Sa Huỳnh (Berlin): CÂU CHUYỆN "ĂN TẾT" TRONG LỀU BẠT Ở BERLIN

Thứ năm - 02/02/2017 04:34
Sau "Tết cộng đồng" ở Berlin chúng tôi nhận được nhiều bài viết có những quan điểm rất khác nhau nhưng đến nay chưa đăng được bài nào. (Vì đa số các bài viết này là copy từ những Stt FB viết vội vàng, sơ sài dưới dạng cung cấp thông tin và trình bày quan điểm, BBT phải tự viết lại nếu muốn đăng, mà chúng tôi lại không có thời gian để làm việc đó. Mong các tác giả đã gửi bài thông cảm). Hôm nay chúng tôi xin giới thiệu một bài viết hoàn chỉnh của tác giả Sa Huỳnh để cộng đồng cùng góp ý xây dựng cho các sự kiện sắp tới ngày càng tốt hơn.
Ảnh: Lều bạt nơi diễn ra đêm văn nghệ Xuân yêu thương ngày 24.01.2017 tại TTTM Đồng Xuân Berlin. Ảnh: Quang Chí
Ảnh: Lều bạt nơi diễn ra đêm văn nghệ Xuân yêu thương ngày 24.01.2017 tại TTTM Đồng Xuân Berlin. Ảnh: Quang Chí

Vì có việc đi xa, rời Berlin một tuần trước Tết, tôi không có dịp tham gia vào các tổ chức "ăn Tết" của cộng đồng, đặc biệt là tham gia vào chiều văn nghệ đầy ấn tượng ở TTTM Đồng Xuân.

Ấn tượng là phải, vì tôi đã biết một số thông tin rất thú vị, trước khi đi xa, cũng như nghe được nhiều mẫu chuyện, cũng thú vị, được bạn bè kể lại, sau khi về lại Berlin.
 
Cái thú vị thứ nhất là cái lều bạt gây ấn tượng. Sẽ rất ấm, lớn và đẹp. Có sức chứa hơn ngàn người. Giá thuê dựng, nghe nói, hơn 24 ngàn Euro. Có người cho rằng, nếu kể cả luôn âm thanh, ánh sáng, sân khấu, sưởi ấm, bảo hiểm, vân vân... thì giá của nó lên đến ba chục ngàn chứ chẳng đùa.
 
Cái thú vị thứ hai gây ấn tượng là lần đầu tiên, Đại Sứ quán hợp tác tổ chức Tết với các doanh nghiệp thành công và giàu có, chủ yếu là ở TTTM Đồng Xuân, ngay trên bãi đỗ xe rộng lớn, ngoài trời mùa Đông vô cùng giá lạnh. Không giống như những lần trước, nhà nước bỏ tiền thuế của người dân ra chi trả, thuê các hội trường ấm cúng và trang trọng, để "ăn Tết" chung với khách ngoại giao và bà con.
 
Cái thú vị thứ ba, lần này BTC - thông qua phương tiện truyền thông báo chí - mời toàn thể mọi người và mọi hội đoàn đến tham gia, trong tinh thần đoàn kết cộng đồng, cùng hướng về một "Mùa Xuân yêu thương".
 
Khác với những lần trước, lúc đó giấy mời được gởi đến từng người được chọn lựa, dù chẳng ai biết ĐSQ dựa theo cái tiêu chuẩn gì để chọn. Người được mời lẫn người không được mời đều vô cùng... áy náy. Riêng tôi, có lần được mời, có lần không, chẳng biết vì sao, nên chỉ nghĩ đơn giản là do "lỗi kỹ thuật" của BTC.
 
Cái thú vị thứ tư, lần đầu tiên kết hợp văn nghệ giao lưu, giữa "cây nhà lá vườn" của cộng đồng người Việt ở Đức, với đoàn văn nghệ chuyên nghiệp Bông Sen, từ Sài Gòn sang biểu diễn. Và trước khi trình làng, các đội "cây nhà lá vườn" còn được BTC mời tới trước, để tập dượt cho... thuộc bài và ăn khớp với âm nhạc, một cách rất kỹ càng và chuyên nghiệp.
 
Cái thú vị thứ năm, đó là việc, ngài Đại sứ Đoàn Xuân Hưng - trong cương vị Trưởng Ban tổ chức lần này - đã tạo được cơ hội tiếp xúc với đông đảo bà con, nhằm tăng thêm tình nghĩa với đồng bào mình, và qua đó, ngài sẽ hiểu những tâm tư cùng nguyện vọng của họ hơn.
 
Tôi còn nhớ, một lần ngài đứng cùng tôi trên sân khấu tại Đồng Xuân Quán trong dịp quyên góp cứu lụt miền Trung, ngài bảo với tôi, trước mặt đông đảo khán giả rằng, lần đầu tiên ngài được quen biết tôi, và rất mong tôi có những bài viết, hoặc sáng tác, để kết nối cộng đồng hơn nữa, tăng thêm tình đoàn kết giữa người Việt tại Đức với nhau.

Và bởi vậy, mà dịp "ăn Tết" lần này tôi thấy vui, vì là cơ hội để chính ngài thực hiện lời nói ấy với tôi và với tất cả mọi người.
 
Tôi cũng còn nhớ, cách đây hai hay ba năm, anh Nguyễn Văn Hiền - là Phó Ban tổ chức Tết lần này - mời tôi đến văn phòng vào dịp cuối tuần để "nói chuyện chơi". Lần ấy, sau vài cốc rượu sừng, do chính tay anh mài trong cái đĩa sứ, ân cần mời tôi thưởng thức, anh tâm sự đại ý, hơi buồn về chị Hoàng Anh, là Bà Đại sứ lúc ấy, về công tác cộng đồng. Bởi vì hình như chị ấy "ngại tiếp xúc", nên trong thời gian làm Đại sứ, chị ít khi chịu "xuống" giao lưu rộng rãi với bà con, dù là anh đã nhiều lần trực tiếp góp ý.
 
Thế cho nên trong dịp "ăn Tết" lần này, mọi người trong cộng đồng ai cũng khấp khởi chờ đợi, trong hy vọng pha lẫn vui mừng. Và rồi ngày "ăn Tết" diễn ra đúng theo dự phòng: một cái lều to đùng, được dựng trên bãi đỗ xe của TTTM Đồng Xuân.
 
Báo chí cộng đồng - với phương tiện truyền thông hiện đại - thi nhau phát tin sốt dẻo từng giờ, từng phút, nhằm tường thuật chi tiết quá trình căn lều, dựng bạt. Lúc nào thì dựng lên, xong ở giai đoạn nào rồi. Lúc nào thì bắt đầu thổi lò sưởi vào để hâm nóng căn lều. Nhiệt độ từ 0 đạt đến 20 độ là lúc nào, vân vân. Tường thuật chi tiết như là một sự kiện lớn trọng đại, kiểu như sự chuẩn bị hoành tráng của cơ quan NASA của Mỹ, để phóng phi thuyền vào vũ trụ lên... hỏa tinh. Một sự kiện có một không hai trong lịch sử xã hội người Việt ở Đức, à không... ở Berlin, hay đúng nghĩa hơn là... ở tại TTTM Đồng Xuân!

Chương trình "ăn Tết" gồm 2 phần. Phần đầu là giao lưu văn nghệ hội đoàn "cây nhà lá vườn". Bắt đầu tầm 15 giờ chiều ngày thứ Ba, 24.01.2017. Cô bạn của tôi, người trong đội văn nghệ cho biết, bởi còn quá sớm của một ngày trong tuần như thế, nên khán giả lúc đầu thưa thớt. Cũng dễ hiểu thôi, vì khi ấy bà con đang quần quật lo làm ăn, bán quần, bán áo, bán hoa, xào mì, lắc chảo, chạy xe giao hàng, đóng gói... tất bật.

Cô bạn tôi đoán chừng từ khoảng 150 đến 200 người. Họ tha hồ chọn chỗ ngồi "thoải mái", trong một căn lều rộng lớn như trong rạp xiếc.
 
Cô còn bào: "Anh Sa Huỳnh ơi, trong lều lúc ấy tương đối lạnh. Dù có một ông nhà báo nào đó phóng đại lên đến 21 độ, nhưng thật ra chúng em lạnh lắm. Áo dài em chọn mặc vào người em đẹp là thế, nhưng phải choàng cái áo khoác to tướng bên ngoài, thật phí. Chưa kể khi bọn em đi lâu trên cái sàn, dù có lót thảm, nhưng cứ lạnh cóng hết cả đôi chân!"
 
Qua điện thoại, ngừng một lát cô lại cười vang: "Mở áo khoác, chăn bông, mền dạ trên mình ra khoe sắc đẹp để có mà... ốm à! Hihihi... ".

 
Ảnh chụp màn hình Live-Video của Lê Tuyến lúc 15h27 ngày 24.01 cho thấy trong hội trường khá lạnh, không phải như có "một ông nhà báo nào đó phóng đại lên đến 21 độ".

 
Một cô bạn khác cho biết, bằng giọng đùa vui: "Theo chương trình, em được nghe một chị hát bài 'Quê hương là chùm khế ngọt... cho con trèo hái mỗi ngày', thế nhưng người dàn dựng chương trình không chịu rà soát trước đó hay sao í, cho nên sau khi chị này hát xong, đến màn biểu diễn áo dài lại cho người cũng hát lại bài này. Vấn đề trầm trọng thêm, trong phần hai của đoàn văn nghệ Bông Sen, lúc ấy số lượng khán giả đã đông kín hội trường, trên dưới độ ngàn người, một ca sĩ khác cũng 'trèo lên hái khế' thêm một lần nữa, sau hai người ấy. Trời đất ạ, em làm khán giả ngồi dưới xem, cũng thấy khổ cho thân cây khế liêu xiêu, bị trèo tới ba bận, chắc là phải te tua, ngã nghiêng rụng hết lá. Chưa kể là trái còn đâu mà hái nữa, hả anh Sa Huỳnh. Riêng khán giả như bọn em thì nhức hết cả tai, vì bị... bội thực âm nhạc. Chưa kể là chất lượng của đoàn Bông Sen, lần này đã không lôi cuốn được mọi người. Em và một số đông đã ra về, sau ba hay bốn tiết mục biểu diễn của họ. Hihihi..."

Sau tiếng cười vang, cô khán giả nói tiếp: "Em thừa biết, để tham gia văn nghệ thành công, nhiều anh chị em tốn rất nhiều công sức. Thì giờ tập dượt phải bỏ ra hai hay ba lần. Tạm dẹp hết chuyện nhà, chuyện làm ăn, chuyện con cái, qua một bên. Bỏ tiền túi ra sắm sửa quần áo, son phấn và kỹ thuật. Em quan sát thấy, anh chị đến biểu diễn thì lạnh lẽo, đói meo cả ruột, hát khàn cả cổ... Thế mà sau khi hoàn thành nhiệm vụ, cống hiến hết mình vì nghệ thuật cho toàn thể quí vị, từ dân thường cho đến VIP, hay đại gia thưởng thức, các nghệ nhân nghiệp dư đó chẳng được đền bù bằng một... bát bún hay... bát phở cho ấm lòng. Trong khi đó BTC chỉ trân trọng mời các đại gia VIP, xếp hàng đi... chén, gọi oang oang trong loa, ầm cả rạp rất phản cảm. Theo ý nghĩ của một khán giả giản dị như em, nghe thấy như thế cũng buồn chứ anh! Dù ai cũng biết rằng 'miếng ăn là miếng nhục', nhưng trong trường hợp này, theo em lại là sự biết ơn, sự trân trọng và tế nhị, đối với những người đã góp phần tạo niềm vui chung, anh Sa Huỳnh ạ!"

Một nhà báo cộng đồng cũng cho tôi biết, dư luận đang bàn tán cho rằng, nếu nói đây là Tết "cộng đồng" thì hoàn toàn sai nghĩa. Bởi nếu là "cộng đồng" thì phải chọn ngày cuối tuần để bà con từ các địa phương từ khắp Cộng hòa Liên bang Đức có thể về dự. Đằng này, không thấy có đoàn nghệ thuật nào từ các bang khác như Sachsen, Thüringen… tham gia nên chúng ta có thể khẳng định, đây chỉ là Tết cho đồng bào ở Berlin, và chính xác hơn nữa, đúng là cái Tết phục vụ chủ yếu cho một thiểu số đồng bào quí mến, thuộc TTTM Đồng Xuân, hơn nữa có thể là TTTM Thái Bình Dương, Berlin mà thôi.
 
Cộng đồng cũng xì xào rằng, dân Việt ta đã gọi là "ăn Tết" thì phài có... ăn và có… uống. Trong kỳ tổ chức vừa qua, đúng ra chỉ nên gọi là một buổi giao lưu văn nghệ miễn phí mà thôi, ngoài việc không phải là "cộng đồng" ra thì cũng xin đừng gắn thêm cho nó chữ "Tết" nữa mà tội nghiệp. Bởi vì không có thời điểm nào BTC mời tất cả những người có mặt nâng một ly rượu để cùng nhau chúc Tết cả. Bọn trẻ con chẳng đứa nào được phát lì-xì hay cho một cái kẹo, sao gọi là Tết?

Để làm tốt việc "có ăn - có uống", theo đúng nghĩa "ăn Tết" của người dân ta, BTC có thể lên kế hoạch kêu gọi đóng góp của mọi người đến dự, như các hội đoàn địa phương vẫn thường làm rất hiệu quả. Chẳng hạn những ai đăng ký thì nộp tiền luôn, dĩ nhiên phải là một số tiền nhỏ như thế nào đó, để đông đảo mọi người đều có khả năng tham gia, vì đã mang cái nhãn hiệu "Tết cộng đồng", rất thân thương và đoàn kết!

Còn nếu BTC chỉ muốn chiêu đãi khách VIP thôi, như lần này, thì nên kết hợp làm một đêm văn nghệ miễn phí cho bà con cùng thưởng thức, nhưng chỉ trên danh nghĩa của TTTM Đồng Xuân thôi, chứ không được lẫn lộn cái "mác" Tết cộng đồng vào đấy. Lúc ấy BTC muốn mời ai thì mời, vì là khách riêng của mình, cộng đồng chả quan tâm, mà cũng không ai thèm thắc mắc.

Xin nói thêm rằng, vừa qua nếu BTC chỉ coi sự kiện này là một chương trình văn nghệ mừng Xuân của riêng TTTM Đồng Xuân và các nhà đồng tài trợ, nhưng BTC có lòng hảo tâm bỏ thêm tiền ra làm hội trường lớn để tiện thể mời những bà con có điều kiện đến dự văn nghệ miễn phí, thì vừa qua TTTM Đồng Xuân đã ghi được một điểm son và đã được những bà con đến dự hoan hỉ biết ơn. Những ai không đến dự được thì chỉ thầm tiếc nuối chứ không ai có quyền chê trách. Sự việc chỉ ồn ào vì BTC đã khoác cho sự kiện này cái áo "Tết cộng đồng", "của cộng đồng, vì cộng đồng" quá dài rộng, không vừa với thân hình khiêm tốn của sự kiện nên cộng đồng bức xúc mà thôi. 

Ngoài ra, dư luận cũng không hài lòng mấy về cách hành xử, không đúng phép lịch sự hay tiêu chuẩn ngoại giao, lần này với những người bạn Đức. Một số họ đi theo lời mời của ĐSQ và một số đi chung cùng bạn bè người Việt. Suốt cả buổi tham gia, các bạn không hề nghe một lời phiên dịch. Họ chẳng hiểu chuyện "mô, tê, răng, rứa" gì trong chương trình của người Việt chúng ta, nên cứ ngớ người ra trông lên sân khấu, thật thảm hại. Đối với những đoạn ca hát hay chơi nhạc thì không sao, nhưng với các màn khác, họ bị lạc lỏng hoàn toàn. Liệu khi ra về, họ có còn thiện cảm trong đầu nữa hay không? Và lần mời sau, liệu họ có còn hăng hái tới?
 
Màn khen thưởng cũng gây xôn xao. Vì có một vài vị được trao tặng bằng khen, mà cộng đồng chẳng biết các ngài đã đóng góp được gì? So sánh với những người khác đôi lúc còn kém xa.

Bởi trong cộng đồng người Việt tại Đức, có những người rất xứng đáng, âm thầm viết báo, đóng góp tri thức và chất xám. Đóng góp việc gìn giữ tiếng Việt, gìn giữ văn hóa nước nhà. Đóng góp thơ văn, quay phim, chụp hình ảnh sinh hoạt. Đóng góp ý kiến chính trị, nhằm xây dựng một xã hội văn minh, trong sạch, dân chủ và tiến bộ ở quê nhà. Cùng lên tiếng với người dân trong nước, góp phần bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, giảm bỏ bất công, góp phần giải quyết quốc nạn tham nhũng, thiên tai, vân vân.

Và cũng có bao thanh niên thiếu nữ miệt mài lao động thành công. Xuất sắc trong trường học, trong đại học, trong các viện nghiên cứu, trong nhiều ngành nghệ thuật. Tham gia tích cực vào công tác trong chính quyền sở tại...

Thật sự họ đã bị lãng quên, dù bản thân họ không màng đến những hình thức như thế!
 
Viết đến đây, cô bạn tôi lại gọi điện, giọng nũng nịu: "Anh ơi, lần Tết sau, nếu cứ tổ chức theo kiểu 'Mùa Xuân yêu thương' giống như thế này, chẳng những em, mà có rất nhiều người sẽ...  'hổng thèm' đi nữa đâu!"
 
Tôi trả lời: "Em gái đừng dỗi hờn như thế. Vì anh hy vọng, sau bài viết có tính cách xây dựng này, mọi việc rồi sẽ đổi thay. Ngày ấy, em tha hồ mặc đẹp, diện thật kỹ vào để thêm phần kiều diễm. Và khi được mời đi ăn, em nhớ cẩn thận, đừng vì quá cảm động hay bối rối, mà để thức ăn rơi vào xiêm áo..."
 
Từ đầu bên kia, tôi nghe tiếng cười vang...
 
Sa Huỳnh     

------------------

LTS: 

- Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả đang định cư tại CHLB Đức.

- Chúng tôi hoan nghênh tất cả các ý kiến khen, chê nhưng chỉ đăng những bài viết hoàn chỉnh và có tinh thần xây dựng.

- Sau đây là trích đoạn một trong những ý kiến gửi đến Tòa soạn từ FB Xuan Nghia cũng về chủ đề "Tết cộng đồng", nhưng chúng tôi không đăng, để bạn đọc tham khảo, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NguoiViet.de:

 
.

Tác giả bài viết: Sa Huỳnh - NguoiViet.de

Chú ý: Vui lòng ghi rõ tên tác giả và nguồn NguoiViet.de khi đăng lại bài viết trên để tránh vi phạm bản quyền.

Tổng số điểm của bài viết là: 58 trong 27 đánh giá

Xếp hạng: 2.1 - 27 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  • Le Thu Hai

    Cám ơn tất cả các ý kiến phê bình của anh/chị em về suy nghĩ của tôi về bài viết "Tết" trong lều bạt vừa rồi. Quan điểm của tôi là luôn luôn đổi mới để đi đến ngưỡng cửa của hoàn thiện. Biết đâu không bao nữa chúng ta sẽ tổ chức một cái Tết cổ truyền trực tuyến thì sao?

      Le Thu Hai   13/02/2017 18:12
  • Lê Quang

    Anh hay chị Lê thu Hải có vẻ thuộc bài đấu tranh "giai cấp" quá đấy. Tôi không biết ông Hiền là ai, nhưng tôi biết anh ta đang làm chủ chợ Đồng Xuân, nơi tạo ra CÔNG ĂN VIỆC LÀM CHO RẤT NHIỀU CÁC THƯƠNG GIA, với mục đích hai bên cùng có lợi. Có chủ nào mà không muốn mình có lợi đâu , anh công nhân trong nhà máy có việc làm, ông chủ bỏ tiền đầu tư cũng phải có phần. Vì vậy , anh hay chị hỏi ông Hiền đả đóng góp được gì cho bà con ở Đức, thì tôi thấy quả suy nghĩ của anh hay chị đang đứng lại những năm tầm 1959 hay 60 của thế kỷ trước, nhất là ở các làng quê miền bắc. Cứ cho là ông Hiền nào đó chẳng có cống hiến gì, vậy tôi xin mạo muội hỏi lại anh hay chị : Vậy anh hay chị đã có cái gì để đóng góp cho cộng đồng?

    Tôi không dám chê ai bao giờ , bởi tôi chỉ là một kẻ hết sức tầm thường chẳng làm nên công trạng gì,cho nên đối với tôi ai , làm được cái gì có lợi cho cộng đồng cũng là đáng quý cả,và biết đâu chính anh hay chị , bằng những lời góp ý chân thành vì một cộng đồng VN vững mạnh cũng là một sự đóng góp quý giá?

      Lê Quang   12/02/2017 04:59
  • Thúy Hoa Dresden

    Cảm ơn bác SH đã cho những ai không có điều kiện mục sở thị cuộc vui Xuân từ trước tới nay chưa hề có, mà nếu chỉ đọc những lời ca thán, bình phẩm của nhiều còm bút thì thật là đầy tai tiếng ! Tôi xin đưa ra mấy nhận xét cá nhân:

    - Đọc 5 cái "thú vị" của SH đưa ra, thì đây đích thực là một món lẩu mùa Xuân chưa từng có mà ngài ĐS muốn đưa cho bà con thưởng thức.

    - Tôi đã đón 28 mùa xuân ờ Đức, được nghe kể, hoặc chứng kiến, hoặc được trực tiếp tham dự nhiều cái Tết của SQ tổ chức. Gọi là Tết cộng đồng, vì đây là Tết SQ tổ chức có mời đông đảo bà con đến dự. Tuy vậy không thể hiểu một cách cơ học (thực ra tôi muốn dùng chữ "thiển cận" ở đây nhưng sợ là mạo phạm), không phải SQ tổ chức Tết CHO, càng không phải VÌ cộng đồng và càng nhiều bà con đến dự Tết của SQ càng tốt. SQ có nhiệm vụ PHẢI thay mặt Nhà nước tổ chức Tết và chúc Tết bà con. Những người được mời đến dự là những người đại diện cho cộng đồng (hoặc là có thành tích, hoặc lãnh đạo hội đoàn, hoặc đại diện cho giới trí thức, thanh niên, phụ nữa, tôn giáo...). Việc tổ chức Tết và BTC của nó phải đúng tầm của NN. người được mời đến dự là cảm thấy được vinh dự. Còn nhớ trước kia có bác còn lồng cái thư mời dự tết của Sứ vào khung treo ảnh gia đình để kỷ niệm cơ.

    Cộng đồng có lẽ không cần Sứ tổ chức Tết CHO, VI, CỦA cộng đồng một cách xô bồ, như khẩu hiệu mà BTC quảng cáo. Bà con các nơi đều tự tổ chức được Tết cho mình, mà đúng ra những cái Tết của bà con thì SQ cần cử cán bộ của mình đến mang theo lời nhắn nhủ, chúc tết của ngài ĐS.

    Ông Hiền có là gì, có nhiều tiền bao nhiêu, có công trạng lớn thế nào với Sứ quán, hay kể cả với đất nước (nếu có thể) thì cũng chỉ có thể thay mặt cho bà con chợ ĐX. Cao hơn nữa, cũng chỉ thay mặt cho vài chục ngàn người đang kinh doanh có quan hệ đến ĐX. Ông Hiền không thể thay mặt ĐSQ để khai mạc một cái Tết của NN tại Đức, hay thay mặt ông ĐS để nói lời chúc Tết bà con VN trên toàn nước Đức...

    Thật đúng là cái tham mưu ở tầm be bé của ai đó đã dẫn dụ ngài ĐS vào lối đi đầy dây leo, loằng ngoàng như một nồi lẩu thập cẩm vị .

      Thúy Hoa Dresden   08/02/2017 16:34
  • Le Thu Hai

    Cám ơn anh Sa Huỳnh,

    Tôi chẳng có cách nào bài tỏ với những người thứ ba, thành thử nhắn tin tới Anh qua mục thảo luận này, cám ơn anh đã trả lời tôi và mọi người tôi muốn nhắn chính kiến của mình.

    Động chạm văn minh là sự cần thiết có phải không anh? Ồ xin lỗi anh, tôi có điện thoại nhé!

      Le Thu Hai   04/02/2017 16:41
  • Sa Huỳnh

    Kính gởi anh Lê thu Hải!

    Đầu tiên cảm ơn sự quí mến của anh đối với tôi.

    Mục đích những bài viết của tôi, nếu anh đọc kỹ, luôn theo sát 4 nguyên tắc, mà những người mến mộ Thơ-Văn tôi đều cảm nhận được, đó là:
    1) Đoàn kết cộng đồng.
    2) Hòa hợp hòa giải mọi người Việt Nam Đông-Tây-Nam-Bắc, không phân biệt chính kiến và nguồn gốc ra đi.
    3) Ủng hộ những điều hay lẽ phải, phản đối những sai trái bất công trong cộng đồng người Việt ở Đức cũng như ở xã hội trong nước.
    4) Góp phần bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.

    Mục đích "bài trừ" như anh viết không phải là nội hàm của Thơ-Văn Sa Huỳnh.

    Tôi với anh Hiền là bạn lâu năm, chúng tôi trân trọng nhau. Anh đã góp công sức thành lập nên một "TTTM Đồng Xuân" đáng quí, mang lại công ăn việc làm hợp pháp cho bao nhiêu gia đình. Những gì anh ấy làm cho cộng đồng tôi đều để tâm theo dõi và ủng hộ trong khả năng hạn hẹp của mình, nói vậy chắc anh đã hiểu vấn đề.

    Anh Hiền không giấu diếm về việc đánh giá tôi là một cây bút tự do, nói thật, nói thẳng, không ai gò ép được. Những gì tôi viết không để nhằm chống ai, mà là phản ánh suy nghĩ của những người muốn nói mà không có cơ hội nói, vì lý do gì đó, mà chúng ta phải lắng nghe, để hành xử đúng hơn, tốt hơn. Thay vì để cho cộng đồng sống với những dư luận không hay, những đàm tiếu ngổn ngang không bao giờ chấm dứt, những tranh luận gay gắt không có lối ra, tạo thành phân hóa.

    Cụ thể bài viết này, tôi nói lên giùm tiếng nói của một số bà con, họ bức xúc, họ thất vọng, họ buồn lòng... vì những điều đáng lý ra chúng ta có thể làm tốt được, nếu chúng ta sâu sắc và đứng vào vị trí họ để nhìn vấn đề. Và quan trọng là rút kinh nghiệm cho tương lai. Quá khứ không thay đổi được, nhưng tương lai thì có thể. Vài dòng ngắn để trả lời anh, vì còm trong báo đây khó viết dài. Nhất là để bàn luận về những giải pháp cho ra ngô ra khoai như anh đề nghị. Vả lại trong bài viết, nếu xem kỹ, độc giả cũng thấy được những giải pháp được nêu ra một cách gián tiếp (implizit) trong đó, dù chưa đầy đủ hay thuyết phục, mà cần bàn luận thêm.

    Tôi cũng cảm ơn anh đã thích văn pháp của tôi. Những ai đọc Sa Huỳnh phải dành một ít thì giờ và một không gian im ắng để suy ngẫm. Tôi không viết kiểu báo cáo sự việc bằng những số liệu hay sự kiện khô khan, mà là những tiểu luận, những cốt chuyện, đưa những ý nghĩa nằm kín đáo trong đó, vì nhiều lúc không nói tẹt ra được bởi lý do tế nhị này nọ... để độc giả vừa biết chuyện, vừa thưởng thức một sáng tác văn chương. Những độc giả nào chỉ muốn xem cho nhanh, biết cho nhanh kết quả, theo kiểu "mỳ ăn liền", hoặc vừa đọc vừa làm song song bao thứ chuyện khác trên đời, thì có lẽ sẽ thiếu kiên nhẫn đọc tôi.

    Anh là một trong những độc giả kiên nhẫn và sâu sắc. Cảm ơn anh mọi chuyện, và hy vọng anh đã hiểu.

    Sa Huỳnh - Berlin, 04.02.2017.

      Sa Huỳnh   04/02/2017 07:38

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Cảm nhận mới nhất
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây