Đang yên ổn ở thị trấn Cao Mại, không hiểu sao bố bầm tôi lại quyết định chuyển nhà lên khu vực ở cổng sau nhà máy Supephotphat Lâm Thao. Khu vực này rất thưa dân, người ta đang xây dở dang mấy ngôi nhà kiểu như cho công nhân ở. Bọn trẻ con chúng tôi không có việc gì làm, rủ nhau vào chơi, ngó nghiêng xem có cái gì dùng được thì nhặt nhạnh mang về. Thấy trên tường lủng lẳng một cái cầu trì để hở, chẳng hiểu nó là cái gì, sẵn tay đang cầm con dao nhỏ mất cán, tôi gõ nhẹ. Một cảm giác mà chưa bao giờ tôi được trải nghiệm – tê dại toàn thân trong một tích tắc đồng hồ – con dao bắn tung đâu mất. Sau gây phút hoàn hồn, tôi mới biết thế nào là điện giật.
Phía sau nhà tôi là đường tầu hoả. Đường này chỉ chuyên dùng cho chở hàng từ nhà máy ra ga Tiên Kiên. Nhà chú Thạch - cô Chản nằm cạnh nhà tôi, nhưng ở rìa ngoài, cách đầu hồi nhà chú ba mét là bạt ngàn nương sắn. Cả hai cô chú là bộ đội phục viên, họ là công nhân làm trong nhà máy. Chú Thạch kém bố tôi khoảng gần chục tuổi. Mỗi lần chú cởi trần ra làm việc, tôi mê mẩn bởi bộ ngực như Thạch Sanh của chú. Cô chú có thằng con trai tên Sinh, chừng ba bốn tuổi. Thằng này, tôi phục nó, khôn như thần đồng. Bếp nhà tôi làm riêng phía sau, từ nhà đi xuống bếp phải qua cái sân nhỏ. Một lần ăn cơm, bầm tôi nhắc nhở: Hôm qua, ai xuống lấy dưa mà để quên cái nắp vại dưa dưới đất! Mấy chị em tôi nhìn nhau, chẳng ai nhận. Hôm sau nữa, ngồi trên giường nhìn qua cửa sổ (phên nhà đan bằng nứa, cửa sổ chỉ khoét một ô vuông, rồi chống cái que tre lên) tôi thấy thằng Sinh khật khưỡng đi vào trong bếp. Tôi bám ngay và bắt quả tang nó đang bốc dưa ăn vụng. Mọi ngươi chạy túa ra, nhìn mặt nó nhem nhuốc nước dưa, không ai nhịn được cười. Bố tôi bảo: Thằng này thiếu chất chua.
Chú Thạch đi làm về, tôi hay sang chơi, vì tôi là Fan của chú. Hôm nào không đọc sách thì chú viết gì đó trong sổ tay. Một hôm chú hỏi tôi: Tiến có thích đọc thơ không? Chẳng hiểu thơ gì, nhưng tôi vẫn gật gật. Chú Thạch đưa cho tôi quyển sổ mà chú vẫn ghi chép. Về nhà, tôi lật từng trang. Toàn thơ chú làm, có bài ngắn, bài dài. Nhưng trong mấy chục bài thơ đó, tôi chép lại rồi thỉnh thoảng mang ra đọc, duy nhất một bài. Đó là bài “Cây xoan bên mồ mẹ”.
Hôm ấy là cái hôm gì?
Mưa tuôn trắng đất, đường đi ngập bùn...
Chú Thạch bảo: Quê chú đấy, mỗi khi có gió có mưa là đường làng lầy lên toàn bùn (quê tôi nào có khác gì, không có dép guốc nào đi được trong những ngày mưa gió. Đạp xe cũng không nổi với bùn). Chú viết bài thơ này dựa vào một câu chuyện có thật xảy ra trong làng. Năm 1953, khi đang chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân một ngày nhận được tin quê nha đã cải cách ruộng đất, gia đình nào cũng được chia ruộng, xúc động quá, chú đã viết ra bài thơ này.
Mẹ đun cho con niêu cháo
Mẹ mặc cho con chiếc áo lành
Sững sờ nước mắt vòng quanh
Lòng mẹ không đành tay dắt con đi
Con đã biết gì
Chỉ biết xa nhà, xa mẹ
Xa gốc xoan già chơi từ tấm bé
Quay đầu con hỏi khẽ:
Mẹ ơi mẹ, đi đâu?
Cha con chết rừng sâu
Không tiền mua cỗ ván
Đành bán con cho nhà giàu
Nhà nó nhà giàu, toà ngang dãy dọc
Nó nhìn con chòng chọc
Nó bóp, nó nắn, nó chê yếu chê gầy
Nó vắn tóc, sờ vai mặc cả
Trời còn mưa xối xả, mẹ đã vội ra về
Dụi mắt con nhìn theo
Dáng mẹ vừa khuất bóng, hai cánh cửa sập đóng
Từ đây ngày thang hao mòn!...
Đến đoạn này thì tôi quên... Nội dung mô tả nỗi đắng cay, khổ cực của đứa trẻ đi ở cho nhà giàu. Một thời gian sau, đứa bé nhận được tin mẹ ốm nặng.
...Nghe tin mẹ đuối hơi
Con hết lời van vỉ
Cúi đầu con nói khẽ: Mẹ chết thì đem chôn
Nó bảo: Có ăn được thịt người
Đem về mà chia cỗ
Con đã chịu nhiều khổ
Khổ này không chịu đâu
Con xé bụi luồn rào, con nhào về thăm mẹ
Cánh cửa vừa mới hé
Mẹ chỉ còn nắm xương!
Trên giường mẹ hấp hối
Mẹ nhìn con trăng trối, tất tưởi không thành lời
Mẹ biết con khổ lắm con ơi!
Mẹ đi rồi, ai người con kể khổ?
Thôi, con nén lòng chờ ngày Giỗ
Ra nấm mồ kể khổ
Mẹ phù hộ cho con
Cho con chóng lớn khôn
Tội nghiệp con tôi còn bé bỏng!
Bên ngoài trời cao lồng lộng
Xóm làng ơi! Mẹ tôi chết rồi!
Sân vắng người, lả tả lá xoan rơi
Mẹ đã đi mà đường còn u uất
Mắt đã nhắm mà còn tiếng nấc
Đến bây giờ con sực nhớ ra
Thân thể mười ba
Không cha, không mẹ, không cô, không bác!
Con kiếm cái chạc, kéo xác mẹ ra đồng
Xác mẹ trần không áo
Dưới trời mây ảo não, vùi mẹ vũng trâu đầm
Trời bỗng mưa lâm thâm, như không cầm nước mắt
Còn manh áo đang mặc
Con cởi ra đắp mặt mẹ đây
Con vỡ hòn đất cầy, đắp xây nấm mồ mẹ
Con trồng cây xoan tại chỗ
Dù trời mưa trôi nước đổ
Vẫn biết chỗ mẹ nằm, mẹ có xoan
Như xoan nhà thời mẹ sống quanh năm
Rồi trâu lại về cổng, lủi thủi con lại về
Khổ cực đầm đìa, nuôt cay ngậm đắng
Trăm năm nhớ lời mẹ dặn
Ra nấm mồ kể khổ, mẹ phù hộ cho con...
Đoạn này tôi lại quên tiếp...
...Bỗng một hôm ngày rằm tháng tám
Bưởi trên cành vừa rám một bên
Đội về xóm dưới làng trên
Xôn xao già trẻ như đêm hội hè
Khổ trước con căn răng không hé
Chỉ nói với đội, chỉ kể với xoan
Úp mặt con bồi hồi:
Đời tôi toàn nước mắt, đời tôi chỉ có khóc!
Đội lau nước mắt
Đội bảo hãy nuốt nước mắt vào lòng
Thù cha, thù mẹ, thù ông...
Đứng lên đối mặt mà trông thù này...
Đến đây thì tôi quên hẳn. Hình như cũng không còn nhiều, chỉ một đoạn kết nữa là hết bài thơ.
Cho đến tận hôm nay, vẫn nhớ được vài đoạn trong bài “Cây xoan bên mồ mẹ” của chú Thạch, đơn giản là khi ấy tôi cũng mười ba tuổi.
Những tháng năm đó, cả miền Bắc vẫn đang còn dư âm tươi mới của công cuộc “Cải cách ruộng đất”, nếu chú Thạch cho đăng báo, chắc sẽ nhận được sự hoan nhệnh nhiệt liệt của đông đảo bạn đọc. Nhưng hôm nay có khác đôi chút, người ta bắt đầu nói nhiều về những sai lầm của công cuộc này. Nhiều câu chuyện bi thương, ai oán của các gia đình bị đấu tố, bắt đầu được viết thành thơ, thành văn, đã được in trên các trang mạng, các báo hay xuất bản thành sách. Âu đó cũng là tiếng kêu cuối cùng cho những linh hôn oan khuất, thấu vọng tới trời xanh.
Có áp bức, có đấu tranh. Con người, chỉ khi bị chế độ áp bức cùng cực, chỉ khi họ không thể tiếp tục sống lầm than đắm đuối như vậy được nữa, thì họ mới phải vùng lên làm cách mạng. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, một khi họ nhận ra bộ mặt thật của cuộc đời.
Đẹp giàu như nước Pháp, nhưng chúng ta vẫn biết, đa có một Công xã Pari máu lửa.
Vùng lên! Hỡi các nô lệ ở thế gian
Vùng lên! Hỡi ai cực kho bần hàn!
Dễ hiểu một điều rằng, vì sao cuộc cách mạng nào cũng có nông dân tham gia, bởi vì hàng trăm nghìn năm nay, sống trong xã hội nào, người nông dân cũng mang một thân phận cực khổ bần hàn nhât . Đã là những người có cuộc sống ai oán, lầm than như hai mẹ con nhà no trong thơ chú Thạch, thì bất cứ cuộc cách mạng nào nổ ra, họ cũng sẵn sàng hiến dâng máu cua mình. Nhưng có một điều, người nông dân không thể ngờ được rằng, những cuộc cách mạng đó, chẳng qua chỉ là sự thay đổi cách thưc bóc lột này bằng bóc lột khác; thay đổi sự thống khổ nay bằng sự thống khổ khác cho họ mà thôi!
Nguyễn Công Tiến
Chú ý: Chỉ được đăng lại khi có sự đồng ý của tác giả!
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Ngày 24.07.2022, tại thủ đô Berlin (CHLB Đức) đã diễn ra buổi giới thiệu ba cuốn...
Cuộc thi Hoa Hậu Áo Dài Phu Nhân 2022 tổ chức tại Internationales Congress...
Chiều 11.08.2018 hơn 300 anh chị em, bạn bè, thân hữu từ khắp nơi trên nước Đức...
Cảm ơn anh Sa Huỳnh.Cảm ơn Báo NguoiViet.de. Đây là dạng bài viết mang Nội dung và Quan điểm tiến...
Bài viết của nhà văn Sa Huỳnh cho tôi hiểu thêm về ý nghĩa từ " mèo " trong dân gian ta .Xin cảm...
Cám ơn nguoiviet.de và tác giả Sa Huỳnh.
Theo cá nhân tôi, quan trọng nhất là minh bạch và...
mình đang muốn chụp ảnh cưới như thế này . cho mình xin thông tin ekip chụp ảnh ạ
mình xin cảm...
Cơ bản thông tin cho người đọc hiểu về nội dung
Còn lỗi sai sót quá trình dịch là chuyện...
Vụ việc Thủ Thiêm đang tạm thời lắng đọng thì các quan lại bàn đến việc cho thuê đất Việt 99 năm, thực tế đây là nhượng địa cho Tàu, con cháu chúng ta sẽ khó mà lấy lại sau gần 1 thế kỷ, vì người Trung Quốc sẽ từng bước di dân đến ở đầy vùng đó. Theo nguồn tin, Chính phủ Việt Nam dự định lập 3 đặc khu tại các tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa và Kiên Giang, mà các quan biện bạch là nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển kinh tế. Vì thế Quốc Hội đang bàn „Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc“. Những công dân quan tâm đến vận mệnh nước nhà, hãy lên tiếng phản đối việc làm nguy hiểm cho tương lai nước Việt này, kịp thời trước khi bộ luật bị các „nghị gật“ và các thế lực tham nhũng tìm cách cho thông qua. Sa Huỳnh – Berlin, 29.05.2018.
@Công Tiến: "Nhưng có một điều, người nông dân không thể ngờ được rằng, những cuộc cách mạng đó, chẳng qua chỉ là sự thay đổi cách thức bóc lột này bằng bóc lột khác; thay đổi sự thống khổ nay bằng sự thống khổ khác cho họ mà thôi! "
Chính vì thế mà những người nông dân đã nhịn ăn, nhịn mặc bằng mọi giá để cho con em của mình ăn học , mong sao đỗ đạt để được làm quan hoặc dùng tiền để mua quan, làm quan rồi thì cả họ được nhờ rồi tiếp tục nâng đỡ họ hàng lên làm quan nữa, đã làm quan thì phải có quyền trong đó quyền bóc lột người khác được hiểu như là lẽ đương nhiên?!. Rồi những người bị bóc lột lại tìm cách vùng lên để làm quan và rồi lại đi bóc lột tiếp ...Cứ như vậy cái vòng tròn luân hồi ấy đã tồn tại cả ngàn năm rồi kể từ khi loài người biết tổ chức ra cách cai trị nhau.
...
Bản năng của sinh vật là chiếm hữu và cai trị,loài người là động vật phát triển ở mức cao nhất nhưng bản năng thì không thay đổi, vì có tư duy cao nhất nên con người hành động luôn là chính xác theo những âm mưu đã được chuẩn bị.Trải qua biết bao nhiêu cuộc cách mạng loài người luôn tự cho mình là khôn ngoan,là văn minh là tiến bộ nhưng có biết đâu họ đã tự tạo ra một cái vòng luẩn quẩn giữa bản năng (là chiếm hữu - cai trị) và lý trí (là tự do – công bằng) hai khái niệm này luôn tồn tại và đối nghịch nhau .Tranh dành chà đạp lên nhau,triệt hạ lẫn nhau để rồi những ân oán ,thù hận truyền kiếp muôn đời.
Loài người quả thật đáng thương.
@Hoàng Linh . Dù văn minh đến mấy, có lẽ con người cũng vẫn không thoát khỏi quy luật đấu tranh sinh tồn.
Bài viết của Công Tiến hay, cảm động vì kiếp sống của những thân đời quá khổ và bất hạnh. Ngày xưa có cải cách ruộng đất, một sai lầm đã chôn vùi tức tưởi bao oan linh, nhà nước đã có lời nhân lỗi trước nhân dân. Ngày nay, những giọt nước mắt lại đổ xuống, rải rác khắp nơi trên quê hương thống nhất, vì bọn quan tham cướp rừng, cướp đất, chặt cổ thụ, cướp cả „sổ tiết kiệm“ trong nhà băng, hủy hoại môi trường, gây chết sông biển, làm tan tành nền giáo dục, đạo văn, bằng dỏm, tiến sỹ ma ngồi bên giáo sư giấy, giết lần mòn trẻ em và người lớn bằng thực phẩm bẩn, đập nát chùa chiềng, bẻ gãy thánh giá, bắn tung tượng Mẹ, làm thui chột trí thức và những khao khát của họ về một đất nước Việt Nam tiến bộ. Và mới đây, dân Thủ Thiêm đã bò lăn ra kêu khóc, than Trời, lạy Đất, vì các quan đang mờ ám chia chát nhau vùng đất kim cương bên kia thành phố Sài Gòn, đẩy họ vào tận cùng địa ngục. Vì vậy câu kết trong bài viết của Công Tiến đã nói lên tất cả: „... người nông dân không thể ngờ được rằng, những cuộc cách mạng đó, chẳng qua chỉ là sự thay đổi cách thức bóc lột này bằng bóc lột khác; thay đổi sự thống khổ này bằng sự thống khổ khác cho họ mà thôi!“.
Tôi hay đọc các bài viết của Công Tiến, nhưng qua bài này tôi thấy có những xúc cảm gần gũi với cuộc sống hơn. Cảm ơn tác giả và báo NguoiViet.de.
Sa Huỳnh – Berlin, 14.05.2018.
@Sa Huỳnh: Thực trạng VN hiện nay có nguyên nhân từ mục đích "tiến lên XH CN" phải chuyển đổi sang "kinh tế thị trường định hướng XHCN". Một cái giá phải trả là: Làm hư hỏng nhiều đời cán bộ lãnh đạo; đẻ ra nhiều doanh nhân và ngân hàng hoạt động theo kiểu lưu manh hoang dã.
@Công Tiến Tôi đang tìm Tiến cho một người Bạn về Tập truyện của Bạn gửi cho họ, Hãy liên lạc với tôi nhé. Chính.