Nguyễn Hữu Tráng (Berlin): KHI „ÔNG ANH“ KHÔNG CÒN ĐÁNG LÀM ANH!

Thứ ba - 12/06/2018 06:46
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi TPP tại Nhà Trắng. (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi TPP tại Nhà Trắng. (Ảnh: Reuters)

Gần thế kỷ qua, Châu Âu luôn coi Hoa kỳ là „ông anh“ lớn, dẫn dắt NATO và cả „thế giới tự do“. Nhưng nay có vẻ ông anh ngày nào càng trở nên khó chịu với đàn em, khiến Châu Âu ban đầu ngơ ngác, nhưng nay đã dần nhận ra sự thật cần phải chấp nhận.

Bà Thủ tướng Merkel ngay sau khi Tổng thống Trump nhậm chức và diện kiến lần đầu tại Oa-sinh-tơn năm ngoái đã tuyên bố „châu Âu phải tự đứng trên đôi chân của mình“. Cũng nên nhắc lại, bà Merkel gần như là nhà lãnh đạo nước ngoài cuối cùng gọi điện chúc mừng thắng cử của D. Trump và sang chúc mừng tại thủ đô nước Mỹ để nhận được thái độ lạnh lùng từ chối bắt tay của ông Trump.

Hầu như giới chính trị của tất cả các đảng phái ở Đức đều bầy tỏ thất vọng và đánh giá tiêu cực về việc trúng cử của ông Trump. Đã thế, ngay sau khi ông Trump trúng cử, Mỹ đã bỏ trống vị trí đại sứ tại Berlin suốt 15 tháng do đại sứ đương nhiệm từ chức vì bất đồng với Tổng thống mới được bầu.

Mới đây Mỹ cử một nhân vật mà dư luận Đức gọi là „diều hâu“ gần gũi với Tổng thống sang làm đại diện tối cao tại Đức, nước đến nay được coi là đồng minh quan trọng nhất của Mỹ bên kia bờ Đại Tây dương. Dù mới sang có ít ngày ông này đã mắc hai sai lầm „sơ đẳng“ nhất khiến cho dư luận Đức càng thêm bi quan cho mối quan hệ Mỹ-Đức.

Đầu tiên là việc đưa ra „lời khuyên“ doanh nghiệp Đức phải rút ngay khỏi I-ran sau khi Mỹ tuyên bố hủy hiệp ước hạt nhân với nước này. Người Đức ngay lập tức đã gay gắt nói ông sang đây là để đại diện cho nước ông và là người „phiên dịch“ chính sách nước ông cho chúng tôi, chứ không phải sang để „lên lớp“ hay „dạy“ chúng tôi phải làm cái nọ cái kia.

Chưa dừng ở đó, trong một bài phỏng vấn mới đây nhất, ông này còn nói sứ mệnh của ông là phải ủng hộ các lực lượng „bảo thủ“ của Châu Âu, mà theo cách hiểu của Châu Âu lại là lực lượng „mị dân“, „dân túy“ hay thậm chí „cực hữu“. Nhiều tiếng nói đề nghị Chính phủ Đức trục xuất ngay lập tức nhà ngoại giao thiếu... ngoại giao và không hề biết đến và tôn trọng tập quán quốc tế.

Dù được Bộ Ngoại giao Mỹ „chống lưng“ nhưng rốt cuộc trong buổi gặp tại Bộ Ngoại giao Đức đầu tuần này, vị Đại sứ „lập dị nhất Berlin“ đã tuyên bố lấy làm tiếc và rút lại lời tuyên bố nêu trên. Người ta bảo, làm nhà ngoại giao, lại là đại sứ, không hề đơn giản ai làm cũng được. Hơn nữa nó cũng là tín hiệu cho thấy quan hệ Đức-Mỹ xuống dốc không phanh.

Trước khi sang Canada dự Hội nghị G7 cuối tuần này, Ngoại trưởng Đức Maas cay đắng thừa nhận „chúng ta không thể che dấu mãi dưới thảm sự khác biệt“ và chắc chắn với những quyết định của mình,  Trump đã „cố tình phá hoại châu Âu“.

Không riêng gì Đức mà cả Pháp và Canada cũng cảm thấy bị „sỉ nhục“ trước thái độ của Mỹ và chưa bao giờ mà các nước này thấy cần phái đoàn kết như lúc này để đối phó với „ông bác“ khó chịu này đến thế.

Nguyễn Hữu Tráng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Cảm nhận mới nhất
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây