Phương Trang Linh (Berlin): Bài hát LỜI CỎ MAY của NS Lê An Tuyên (Jena, CHLB Đức)

Thứ ba - 04/04/2017 03:42
Cách đây mấy năm, tình cờ tôi tóm được trên mạng bài hát Lời cỏ may. Giai điệu bài hát, cách phối âm phối khí khiến tôi sững sờ. Vốn là người mê dòng dân gian trữ tình, bài hát cuốn hút tôi từ đầu đến cuối. Bài hát tắt rồi mà dư âm, vẫn cứ phảng phất, quấn quít, dòng sông Lam hùng vĩ thơ mộng xanh biêng biếc in bóng núi Hồng còn lẩn quất đâu đây. Tôi nghĩ phải là người đau đáu, canh cánh, nhớ quê đến cồn cào quặn thắt mới làm ra được giai điệu da diết đên thế, xót xa đến thế, trách móc đến thế.
Nhạc sĩ Lê An Tuyên (Jena, CHLB Đức) .  Ảnh: Blog LAT
Nhạc sĩ Lê An Tuyên (Jena, CHLB Đức) . Ảnh: Blog LAT

Tôi tự hỏi còn gì không nhỉ hay những “phát hiện” của mình đã chạm đáy rồi. Bỗng tôi bật dậy, chưa, chưa đủ, bằng cái trải nghiệm mấy chục năm xa quê, bằng những sự mưu sinh vất vả tê tái trong giá lạnh nơi xứ người, những đêm trước khi tết nguyên đán, chiếc bánh trưng, hộp mứt cúng, chén rượu trắng trong khói hương vật vờ phảng phất… Đúng rồi, nếu không phải người xứ Nghệ, sống xa quê đến nửa vòng trái đất, nếu không trải nghiệm với cái tâm thức lo lắng, bồn chồn thương thương nhớ nhớ nơi đất khách “lạ tiếng, lạ người” thì có lẽ không làm ra được cái bài hát hay đến quặn thắt đến thế.

Bài hát bắt đầu bằng câu: “Anh nói anh yêu em, ngày về lối em qua đầy hoa cỏ tím”. Cũng chả có gì lạ, đôi nào yêu nhau chẳng thế, nhất là người con giai, cố chọn những mĩ từ tình cảm, ấn tượng nhất để thả lời ong bướm vào tai người mình yêu, gọi lên cả một trời hi vọng tím biếc…

Cho đến câu: “Nay em về toàn hoa cỏ may…”, thôi, thế là lời nói đã gửi lại trăng sao, đã trôi theo sông nước. Chàng trai sau những lời hoa mĩ, nghen ngào ấy là một ý chí “cua bấy” không giữ trọn những gì chót thề non nguyện biển.

Người con gái thì đau, đau lắm khi về thăm lại đất nước, quê nhà, những tưởng mọi tình cảm êm đềm, những lời thề tan nát vàng đá đó có thể mỉm cười khi đã hoàn thành sứ mạng gắn kết hai tâm hồn yêu thương. Điều nhận được lại không phải lời ca tím đẫm tình yêu: “Ngày về lối em qua đầy hoa cỏ tím”.

Nay đất nước phát triển, hội nhập, thanh niên đi vũ truờng, quán Bar, trong tay những cốc rượu sóng sánh màu mật ong vàng suộm, những bó hoa bó vội trong ánh đèn màu chao đảo quay cuồng, liệu còn ai nghĩ tới một triền đê xưa, lúc trăng đã ngái ngủ, bóng con thuyền đã hết dập dờn, đôi trai gái vội vội vàng vàng đứng lên vừa nhặt, vừa phủi cho đám cỏ may đâm vào quần, vào áo rơi xuống… để tránh những ánh mắt săm soi của phụ huynh lúc bước chân vào nhà?

Kỉ niệm đầy ắp như thế, lời hẹn hò tím ngắt như thế, mà chỉ còn trơ lại những cọng cỏ may vô tình: “Cỏ may níu chân người xa xứ, găm vào lời đau”. Người xưa thì coi như đã hết, cái lời thề trăng nước kia cũng theo gió bay đi, cô gái buồn đến cạn lòng. Mà sao lại không buồn cơ chứ, bao nhiêu hi vọng, bao nhiêu lâu đài ý tuởng bỗng chốc tan tành, vụn vỡ như đám cỏ may dồn đống nho nhỏ kia? Mất hết rồi, tan nát hết rồi…

Nhưng không, cái nơi mình sinh ra, lớn lên, cái cầu tre nho nhỏ, cái bóng mẹ ta về chợ còn đó. Những đám cỏ may tưởng như vô tri vô giác kia đã “níu chân người xa xứ“ là ta, là cô gái đã ra đi nay trở về đi tìm lại môt lời hứa, một câu thề tưởng như bâng quơ mà thực ra chứa chất ẩn náu cả một trời yêu thương nhung nhớ, đêm đêm cháy bỏng xứ trời Tây buốt giá.

Hiện thực là vậy, xót xa là vậy nhưng cuộc đời còn nhiều việc lắm, từ bỏ một vũng đất khắc nghiệt nắng cháy da cháy thịt, mưa thối đất thối cát ra đi tìm một cuộc sống nơi xứ người với biết bao hi vọng đổi đời. Cô gái ấy đứng dậy, khoác ba lô lên vai ngậm ngùi, nhưng với thái độ quyết liệt vốn có của con gái xứ Nghệ, cái tính cách hiếm thấy ở những cô gái vùng miền khác, chỉ có cái vùng đất này, cái vùng cháy khét nắng lửa, cái vùng mênh mông sông biển này, nó tạo ra cái tính cách khốc liệt của người con gái yêu ghét đến “tẹt ga, sát ván“ mới “găm” nỗi đau vào lòng, mới tuyên ngôn về người xưa cảnh cũ thế này: “Lời đau em trả cho anh, cỏ may em thả ra sông”. Gớm chưa! Thôi nhé, chảy đi sông ơi, chảy đi, hãy cuốn trôi những kỉ niệm một mối tình xưa cũ. Chỉ còn giữ lại trong lòng những tình cảm quê hương, người mẹ bao dung, nuôi nấng ta, những đốm lửa lập lòe huyền ảo máu thịt cùng với dòng sữa mẹ nuôi ta khôn lớn: “Lấp lánh đôi bờ dòng sông cửa Hội“, ánh lập lòe ấy còn mãi, đêm đêm cứ lập lòe trong hồn người xa xứ, nó như ngọn hải đăng nuôi ta, dẫn dắt ta về Quê mẹ.

Sau khi nghe bài hát này, tôi chợt nghĩ tác giả chắc chắn phải sống ở nước ngoài, tại sao ta không thử đi tìm nhỉ. Tôi gõ mấy chữ “nhạc sĩ Lê An Tuyên”, hiện ngay website du lịch Cửa Lò. Thấy hình một o tuổi cũng… hòm hòm kèm theo vài bài hát của chị. Hóa ra chị đang sinh sống tại Đức và làm công việc như giới cần lao chúng tôi. Tôi đọc điều kiện góp ý, thấy có yêu cầu để lại số điện thoại. Ừ thì để, tôi viết mấy lời này kèm theo số điện thoại: "Bài hát hay, cũng chả muốn thêm gì vì nhiều người đã ca ngợi, chỉ ước một điều nếu được gặp tác giả thì sẽ cúi lạy một tài năng trong đám lao động như mình".

Tưởng thế là đủ, ai ngờ độ ba tiếng sau, đang ở chỗ làm, tiếng chuông điện thoại réo vang, tôi cầm máy, một giọng nữ cất lên: “Anh nói anh yêu em, ngày về lối em qua đầy hoa cỏ tím, nay em về toàn hoa cỏ may”. Không khách sáo, tôi hát tiếp: “Cỏ may níu chân người xa xứ, găm vào lời đau”. Sau đó là tràng cười ha hả trộn vào nhau.

Thì ra con người chị là vậy, sảng khoái, giản dị, dễ gần đúng như tác phong….Tây.


Tác giả: Lê An Tuyên

Chị cho biết cũng vất vả mưu sinh như tôi, cũng trăn trở nhớ nhà, nhớ quê như tôi. Tôi hỏi trong nhà có ai theo nghề nhạc không mà làm bài hát hay thế, chị bảo có ông cậu bên mẹ (ngoài Bắc gọi là ông trẻ) là tác giả bài hát Bài ca thống nhất. Gien đó chứ mô nữa!

Sau cú điện thoại, tôi lại mở Lời cỏ may của chị. Đã nghe nhiều ca sĩ các vùng miền khác nhau hát, như Tân Nhàn (Sao mai 2005), Lương Nguyệt Anh (Sao mai 2011) và một số giọng ca xứ Nghệ như Thành Lê (Sao mai 2007), Phạm Phương Thảo, Quế Thương, Thanh Hằng…, tôi nghiệm ra rằng, chỉ có những cô gái sinh ra lớn lên ở vùng đất nghèo khó, kiên cường, yêu thương hết cỡ mới truyền tải một cách sâu sắc, đằm thắm, xót xa, trách móc… giai điệu bài hát này hay đến vậy.

Cuối cùng tôi muốn nói, dù lời bình có đèn nến lung linh đến mấy, có gợi một điều gì đó trong sâu thẳm tâm hồn thì âm nhạc vẫn phải là âm nhạc, ca từ vẫn chỉ góp thêm năng lượng cho giai điệu cất cánh bay cao mà thôi.

Phương Trang Linh (Berlin)

---------------------

LTS: Như đã nói đến ở bài viết trên, bài hát Lời Cỏ May của nhạc sĩ Lê An Tuyên đã được nhiều ca sĩ các vùng miền khác nhau hát rất thành công. Chúng tôi xin giới thiệu sau đây lời bài hát cùng sự trình bày đa dạng của 3 trong số các ca sĩ đó.


Lời Cỏ May

Anh nói, anh yêu em
Ngày về lối em qua đầy hoa cỏ tím
Nay em về toàn hoa cỏ may
Cỏ may níu chân người xa xứ
Găm vào lời đau

Lời đau, em trả cho anh
Cỏ may em thả ra sông
Sông Lam, sông Lam nước mặn xanh trong

Chảy đi sông ơi
Ơi con sông lòng mẹ bao dung
Lấp lánh đôi bờ dòng sông Cửa Hội
Lạ tiếng, lạ người trên đất lạ,
em trở về với ngọt giọng đò đưa
À ơi.........
Muối ba năm muối còn hãy mặn
Vị ngọt tình quê như dáng mẹ vẫn chờ...


Ba trong số các ca sĩ thành công với Lời cỏ may:

1. Ca sĩ Thành Lê (Giải Nhất Sao mai 2007)

Thành Lê (Đinh Thị Thành Lê) là ca sĩ đầu tiên hát nhạc Lê An Tuyên và là người có công giới thiệu Lê An Tuyên đến với công chúng yêu nhạc. Chính ca sĩ giải nhất Sao Mai 2007 này là người đầu tiên tiếp nhận "Lời cỏ may" và đã không ngần ngại chọn đưa ca khúc đầu tay của LAT vào một trong những album ca nhạc của mình, qua đó giúp "Lời cỏ may' nhanh chóng trở thành ca khúc nổi tiếng và được nhiều ca sĩ tên tuổi chọn thể hiện.

Trong lời giới thiệu CD đầu tay “Nơi ấy quê mình” - Sài Gòn New, ca sĩ Thành Lê đã có mấy dòng giới thiệu về Lê An Tuyên như sau:

"Tác giả Lời cỏ may là nữ nhạc sĩ nghiệp dư có tên An Tuyên hiện đang làm việc và sinh sống tại CHLB Đức. Ca sĩ Thành Lê xúc động cho biết An Tuyên cũng là người con xứ Nghệ xa quê lâu năm ấp ủ tình thương yêu nhung nhớ quê nhà mà viết nên ca khúc. Khi có người bạn về nước chị gửi ca khúc về mong muốn tìm được một ca sĩ thể hiện giúp những tình cảm sâu đậm của một người con xứ Nghệ phương xa. Và tình cờ người bạn đó đã tìm tới Thành Lê.

Vừa nhận bản nhạc Thành Lê đã cảm nhận được sự đồng điệu. Lê phối nhạc thu đĩa và gửi tặng tác giả với tất cả tấm lòng tri kỷ của mình. Từ phương xa nghe bài hát bằng chính chất giọng quê nhà đằm thắm của Thành Lê An Tuyên rất cảm động bởi người nghệ sĩ đã bắt được cái hồn của ca khúc đã chạm đến tận cùng những tình cảm chất chứa mà chị muốn gửi vào từng nốt nhạc
".  


(Bấm vào nút Play để nghe bài hát dạng mp3)
 


2. Ca sĩ Phạm Phương Thảo

Mời bà con nghe bài này qua giọng ca xứ Nghệ Phạm Phương Thảo 

Ca khúc: LỜI CỎ MAY
Nhạc và lời: Lê An Tuyên
Ca sĩ: Phạm Phương Thảo


3. Ca sĩ: Lương Nguyệt Anh (Sao mai 2011)
.
Ca khúc: LỜI CỎ MAY
Nhạc và lời: Lê An Tuyên
Ca sĩ: Lương Nguyệt Anh
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 2.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Cảm nhận mới nhất
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây