 13/6 cho biết Chính phủ trung ương I-rắc ở Bagdad vừa phản đối hành động phạm pháp của cảnh sát Đức và chính quyền địa phương Kurdistan. Bộ Ngoại giao I-rắc cho biết, hai bên không có hiệp định dẫn độ nên thẩm quyền quyết định việc có chuyển giao cho Đức hay không thuộc Bộ Tư pháp nước này. Luật sư Daniel Sprafke (Karlsruhe) của nghi phạm Ali. B cho biết ông đã đệ đơn ra tòa kiện Chỉ huy trưởng cảnh sát Liên bang Dieter Romann và toàn bộ nhân viên cảnh sát tham gia trong việc đưa lại thân chủ của ông về Đức về tội „tước đoạt tự do“ người khác. Luật sư Sprafke cũng nói thêm „tôi cho rằng cách hành xử của chính quyền trong vụ này không thể chấp nhận được“.

„Nguyên tắc nhà nước pháp quyền“ nói thì dễ nhưng hành xử lại không hề đơn giản và thực thi nó lại không được phép áp dụng „tiêu chuẩn kép“ dù đó là với một nhà nước „yếu thế“ hơn như I-rắc hiện nay.

Nguyễn Hữu Tráng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  • Xuân Nghĩa

    Trong bài, tác giả không nói hết về sự tự trị của vùng Kurdistan nằm ở miền Bắc Irak, nó không phải là một sự tự trị thông thường như các nơi khác trên thế giới mà là rất đặc biệt:
    - có chính phủ riêng (Regierung), đứng đầu là Tổng thống Masud Barsani
    - có quốc hội riêng
    - có an ninh, cảnh sát riêng
    - đặc biệt nhất là có quân đội riêng và trực tiếp nhận vũ khí viện trợ từ các nước Phương Tây, trong đó có Đức, để chống IS.

    Erbil là thủ đô (Hauptstadt) của vùng tự trị Kurdistan này, nghi phạm Ali B. bị giải giao cho Đức tại phi trường của thủ đô Erbil. Từ năm 2007 Đức cũng mở Lãnh sự quán (Konsulat) tại thủ đô Erbil này, mà chính phủ tự trị gọi là Đại sứ quán Đức. Nhiều nước Phương Tây cũng mở Lãnh sự quán tại đây.

    Đã từ lâu Kurdistan muốn tách hẳn khỏi Irak để trở thành một quốc gia độc lập.

    Nói tóm lại vấn đề nó phức tạp, rối rắm hơn rất nhiều so với những gì tác giả trình bày trong bài.

      Xuân Nghĩa   20/06/2018 23:17

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Cảm nhận mới nhất
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây