Cao Nhật Minh (Berlin): Tạm biệt Anh, Hùng Ê Dốp (Hùng Gurst)
Thứ tư - 22/02/2017 12:03
LTS: Nhà văn, phiên dịch, biên dịch viên tiếng Đức Nguyễn Tiến Hùng Gurst qua đời đã để lại nhiều nuối tiếc trong lòng người thân và bè bạn. Được sự đồng ý của tác giả, chúng tôi xin giới thiệu những dòng hồi ức đăng trên trang FB cá nhân của tác giả Cao Nhật Minh, một người bạn lâu năm của ông Hùng Gurst.
Sinh thời, ông Hùng Gurst rất say mê đàn hát.
Có lẽ do anh biết và hay kể nhiều chuyện ngụ ngôn, nên ở Việt Nam hồi đó bạn bè hay gọi anh như vậy. Nhớ lần đầu gặp anh trên đồi Ba Huyện, Bắc Ninh, hồi Tháng Bảy năm 1982, khi đưa tiễn chúng tôi chuẩn bị sang Đức, anh nheo mắt mỉm cười nói, chúng mày sướng, thế là chuẩn bị nhìn thấy hình „đất nước“ nhé, còn tao thì vẫn „mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây“. Chúng tôi ngớ ra không hiểu ý anh định nói gì. Một lúc sau anh giải thích với giọng buồn và hài ước, những chiếc đùi gà nướng bên Đức mà chúng mày sắp tới được ăn, rất giống hình bản đồ Việt Nam. Còn ở đây mọi người đang „thưởng thức“ món bột luộc hình mặt trăng. Trước khi ăn tao không dám „xơi“ ngay mà „mơ“ được cái thứ hai, và đưa lên mũi ngửi để cảm nhận được hết cái ngon của nó. Đấy chính là nhà thơ đang ngắm „Trăng“ đấy. Chúng tôi ồ lên và lăn ra cười. Ngay từ lần đầu gặp mặt, anh đã để lại cho chúng tôi một ấn tượng về „duyên nói chuyện“.
Đất nước trong thời kỳ bao cấp thiếu thốn vô cùng. Anh kể, chúng mày có biết không, cạnh nhà tao có một gia đình, tình cờ tao sang thăm, thấy ông ta dùng tăm nhét cơm, rau và muối vừng vào kẽ răng, tao ngạc nhiên hỏi. Ngần ngừ một lát ông ta nhẩn nha trả lời, rằng làm thế tí nữa đi ra ngoài „vô tình“ cười, để nhà bên cạnh biết, gia đình vẫn còn „của ăn, của để“, lòe hàng xóm là mình có tài vẫn kiếm được „một chút“dinh dưỡng cho gia đình. Thế mới biết tính sĩ diện thời bao cấp như thế nào.
Chúng tôi được anh kéo ra „quán gió“ ở Thị xã Bắc Ninh chiêu đãi món „kẹo lạc, trà chén“ muôn thủa. Thấy có cây đàn ghi ta của ai gửi nhờ cô hàng nước trông hộ, anh cầm lên gẩy và hát. Có thể nói rằng trong đời tôi, chưa thấy ai hát bài Nguyễn Viết Xuân, Bế Văn Đàn hay đến như vậy. Giọng hát anh thật truyền cảm. Không biết các anh, chị có bao giờ nghe bài hát mà trong người có một cảm giác lạnh chạy từ đầu đến chân hay chưa? Hôm đó tôi đã được trải ngiệm, thật tuyệt vời. Cô gái bán nước ngẩn tò te ra nghe và sau đó nhờ anh mà chúng tôi được một chầu kẹo lạc nữa không phải trả tiền.
Anh Hùng tham dự một sự kiện ở Việt Nam năm 2008.
Sau mấy tháng đang học tiếng Đức ở Schlema, Aue, một hôm chúng tôi đang đánh bóng bàn thì bất ngờ thấy anh xuất hiện. Thật là vui khi gặp anh trên nước Đức, chúng tôi ôm chầm lấy nhau nhảy múa, hát hò ầm ĩ làm cho mấy người Đức chủ nhà tưởng mấy thằng Việt Nam đang bị “hội chứng chiến tranh“ hành hạ, họ mỉm cười thông cảm. Anh đi cùng một cô bạn gái người Đức xinh đẹp. Điều ngạc nhiên là cô gái đánh đàn ghi ta và hát nhiều bài tiếng Việt rất sõi. Lúc đó chúng tôi nghĩ, bố này giỏi „cua“ gái thật. Về sau mới biết anh đã quen cô từ lâu rồi, từ khi anh sang Đức lần đầu học ngành in năm 1976.
Những năm tháng thời Đông Đức anh em ta động một tý là liên hoan, một tuần ít nhất là ba lần, say triền miên. Ông nào ông đấy mặt đỏ tưng bừng và nổ như pháo Bình Đà. Nhưng có một điều lạ là, khi nghe tiếng hát của anh chị mọi người đều im lặng lắng nghe và bỗng lạc vào giấc mơ của mình. Tôi còn nhớ mãi những bài hát của ban nhạc Rote Gitarren, Über sieben Brücken musst du gehen của Karat, ein Haus in New Orleans, sag mir wo die Blumen sind... Tiếng hát anh, chị thật truyền cảm, nó làm cho từ góc sâu trong trái tim ta bỗng nhớ đến và thiết tha yêu một cái gì đó mà mình không hiểu nổi. Sau này cô gái đó trở thành người vợ đầu của anh.
Anh sinh ra ở Đức Xá, Đức Thọ, Hà Tĩnh, mảnh đất mà có một nhân vật nổi tiếng Việt Nam nói, con người vùng đó thông minh tài giỏi nhưng hay “làm loạn“. Có lẽ lời nói đó ứng với số phận và tính cách của anh sau này.
Năm 1972 anh nghe theo tiếng gọi „vì Miền Nam ruột thịt, đường ra trận mùa này đẹp lắm“ đã cứa tay lấy máu viết thư tình nguyện xin đi bộ đội. Về sau trong những truyện ngắn viết bằng tiếng Đức, anh kể lại những năm tháng máu lửa ở thành cổ Quảng Trị, nơi mà “quân ta chiến đấu chống quân mình“, thật là bi thương.
"Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi hòa sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm".
(Lê Bá Dương)
Chỉ qua mấy câu thơ đủ biết rằng có bao nhiêu thanh niên thế hệ anh đã mãi nằm xuống trên mảnh đất Quảng Trị và dòng sông Thạch Hãn mến thương. Người ta đồn nhau rằng, vào những đêm thanh vắng, họ nghe thấy những tiếng kêu khóc của những người lính từ hai phía „Mẹ ơi con đau quá, cứu con với mẹ ơi“ vang vọng trên dòng sông bàng bạc ánh trăng lẫn trong những tiếng vỗ nhẹ của sóng. Trong những truyện ngắn anh viết bằng tiếng Đức, chúng ta thấy tình cảnh của những người lính đau đớn bao nhiêu ? Nhiều lúc phải bắn vào những người anh em ở phía bên kia, „một nhà chia Ta Địch khóc U Oa, đốt cả giẫy trường sơn mà được thế, những chiến hào xẻ nát cuộc đời hoa“. Có lúc người lính hai bên chiến tuyến, nhìn thấy nhau, đáng ra bóp cò, thì lại „bơ“ đi, như không nhìn thấy gì. Anh đúng là nhà văn Lính, với những tình cảm yêu hòa bình và giá trị con người từ hai phía.
Khi sang Đức lần thứ hai năm 1982, anh làm phiên dịch cho một đội lao động, một thời gian sau 1988 đến 1991 anh lại tiếp tục đi học Ngôn ngữ và Văn học Đức ở trường đại học Leipzig.
1992-1993 anh nhận được học bổng ở Viện văn học Akademie Schloß Solitude, Stuttgart.
Năm 1991 anh là người đồng sáng lập và một trong những biên tập viên và tác giả chủ chốt của Tạp chí Đối Thoại (Tạp chí Văn hoá - Xã hội song ngữ Đức-Việt).
Một trong những truyện của anh đã được chuyển thành phim, được chiếu trên kênh ZDF năm 1993. Những tác phẩm của anh được viết bằng tiếng Đức, được in trong nhiều tập truyện ngắn của Đức.
Một trong những truyện tiếng Đức của anh.
Anh cũng hay thích giúp mọi người, nhiều lúc đi dịch gặp khách không có tiền anh cũng cho qua, vì vậy mà cuộc đời anh không bao giờ được dư tiền bạc để gia đình sung túc.
Tiếc rằng trong cuộc đời của anh cũng có những hố đen khủng khiếp, tài và tật bao giờ cũng đi liền với nhau. Vì biết anh thích văn, thơ, mơ mộng, và yếu đuối, nên một số người quen và bạn bè đã đưa anh vào những cuộc vui bất tận. Ngày qua ngày, tháng năm trôi đi, sức anh xuống một cách kinh khủng. Sức tàn lực kiệt, bộ phận hô hấp của anh gần như không hoạt động được nữa. Lần cuối gặp anh, nhìn tôi với ánh mắt mệt mỏi, có lẽ biết mình khó qua lần này, anh vẫn đùa nói, chú biết không, cái chết là bắt đầu của sự sống mới đấy. Chịu bố thật, đúng là „Hùng E Dốp“. Nắm lấy tay tôi, anh nói, nếu anh có cái gì không phải với chú và mọi người, hãy thứ lỗi cho anh. Và anh cũng thứ lỗi cho tất cả những ai đã gây cho anh những phiền muộn và đau khổ.
Cũng may là về sau anh đã tìm được một người vợ tuyệt vời. Chị là giáo viên, cháu của một vua bản Thái ngày xưa ở Sơn La. Bố chị là Hiệu trưởng Trường Đại học Trần Quốc Tuấn (Trường Sĩ quan Lục quân 1). Với tấm lòng phúc hậu của người phụ nữ miền cao, chị đã giúp anh vượt qua bao nhiêu khó khăn về sau này. Chị đã cho anh tìm lại được những giây phút hạnh phúc bên gia đình. Dù sức lực không còn nhiều, anh vẫn cố cầm đàn, hát tặng chị „Bài ca người giáo viên nhân dân“. Nghe anh hát, từ trong khóe mắt chị những giọt nước mắt từ từ lăn chậm xuống đôi gò má chưa kịp trang điểm. Chị mỉm cười quay mặt đi, dùng ngón tay khẳng khiu lau nhanh khóe mắt. Tôi nghĩ, có lẽ đấy là những giây phút hạnh phúc hiếm hoi của cuộc đời chị.
Dù sức lực không còn nhiều, anh vẫn cố cầm đàn, hát tặng chị „Bài ca người giáo viên nhân dân“.
Anh ra đi vĩnh viễn vào tuổi 63. Nhìn anh nằm im lìm trên giường bệnh trắng tinh, tôi có một cảm giác bồi hồi, xót xa. Giá như anh biết giữ gìn sức khỏe thì đâu đến nỗi này. Mong cho linh hồn anh sớm nhẹ nhàng siêu thoát, nơi cõi vĩnh hằng ngàn thu yên nghỉ.
Thế là một người thân của mình đã ra đi vĩnh viễn. Bên cửa sổ nơi tôi viết bài, những cánh hoa Đào còn sót lại của Tết Nguyên Đán đang rơi lả tả. Trong tai tôi còn văng vẳng câu hát „giữa chỗ đông xa lạ, tìm anh vọng theo tiếng hát“.
Berlin, 17.02.2017
Tác giả bài viết: Cao Nhật Minh - NguoiViet.de
VÀO LÚC (((((( 16 GIỜ 16 PHÚT)))))) TỨC Ở TRÊN CÕI THƯỢNG GIỚI TỨC CÕI NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ HIỂN 2 VỊ HOÀNG TỬ ĐANG TRANH TÀI TRANH NGÔI (NGỌC ĐẾ) KHI...
Xin chia buon cung gia quyen. Mong anh sieu thoat noi mien cuc lac.
Nhan danh ca nhan toi, dai dien cho anh Tran ngoc Binh va mot so anh chi em cung dong huong Quang Ninh cua doi may Brandenburg gui loi chia buon sau...
Theo tôi nghĩ , những người thân chết ở Viêt Nam có liên quan gì với cộng đồng ở Đức nói chung và Berlin nói riêng mà phải lên thông báo. Tôi cảm nhận...
BTC Tang lễ thành tâm xin lỗi . Do Tang gia đưa địa chỉ nhầm nên chúng tôi đã đăng Cáo phó sai. Đây cũng là do không lường hết được những lỗi nhỏ....
Gia đình chân thành cảm ơn sự chia sẽ và giúp đỡ của Báo nguoiviet.de đã đăng tải thông tin và giúp đỡ gia đình chúng tôi trong Tang lễ của Anh chúng...
Xin chia buồn cùng Dung và 2 cháu. Tôi đã mất đi 1 người bạn tri kỷ, một người anh thân thương, một người đồng nghiệp đầy kinh nghiệm.
Xin chia buồn cùng gia đình. Mong hương hồn anh sớm về niềm cực lạc
Xin chia buồn cùng gia đình bạn Trần Mạnh Thái.
Yên nghỉ trên cõi Vĩnh Hằng bạn nhé!
Các bạn lớp 5-6-7C Trưng Vương rất nhớ bạn.
Rất đau lòng và thành kính phân ưu cùng gia quyến anh Trần Mạnh Thái !