Trẻ em Việt bị lạm dụng tình dục khi làm nô lệ trong trại cần sa ở Anh

Thứ sáu - 28/10/2016 22:01
Sau khi những kẻ buôn người đưa T tới một trại cần sa ở Anh, em bị ngược đãi, bỏ đói và buộc phải nhai cần sa thay thức ăn.
Một trại cần sa ở London. Ảnh: Reuters
Một trại cần sa ở London. Ảnh: Reuters

Trong khi chính phủ Anh bắt đầu chuyển hàng trăm trẻ vị thành niên không có người bảo hộ tại Jungle - khu lều trại tạm bợ của người tị nạn ở Pháp - tới nơi khác, Tổ chức quốc gia phòng chống nạn tàn bạo với trẻ em (NSPCC) của Anh cho hay, hoàn cảnh của rất nhiều trẻ em Việt Nam đang tá túc tại đó đã bị ngó lơ. 

Jungle, trại gồm 7.000 người di cư trong đó có khoảng 1.300 trẻ em, là nơi những kẻ buôn người che giấu các nạn nhân nhỏ tuổi, trong đó có cả những trẻ em người Việt Nam trước khi đưa các em tới Vương quốc Anh qua eo biển Manche.

Sau hành trình đó, các em được đưa tới các trại cần sa – thực chất là những ngôi nhà tồi tàn, bẩn thỉu và nằm bí mật trong các thành phố. Thậm chí các em còn thường xuyên bị lạm dụng tình dục. Nhưng giải quyết tình trạng này "hiện không phải là vấn đề ưu tiên" của chính phủ Anh, theo bà Swati Pande thuộc tổ chức NSPCC.

NSPCC thành lập Trung tâm tư vấn về vấn nạn buôn bán trẻ em (CCAT) vào năm 2007 và kể từ đó đã phồi hợp với chính phủ và các tổ chức phi lợi nhuận khác để giải cứu hơn 1.600 trẻ bị bắt làm việc tại các trại cần sa, theo Asia Times.

"Khoảng 20% trường hợp là trẻ em Việt Nam. Trong năm ngoái, chúng tôi đã giải cứu 90 trẻ Việt Nam khỏi đường dây buôn lậu", bà Pande cho hay.

Thông thường, các em được đưa khỏi Việt Nam bằng máy bay để tới Trung Quốc hoặc Nga rồi bắt đầu hành trình dài vài tuần để tới Calais (miền bắc nước Pháp). Sau đó, các em lại chờ trong các trại tạm bợ để được chuyển lậu, thường là bằng xe tải, vào Anh. Tại đây, các nạn nhân người Việt Nam phải trồng cần sa, làm việc như nộ lệ và thậm chí bị lạm dụng tình dục.

Bị ngược đãi, bỏ đói và đành ăn cần sa trừ bữa

Dù cần sa được xem là bất hợp pháp ở Anh kể từ năm 1928, theo thống kê của Cơ quan Theo dõi Ma túy Độc lập (IDMU), ước tính có tới 2,7 triệu người tiêu thụ hơn 1.000 tấn cần sa với số tiền gần 6 triệu bảng Anh mỗi năm, theo Reuters.

Cảnh sát London thừa nhận, cần sa tiêu thụ tại Anh là "cây nhà lá vườn" và chỉ trong 4 năm từ 2008 tới 2012, số lượng các nhà máy sản xuất cần sa tăng hơn gấp đôi lên gần 8.000. Các trại cần sa nằm rải rác khắp đất nước và cách xa các thành phố lớn để tránh radar theo dõi của lực lượng cảnh sát.

Báo cáo gần đây về nạn buôn bán trẻ em do tổ chức từ thiện Salvation Army công bố hồi tháng 10 đã mô tả cuộc sống kinh hoàng của T– một thiếu niên Việt Nam – trong trại cần sa ở Anh. Cha mẹ của em T qua đời khi em chưa tròn 11 tuổi. Em được một tu viện nhận nuôi sau đó.

Do đòi nợ gia đình T không được, một nhóm xã hội đen đã bắt cóc, trói T và cắt đứt các ngón tay em để cảnh cáo và đòi tiền chuộc. 

Sau đó T bị một kẻ buôn người Trung Quốc bắt cóc và đưa tới Anh trên thùng sau của xe tải. Tại trại cần sa, T bị ngược đãi, bỏ đói và thậm chí em buộc phải nhai cần sa thay thức ăn. 

Cậu bé được giải thoát trong một cuộc đột kích của cảnh sát và đưa em vào danh sách foster-care - chương trình bảo trợ tạm thời cho những trẻ em, thiếu niên mồ côi.

Nhưng sau đó, trong một lần tới trung tâm mua sắm, em lại bị một gã đàn ông Việt lừa gạt. Người này ép T làm việc như một nô lệ, liên tục đánh và nhốt em vào ban đêm. Sau đó, gã này bán em cho nhóm người làm việc ở một nhà kho.

Vào một ngày, T xin đi rửa xe và sau đó trốn thoát khỏi nhà kho. Em lập tức chạy tới đồn cảnh sát. Khi ấy, T 18 tuổi.

Năm 2013, em được đưa tới một trung tâm phục hồi dành cho những người bị bắt làm nô lệ (thuộc sở hữu của chính phủ Anh). Tuy nhiên, theo nhân viên của trung tâm, T vẫn canh cánh nỗi lo rằng em sẽ gặp lại kẻ buôn người năm xưa. Vào một ngày, cậu rời trung tâm để đi mua sắm và rồi không trở về nữa. Họ cũng không tìm thấy em kể từ đó.

Theo số liệu về nạn buôn người do Cơ quan phòng chống tội phạm quốc gia của Anh (NCA), số các vụ án hình sự liên quan đến buôn bán trẻ em Việt Nam cao thứ 2, chỉ sau Slovakia.

Tuy nhiên, trong khi trẻ em Slovakia bị bọn buôn người lợi dụng để đòi tiền trợ cấp, trẻ em Việt Nam thường bị chúng đưa tới những trại cần sa. Trong số 49 trường hợp nghi là nạn nhân của nạn buôn người Việt Nam mà NCA theo dõi vào năm 2014, 47 người làm việc trong các trại cần sa, và hơn một nửa số đó là trẻ em.

Nguồn tin: tintuc.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Cảm nhận mới nhất
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây