Nguyễn Công Tiến (Halle/Saale): MÙA XUÂN DẠO QUANH SỚI VẬT

Thứ hai - 16/01/2017 04:22
Sắp đến Tết cổ truyền, NguoiViet.de xin giới thiệu với bạn đọc bài viết rất thú vị về một trò chơi dân gian của tác giả Nguyễn Công Tiến.
Đấu vật (Tranh dân gian)
Đấu vật (Tranh dân gian)

Sới vật quê tôi, đơn giản chỉ là một thửa ruộng. Mạ đã được người ta nhổ hết, để kịp cấy lúa xuân trước Tết. Đất ruộng, bên dưới còn ẩm, mềm, nhưng trên mặt đã se lại và bắt đầu nẻ chân chim.

Sáng mùng bốn Tết, đôi khi còn chưa kịp ăn xong bữa sáng, lũ trẻ chúng tôi đã nháo nhào vì nghe thấy tiếng trống vật. Tiếng trống dồn nhau cứ ba nhịp một, trầm bổng theo ngọn gió xuân, vang vọng tới những rặng tre làng cách xa vài ba cánh đồng. Nghe tiếng trống vật, từ già tới trẻ trong lòng háo hức như đêm hội nghe tiếng trống chèo thúc giục.

Hai bên ruộng làm sới vật, các cụ cắm cờ đuôi nheo ngũ sắc. Chính giữa là bàn thờ thành hoàng làng. Bên dưới là một trống cái sơn đỏ được kê nghiêng. Giữa ruộng, người ta dùng vôi bột rắc một vòng tròn lớn làm sới. Đô vật là những trai quê lực lưỡng, họ mặc quần đùi, cởi trần đôi khi có người mặc quần ta thắt dải rút, ống quần bện lên quá đầu gối như những bác thợ cày. Tới giờ ngọ, các đôi ra vật đầu tiên, gọi là “xông sới. Họ là người trong làng trong xã. Các đô vào miếng lấy lệ, chủ yếu là biểu diễn, thi đấu với tinh thần giao hữu để tạo không khí sôi động cho sới. Những đô có “nghề” ở xa đến, thường khoanh tay đứng ngoài. Khi xác định được đúng đối tượng, họ giơ tay xin ban tổ chức cho vào phá giải. Càng về cuối giải, càng xuất hiện nhiều “anh hùng hảo hán”, nên cuộc tranh sức tranh tài càng trở nên cam go quyết liệt. Sới vật nhiều lần vỡ òa bởi những cú lấm lưng trắng bụng.

Ở giai đoạn đầu, trước khi chính thức bước vào thi đấu, các đô vật phải thực hiện màn “Xe Đài” (ra giàng). Xe đài là một loạt các thao tác dạo đầu tương đối tự do của các đô vật. Từ hai đầu đường kính, họ di chuyển vào tâm sới để gặp nhau rồi quay trở lại. Động tác di chuyển được chia ra nhiều động hình, nhiều bài khác nhau do mỗi đô tự chọn theo sở thích riêng. Xe đài kiểu “Dủi: hai bàn tay bắt ngửa, vừa tiến vừa lui vừa đẩy tay về trước theo nhịp chân bước. Bài này gần như mô phỏng người nông dân sử dụng cái Dủi để đánh bắt tôm cá. Người đẩy dủi phải đi thật nhanh rất mệt, do vậy có vùng gọi là cái Hộc tốc. Xe đài kiểu “Guồng”: Đô vật nắm tay, vừa tiến vào sới vừa cuộn tròn hai tay với nhau, lúc đưa qua phải, lúc đưa qua trái. Xe đài kiểu “ Hùm”: hai tay múa, cổ tay uấn rất dẻo bàn tay xòe ra ngậm vào trông như miệng cọp… Luôn kết hợp với tay là chân. Bước chân trong xe đài như múa. Đô vật không đi, mà chạy gằn vào tâm sới rồi quay trở ra, hai gót chân liên tục đánh cao lên sát mông. Khi hai đô gặp nhau ở giữa sới, họ chiếu mắt, cùng đập tay vào đùi đánh đét rồi nhảy lên, hai tay xòe cánh Cốc. Đứng ở thế “kim kê độc lập” với cánh tay dang rộng, đô vật mô tả con vật đang sải cánh bay trên cánh đồng lúa nước mênh mông.

Xe đài, ý nghĩa đầu tiên và xa xưa của nó là động tác lễ tổ. Sau nữa là trình diễn ra mắt khán giả và cuối cùng là để hai đô hội ngộ. Bên cạnh đó, Xe đài có những ý nghĩa khác về mặt thực tiễn: là một chuỗi động tác khởi động cơ thể trước khi bước vào thi đấu; thăm dò và áp đảo đối phương bằng đòn tâm lý. Nhiều đô vật vốn xuất thân từ các lò võ, Xe đài giúp họ kết hợp biểu diễn các bài quyền cước. Do vậy, những đô có kinh nghiệm, qua động tác Xe đài phần nào cũng đoán được khả năng võ thuật của đối phương. Không mang tính thực dụng vì chưa phải lúc chính thức thi đấu, nên Xe đài nặng về nghệ thuật trình diễn. Các động tác của đầu, mình, tay, chân hoạt động khá tự do và cách điệu. Kết hợp với tiếng trống, tiếng quát gằn, tiếng vỗ tay , vỗ đùi và với cả cái quắc mắt, Xe đài tạo nên một giá trị thẩm mĩ cao về nghệ thuật vũ đạo, giá tri cao về tinh thần thượng võ. Xe đài là màn kết hợp tài tình giữa tình cảm và lí trí, giữa cái mềm mại uyển chuyển với cái kiên cường bất khuất. Như một cuốn sách, nó là lời giới thiệu hay nhất cho sới vật và cống hiến cho khán giả những cảm xúc thăng hoa tuyệt vời.

Từ ngàn xưa, ông cha ta vẫn dùng trống để thúc trận, để dạy võ, dạy vật. Tiếng trống liên hoàn rải theo nhịp ba, có thể vang xa tới mươi dặm. Chỉ cần nghe được tiếng trống thúc đầu xuân, là trẻ già, trai gái đã “gần xa nô nức yến anh đến với sới vật như đi trảy hội. Bắt đầu mở màn, để giữ nhịp cho Xe đài, đôi khi người ta sử dụng hai dùi và cả phần tang trống. Chính thức vào trận và tùy theo trạng huống trên sới, tiếng trống vang lên khi khoan khi nhặt, khi thì lại như “tiếng sắt tiếng vàng chen nhau”. Đặc biệt khi hai đô đã vào miếng, trống dồn mạnh, thúc liên hồi kì trận, tạo không khí hào hùng quật khởi cho cả sới vật. Với những đô hay lẩn đòn, không chịu lồng tay đôi tay tư, người ta dùng một cái trống tay (trống lưng) thúc bên tai để nhắc nhở… Vậy nên, tiếng trống đóng vai trò rất quan trọng: Nó là vật trung gian gắn kết giữa đô vật với khán giả; nó có mặt trên sới với tư cách như người trọng tài thứ hai và nó chính là linh hồn, là ngôn ngữ của làng vật.

Ngày xưa, tôi thường đi tới các sới quanh vùng xem vật và để lấy cảm hứng, hôm nay, tôi lại có mặt tại các sới vật hiện đại ở nước Đức, nhưng chưa ở đâu tôi thấy người ta biểu diễn một màn vật độc đáo, hiếm hoi như ở quê tôi. Đó là: “Vật bóng. Vật bóng là vật một mình, đô vật thượng đài nhưng không có đối thủ. Người được các cụ chọn vào vật bóng, phải là người biết võ vật và lại phải có khả năng diễn trò. Mọi người gọi là đô vật cũng được, mà gọi là diễn viên cũng được. Anh ta đóng khố cởi trần, đầu chít khăn đầu rìu, mặt vẽ vài nét chấm phá giống nhân vật hề trong sân khấu chèo. Bước vào Xe đài, động tác chân tay được anh ta kết hợp nhuần nhuyễn giữa sự bay bướm, hoa lá ngẫu hứng với các đòn thế quyền cước chính xác và mạnh mẽ.Vào trận, người vật bóng phải vật với một đối phương vô hình. Anh ta phải tự tạo ra nhiều tình huống và xử lý các tình huống như thật. Nào là lừa thế, nào là công, là thủ, gỡ đòn. Các miếng đánh thượng hạ hay kê, đệm, vét, bốc, xườn, bắt bò… đều được trình diễn theo phương pháp giả tưởng… Đặc sắc nhất là động tác uốn cầu vồng cổ (để tránh lấm lưng trắng bụng) và động tác dính miếng gồng bay người trên không, luôn được người xem vỗ tay khâm phục. Một tài năng không thể thiếu được nữa là, người vật bóng phải biết đưa ra các tình huống và động tác hài để gây cười cho khán giả. Chỉ vật với bóng mình, nên đô vật được tự do phóng tác những động hình lạ và mang tính phóng đại, tạo ấn tượng thẩm mĩ cao. Vật bóng là sự kết hợp hài hòa giữa kĩ thuật của võ vật cổ truyền và nghệ thuật biểu diễn kịch câm hiện đại. Nó tạo nên sự hòa quyện của văn hóa sân khấu với văn hóa đời sống. Đó là sự hòa quyện của con người với thiên nhiên, của cái đẹp, cái thiện với cái anh hùng…

Nhiều khi vật bóng lại làm nghiêng ngửa sới vật hơn là vật hình. Vừa được xem vật, vừa được xem kịch, ai mà chẳng thích.

Nguyễn Công Tiến   

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  • Công Tiến

    Văn Hiển thân mến, mình chưa rõ ý "chưa thuyết phục" của bạn. Tuy nhiên, nếu bạn đã đọc Phan Quỳnh thì bạn thấy rằng phần Xe đài mình và P.Quỳnh viết về cơ bản là giống nhau. Sau này, mỗi vùng miền khác nhau đôi chút vì thầy dạy vật mang dấu ấn riêng của mình vào sới vật.

    Ngôn ngữ cơ thể có trước ngôn ngữ nói, nên từ thời khai sinh, con người đã dùng ngôn ngữ cơ thể để giao tiếp xã hội. Mặt khác vì khiếp sợ uy lực của các hiện tượng tự nhiên và không giải thích nổi cac hiện tượng đó, con người sinh lễ bái cầu cúng dị đoan... và họ đem các nghi lễ này vào quá trình sinh hoạt Xã hội, để tỏ lòng thành kính và cầu xin với các hiện tượng siêu phàm của trời đất. Dạng văn hóa Folklore có nghi lễ tế thần, ở châu lục nào cũng đều có các hình thức như nhau cả.

    Cảm ơn bạn đã quan tâm.

      Công Tiến   22/01/2017 17:52
  • Loi Nguyen Cong

    Một trò chơi thể hiện tinh thần võ đạo và khí phách dân tộc đã được anh thể hiện trong MÙA XUÂN DẠO QUANH SỚI VẬT thật hợp cảnh, hợp thời thêm vào là bức tranh Đông hồ minh hoạ làm tôi ấn tượng quá .

    Cám ơn NGUYỄN CÔNG TIẾN .

      Loi Nguyen Cong   16/01/2017 19:17
    • @Loi Nguyen Cong Bạn thân mến! Vật, thực ra nó là môn huấn luyện chiến đấu của ông cha ta ngày xưa. Nay nó là môn thi đấu thể thao và đôi khi người ta cũng đưa nó vào trò chơi ngày tết. Cảm ơn Công Lợi qua thăm!

        Công Tiến   17/01/2017 07:36
  • Trần Văn Hiển

    Tôi rất tâm đắc với bài: Mùa xuân dạo quanh sới vật của tác giả Công Tiến - bài anh vừa cho "ra lò" hôm nay. Tôi dám chắc rằng, anh có thể nắm giải cao trong các bài viết về thể loại - các lễ hội truyền thống về làng quê Việt Nam.

    Nhân đây, tôi xin được tặng anh mấy vần thơ, qua bài:

    Vật bóng

    Làng tôi vật bóng tự bao đời,
    Già trẻ quây quần níu cuộc chơi.
    Lễ hội bao thôn đang khởi sắc,
    Xóm nghèo cái bóng vật vờ trôi !

    Berlin 16.1.2017
    Trần Văn Hiển
    E-Mail: hienthai0604@yahoo.de

      Trần Văn Hiển   16/01/2017 18:20
    • @Trần Văn Hiển Thân mến, cảm ơn bạn đã tặng thơ. Hóa ra quê bạn cũng có vật bóng?

      Có gì cần bàn thêm về môn này, cho mình biết để bổ khuyết cho bài nhé.

        Công Tiến   17/01/2017 07:42
      • @Công Tiến

        Xin gửi anh Công Tiến, phần sưu tầm dưới đây (vì cách giải thích của anh có thể chưa thuyết phục được tôi):

        Ra Giàng, Múa Hạc hay Xe Đài là một lễ nghi thành kính của các đô vật, và còn một hình thức khởi động của đô vật có mang tính dân tộc, vừa là cách trình diễn của đô vật với khán giả, tạo một không khí hào hứng lành mạnh trước khi vào cuộc đấu thực sự. Ngoài ra Ra Giàng, hai bên vờn nhau, còn đánh đòn tâm lý, gây cho đối phương tư tưởng hoang mang, giao động với những lối Ra Giàng hùng dũng, chân đứng hình con hạc, hay đứng theo kiểu con phượng nhích chân, con dang cất cánh hoặc con công múa xòe, cổ tay uốn lượn, ngón tay múa may mền dẻo, uốn éo, giống như những nghi thức tay Ấn tay Quyết của các thầy tế, pháp sư hay phù thủy. Có lẽ nó có nguồn gốc của lễ nghi Tế Thần sau những chiến thắng của các dân tộc Á đông thời thượng cổ bên ngọn lửa thiêng bập bùng trên thuyền chiến hay đồng nội ven ao hồ, sông biển. (Xem Luyện Võ của Phan Quỳnh).

        Phải chăng có sự liên hệ nào đó giữa những hình ảnh Ra Giàng hay Múa Hạc của các đô vật vùng đồng bằng Bắc bộ và bắc Trung bộ Việt Nam mà nhịp chân tiến lên lùi xuống ba bước, bước ngang hai bước với những cảnh chim chóc, cảnh người múa (múa võ?)õ chạm đúc trang trí trên trống đồng Đông Sơn, hay rõ hơn trống đồng Hoàng Hạ, Ngọc Lũ hay trên thạp đồng Đào Thịnh? Điểm đáng chú ý là động tác bàn tay những người múa trên trống đồng, thạp đồng đã được thể hiện một cách cường điệu, bàn tay xòe ra hình ba chạc to quá khổ so với người.

        (Một số các dân tộc ở Nam Á và ở châu Á hải đảo chạy dài từ phía nam quần đảo Nam Dương đổ lên vùng đa đảo cực bắc Thái Bình Dương cũng có những nghi thức Ra Giàng giống như các đô vật vùng châu thổ sông Hồng, sông Mã: nghi thức Kanbangan của các võ sĩ Pukalam Pentjack cổ điển ở Indonesia, ở vùng hải đảo Celebes, nghi thức Nagdadasal của các đô vật Dommoq nhóm bộ lạc Tagalog vùng đảo Luzon Phi Luật Tân, nghi lễ Suat-Mon hay Wai-Pá thành kính cầu nguyện lúc thượng đài của các võ sĩ Muay-Tai Thái Lan, các võ sĩ Tỷ-Môi xa xưa ở Ai Lao hay của các đô vật Sumo ở Hokkaido Nhật Bản).

          Trần Văn Hiển   17/01/2017 20:58

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Cảm nhận mới nhất
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây