Xuân Nghĩa (Berlin): Phản hồi bài QUO VADIS CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT Ở ĐỨC?

Thứ tư - 03/08/2016 11:27
LTS: Sau khi NguoiViet.de đăng bài "QUO VADIS CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT Ở ĐỨC?", nhiều bạn đọc tâm huyết với cộng đồng đã tham gia thảo luận khá sôi nổi cả tại trang Web cũng như trên trang FB Bao Dien Tu NguoiViet-de của NguoiViet.de. Trong các ý kiến đó, có tham luận khá công phu của tác giả Xuân Nghĩa, xứng đáng đăng thành bài riêng để các bạn tiếp tục tranh luận, nhằm tìm ra tiếng nói chung và hướng đi cho cộng đồng.
Ngày 14.04.2016, Chánh án Vogel của Tòa án bang Berlin tuyên án bác bỏ toàn bộ 10 Nghị quyết bị kiện của Đại hội Bochum. Nguồn: NguoiViet.de
Ngày 14.04.2016, Chánh án Vogel của Tòa án bang Berlin tuyên án bác bỏ toàn bộ 10 Nghị quyết bị kiện của Đại hội Bochum. Nguồn: NguoiViet.de

1- Gần ¼ bài báo tác giả Nguyễn Hữu Tráng dành cho việc chứng minh mình là một người tâm huyết, gắn bó và trăn trở với cộng đồng người Việt ở Đức trong suốt một thời gian dài hàng chục năm trời từ Đông sang Tây. Trong phần nhập đề tác giả nhấn mạnh „tôi là một phần của cộng đồng ở đây, chứ không phải là người ngoài cuộc hay chỉ gắn bó „theo nhiệm kỳ“. 

Nhưng một sự thật không thể chối cãi, từ ngày thành lập Liên hiệp 22.10.2011 (không phải 20.10.2011 như tác giả viết nhầm) cho đến tháng 7 năm 2015, gần 4 năm trời tác giả không có mặt ở nước Đức. Đây là thời gian quan trọng nhất của Liên Hiệp với nhiều biến cố nhất nhưng tác giả lại vắng mặt, không chứng kiến những sự việc xảy ra.

2- Tác giả là người đã „dựng“ ông Thoại lên (chữ dùng của bạn đọc Thanh), tức là phát hiện giáo sư Nguyễn Văn Thoại, giới thiệu ra tranh cử và trúng cử Chủ tịch LH. Cho đến nay, không bao giờ thấy ông Thoại hoặc nhóm ông Thoại tự thú nhận mình có làm gì sai trái, tất cả đều làm đúng, kết quả Đại hội Bochum bị tòa ra phán quyết phủ nhận là vì bị mắc lỗi hình thức, chứ nội dung bản chất sự việc vẫn là đúng.

Tương tự như vậy, trong bài viết gần 2.200 chữ của tác giả Nguyễn Hữu Tráng đố bạn đọc nào tìm thấy một chữ nào đề cập đến những lỗi lầm, những việc làm sai trái của Thoại hoặc nhóm ông Thoại! 

Ngược lại, những người dấn thân, hy sinh thời giờ, công sức và tài chánh đấu tranh cho cộng đồng, họ phải nhờ đến luật pháp bảo vệ lẽ phải và sự công bằng cho cộng đồng, thì bị tác giả chỉ trích rằng, „... mất nhiều thì giờ quý báu để theo đuổi vụ kiện, mất nhiều tiền để thuê luật sư trong khi đáng lý ra thời gian đó có thể suy nghĩ làm được nhiều việc khác có ích hơn và số tiền đó có thể giúp cho những trẻ em nghèo ở Cao Bằng, Hà Giang hay đâu đó trong nước có thêm cuốn vở đi học, áo ấm đêm đông hay miếng cơm có thịt.“ 

Nạn nhân tức là những người bị hại đã phải kiện thưa thủ phạm ra tòa và tòa án đã ra phán quyết với kết quả công lý rõ ràng thuộc về phía nạn nhân, thế mà tác giả lại đánh đồng nạn nhân với thủ phạm như nhau, ai cũng có lý do chính đáng theo kiểu biện luận cô gái bị thủ phạm hiếp dâm tại vì cô gái đẹp quá và ăn mặc hở hang: „Mọi người có lý do để thưa kiện và đưa vụ việc ra Tòa án Đức. „Bên nguyên“ chắc chắn cho lý do của mình là chính đáng và „bên bị“ cũng có lý do của mình để nói lại bên nguyên“.

Thậm chí tác giả còn ám chỉ nguyên nhân cũng có thể xuất phát từ phía nạn nhân hay cả hai phía: „Còn nguyên nhân từ đâu để xẩy ra nông nỗi này có thể cũng có những ý kiến khác nhau.“ 

3- Điểm nghiêm trọng nhất trong bài viết, tác giả cho rằng, kiện thưa ra tòa tức là nhờ đến tòa án phân xử ai đúng ai sai, không phải là một BIỆN PHÁP HÒA BÌNH, tác giả viết nguyên văn như sau:

„Luật pháp quốc tế hiện đại có một nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi, đó là giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình (điều 2 Hiến chương Liên Hợp quốc). Những biện pháp sau được coi là „biện pháp hòa bình“ : đàm phán, điều tra, đối chiếu, trung gian hòa giải, sử dụng những cơ sở hoặc thỏa thuận cũng như lựa chọn những biện pháp hòa bình khác (điều 33 Hiến chương LHQ). Trong vụ kiện vừa qua, các bên đã sử dụng tối đa „con đường tư pháp“ (Auschöpfung des Rechtswegs), nhưng không mang lại kết quả như mong muốn. Đến quan hệ giữa các quốc gia người ta còn coi trọng giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình thế thì tại sao chúng ta lại không ngồi lại được với nhau. Trước đây trong khi chiến tranh còn đang leo thang ác liệt ở Việt Nam, chúng ta cũng đã ngồi vào đàm phán với Chính phủ Mỹ ở Paris“.

Chúng ta hãy giở Hiến chương LHQ xem điều 33:

Bản tiếng Đức:
http://www.unric.org/html/german/pdf/charta.pdf
Kapitel VI
Die friedliche Beilegung von Streitigkeiten
Artikel 33 

(1) Die Parteien einer Streitigkeit, deren Fortdauer geeignet ist, die Wahrung des Weltfriedens und der internationalen Sicherheit zu gefährden, bemühen sich zunächst um eine Beilegung durch Verhandlung, Untersuchung, Vermittlung, Vergleich, Schiedsspruch, GERICHTLICHE ENTSCHEIDUNG, Inanspruchnahme regionaler Einrichtungen oder Abmachungen oder durch andere friedliche Mittel eigener Wahl.

Và bản tiếng Việt:
http://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Hien-Chuong-Lien-hop-quoc-1945-229045.aspx
Chương VI:
GIẢI QUYẾT HOÀ BÌNH CÁC VỤ TRANH CHẤP
Điều 33:

1. Các bên đương sự trong các cuộc tranh chấp, mà việc kéo dài các cuộc tranh chấp ấy có thể đe dọa đến hoà bình và an ninh quốc tế, trước hết, phải cố gắng tìm cách giải quyết tranh chấp bằng con đường đàm phán, điều tra, trung gian, hoà giải, trọng tài, TÒA ÁN, sử dụng những tổ chức hoặc những điều ước khu vực, hoặc bằng các biện pháp hoà bình khác tùy theo sự lựa chọn của mình;

Rõ ràng TÒA ÁN phân xử là một biện pháp hòa bình. Tại sao tác giả lại cho rằng TÒA ÁN phân xử không phải là một biện pháp hòa bình như trình bày ở trên? Có phải tác giả nhầm lẫn hay là tác giả có dụng ý hoặc có ý đồ gì?

Trong bài viết tác giả tự giới thiệu „là một luật gia tốt nghiệp cả bên Đông và bên Tây Đức“ chuyên ngành về công pháp quốc tế (Völkerecht), tác giả nắm rất vững và hiểu biết rất rõ về luật, diễn giải luật rất rành mạch, thành thử chắc chắn đây không phải là trường hợp tác giả bị nhầm lẫn.

Để kết thúc bài phản hồi, xin được nhắc đến năm điều răn không được làm của Phật tử (gọi là ngũ giới của nhà Phật). Giới thứ năm trong ngũ giới là giới vọng ngữ. Theo kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới Bổn Giảng Ký, vọng ngữ là tự mình biết rõ điều ấy không đúng sự thật, nhưng vẫn nói vì muốn dối gạt, mê hoặc người.

Xuân Nghĩa   

-------------------

LTS:

- Đề nghị bạn đọc tham gia thảo luận chú ý chỉ "đá bóng", không nên "đá người". Có nghĩa là chỉ tranh luận về quan điểm hoặc trao đổi thông tin, không được chỉ trích cá nhân hoặc sử dụng thông tin về thân nhân của người khác trong tranh luận. 

- Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả đang định cư tại Berlin, CHLB Đức. Tác giả tự chịu trách nhiệm về các thông tin của mình. Chúng tôi xin phép khóa mục thảo luận của bài này đăng ở đây, xin đọc tiếp bên dưới. 

- Các bạn có ý kiến tham luận xin mời sang đọc cũng bài này, được đăng song song tại trang mới mở (tìm trên Menu ngang, chỗ có 4 chữ "LHNV" ở cuối cùng, bên phải) dành riêng cho các thông tin về Liên hiệp người Việt  hoặc bài đã đăng lên Facebook Bao dien tu NguoiViet.de tại đây  

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn cần trở thành thành viên của nhóm để có thể bình luận bài viết này. Nhấn vào đây để đăng ký làm thành viên nhóm!

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Cảm nhận mới nhất
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây