Nguyễn Hữu Tráng (Berlin): „CHÂU ÂU TRONG MỘT THẾ GIỚI KHÔNG MẤY DỄ CHỊU“(Phần 1)

Thứ năm - 21/12/2017 06:51
Đó là tiêu đề bài phát biểu quan trọng của Ngoại trưởng tạm quyền Sigmar Gebriel tại Diễn đàn đối ngoại của Viện nghiên cứu Körber (Berlin) ngày 05 tháng 12 năm 2017. Dưới con mắt của Ngoại trưởng tạm quyền Đức Sigmar Gabriel, thế giới bên ngoài không mấy dễ chịu, khi các "tay chơi" toàn cầu dần dần lộ diện và Mỹ rút lui từng bước. Châu Âu còn loay hoay chưa định nghĩa được lợi ích và chưa xác định được vị trí của mình trên thế giới hiện nay. Thế giới tương lai sẽ đa cực, đơn cực hay hai cực đang còn là câu hỏi để ngỏ...
Nguyễn Hữu Tráng (Berlin): „CHÂU ÂU TRONG MỘT THẾ GIỚI KHÔNG MẤY DỄ CHỊU“(Phần 1)

Châu Âu đang ở trong một thế giới càng ngày càng không mấy dễ chịu. Năm 2000 Dahrendorf đã từng nói một câu chấn động „Châu Âu không có một thế lực hành động, hay ít nhất không có một lợi ích chung để có thể hình thành một thế lực có thể hành động“. Tôi có thể nói rằng, ý của Dahrendorf muốn cảnh báo không thể trông chờ gì nhiều vào chính sách đối ngoại của Châu Âu.

          Thực ra điều trên không có gì mới vì bản thân Châu Âu không được thành lập với tư cách là tay chơi toàn cầu, mà nó ra đời để bảo đảm rằng sau hai cuộc chiến tranh thế giới thảm khốc, châu Âu có hòa bình và thịnh vượng. Ảnh hưởng đối với bên ngoài thực ra chỉ dành cho hai thành viên thường trực Hội đồng bảo an LHQ là Anh và Pháp.

          Chính sách đối ngoại của Đức một thời chỉ nằm trong liên minh xuyên Đại Tây dương với Mỹ và đồng minh phương Tây và cũng chỉ tập trung vào vấn đề nội bộ của Đức và chính sách phương Đông. Ngay cả sự can dự của chúng ta vào quá trình xử lý khủng hoảng ở Nam Tư cũ và Ap-ga-ni-xtan cũng chỉ là một phần của chính sách chung xuyên Đại Tây dương, với ngoại lệ duy nhất là quyết định không can dự vào chiến tranh I-rắc của Tổng thống Schroeder năm 2003.

          Sau khi „bức màn thép“ sụp đổ, chính sách hướng nội này được duy trì: đồng euro được coi là việc đã rồi, chuẩn bị cho việc mở rộng về hướng đông và cũng từ đó bắt đầu cuộc thảo luận về chung cuộc của châu Âu. Nhưng thế giới kể từ kết thúc thế kỷ trước và bắt đầu thế kỷ 21 khó chịu hơn chúng ta nghĩ rất nhiều.  Và rồi chúng ta cũng nhận ra, mặc dù sức mạnh kinh tế của đất nước chúng ta, chúng ta cũng không có một vị trí dễ chịu bên lề của chính sách đối ngoại quốc tế. Không chỉ riêng đối với Đức mà đối với cả Châu Âu. Chúng ta phải nhận thức được rằng nếu chúng ta không thử góp phần sắp xếp thế giới thì chúng ta sẽ bị phần còn lại của thế giới chi phối.

          Định hướng giá trị là những thứ mà chúng ta thích mang ra để triển khai chính sách đối ngoại, đã không còn đủ để tiếp tục khẳng định trong một thế giới bị tác động của chủ nghĩa vị kỷ về kinh tế, chính trị và quân sự.

          Dahrendorf vì thế chỉ cho chúng ta thấy một thực tế châu Âu hiện không còn là một nhân tố toàn cầu thực sự. Châu Âu không thể góp phần sắp xếp thế giới  nếu như bản thân nó không tự định nghĩa được thế nào là „lợi ích châu Âu“.

          Quan hệ với Hoa Kỳ

          Việc Mỹ dưới thời Trump rút lui dần khỏi vai trò là nhân tố ổn định của chủ nghĩa đa dạng phương Tây càng đẩy nhanh quá trình thay đổi trật tự toàn cầu và tác động trực tiếp đến quá trình nhận thức về lợi ích của Đức và Châu Âu.

          70 năm trước trong con mắt của George Marshall thì Châu Âu cũng đồng thời là „dự án của Mỹ“ và nằm trong lợi ích của Mỹ. Nhưng trong giới chính trị hiện nay của chính quyền Mỹ  thì Châu Âu ít nhất đã trở thành đối thủ cạnh tranh  và nhiều khi còn là địch thủ về kinh tế. Dưới cái nhìn của chính quyền Mỹ thì châu Âu cũng chỉ là một khu vực giống như những khu vực khác, chưa kể xã hội Mỹ cũng thay đổi chóng mặt. Trong tương lai gần đa số người dân Mỹ sẽ có nguồn gốc Mỹ la tinh, Châu Á hay Phi. Vì thế ngay cả sau nhiệm kỳ của Trump ở Nhà Trắng thì quan hệ Mỹ với Châu Âu cũng không thể trở lại như xưa.

          Sự phân rã của các quốc gia là một xu thế quyền lực mới

          Gần đây Châu Âu chứng kiến hai phạm trù mới, một là sự phân rã của các quốc gia ngay bên cạnh chúng ta đã dẫn đến những cuộc xung đột mới. Các cuộc xung đột này đều vượt quá giới hạn biên giới và làm mất ổn định toàn khu vực. Quá trình này ngày càng nghiêm trọng do xu hướng chống lại toàn cầu hóa và dân chủ hóa ngày càng chi phối.  Các nguyên tắc và cơ sở đã qua thử thách của quan hệ quốc tế, như chủ nghĩa đa dạng, luật pháp quốc tế, tính phổ quát của nhân quyền đã bị xem nhẹ; nhiều người còn không thèm để ý đến hoặc phớt lờ nó. Qua đó thì những cơ sở của an ninh và thịnh vượng cũng bị xem nhẹ và nguy cơ chiến tranh thương mại, chạy đua vũ trang, các cuộc xung đột vũ trang gia tăng. Sự suy giảm dân số ở phía Bắc già nua và sự phát triển ở phía Nam cũng như tác động của biến đổi khí hậu ngày càng nhận được sự quan tâm. Các làn sóng di cư và tỵ nạn trong mấy năm qua có tác động lớn đến tính toán của các nước phương Tây.

          Những điều trên không thể không để lại hậu quả đối với phương pháp và cơ cấu của chính sách đối ngoại.  Công pháp quốc tế, được pháp điển hóa trong Hiến chương LHQ cũng như hàng loạt điều ước quốc tế, đang bị khủng hoảng. Với việc chiếm đóng Crim, nước Nga đã vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Ucraina và nguyên tắc cấm sử dụng bạo lực của Hiến chương LHQ. Hiệp ước chống biến đổi khí hậu Paris bị ảnh hưởng do sự rút lui của Mỹ. Tương tự như vậy, trật tự thế giới đa cực của thương mại quốc tế đang bị khủng hoảng.

          Nhưng còn điều nghiêm trọng hơn : Các nước từng là cường quốc hạt nhân đã không thể ngăn cản ngày càng nhiều nước chế tạo vũ khí hạt nhân, hoặc chí ít cũng hướng tới điều đó.

          Tất cả những điều trên không xẩy ra ở nơi nào đó xa xôi mà ngay bên cạnh chúng ta. Việc Anh rời EU và Trump được bầu làm TTh Mỹ đã cho thấy không phải chỉ thế giới lộn xộn bên ngoài đang thay đổi, mà chúng ta cũng đang bị lôi kéo vào quá trình đó với những hệ quả mà chúng ta còn phải bận tâm nhiều thập kỷ nữa.

          „Thách thức toàn cầu đòi hỏi những giải pháp toàn cầu“ – đó là phương châm của thời kỳ đầu đỉnh cao của chủ nghĩa xuyên quốc gia. Còn ngày nay?

          Khủng hoảng trong lòng xã hội

          Ở trong mỗi quốc gia, khoảng cách ngày càng gia tăng giữa giầu và nghèo đều được đổ lỗi cho toàn cầu hóa và nhà nước xã hội chăm lo được coi là phương thuốc cứu chữa.

          Sau nhiều thập kỷ “Anything Goes” như khẩu hiệu tranh cử thời hậu hiện đại, xu hướng hiện nay là mong muốn quay trở lại trật tự, mạch lạc, ngôi thứ và kiểm soát.

          Tính đa dạng và dấu ấn cá nhân, sự bình đẳng và sự can dự vốn được các đảng phái chính trị mị dân tuyên truyền là biểu tượng của ”sự rành mạch chính trị quá mức” và vì thế cần phải được xem xét lại. Tư tưởng này thấm sâu vào mọi giới, cả ở Đức và châu Âu.

          Giới tinh hoa của các nền dân chủ phương Tây có nguy cơ đề cao quá đáng sự tranh luận nội tại của họ mà xem nhẹ nhu cầu xã hội về một sự trật tự và rõ ràng… Các cuộc tranh luận nội tại hiện nay ở châu Âu và châu Mỹ đã dẫn đến hậu quả là chúng ta nhìn thế giới một cách khác và thế giới nhìn chúng ta cũng khác. Chúng ta tin chắc rằng quanh quả địa cầu này, không chỉ riêng ở Bắc Kinh,Moscow hay Tehran hiện đang nghiên cứu rất kỹ xem liệu phương Tây có đủ mạnh trong việc bảo vệ các giá trị và lợi ích của mình hay không.

          Các kịch bản của một trật tự thế giới mới

          Hiện chưa thể biết trật tự thế giới mới sẽ như thế nào. Tất cả đều đang trong dòng chảy và các tay chơi vẫn còn đang thăm dò. Hay như câu ngạn ngữ Trung Hoa “dò đá qua sông”.

          Riêng tôi thì cho rằng có thể có ba kịch bản cho một trật tự toàn cầu mới:

          Thứ nhất, một thế giới “G-Null” : Đó là một thế giới mà ở đó quyền lực bị phân tán rộng rãi và không thấy có một thế lực dẫn dắt. Học giả Mỹ Ian Bremmer viết “không một quốc gia hay nhóm quốc gia nào nắm được cán cân chính trị, kinh tế đủ lớn để điều hành toàn cầu” Người ta có thể hình dung nó giống như “Trật tự Westfalen 2.0” của cuối thời kỳ chiến tranh 30 năm đến kết thúc chiến tranh thế giới lần hai, khi mà các nước tranh giành ảnh hưởng và bá quyền. Đối với một đất nước như Đức thì điều này cực kỳ nguy hiểm vì nó tác động đến cơ sở của an ninh và thịnh vượng của chúng ta.

          Thứ hai, “G-Zwei-Welt” : Đây là một dạng của thế giới hai cực, bị tác động của các cuộc cạnh tranh giữa hai siêu cường. Thay thế vị trí của Liên Xô trong chiến tranh lạnh sẽ là Trung Quốc, nước từ trong lịch sử đã luôn coi mình là “Vương quốc trung tâm”. Tôi sẽ không ngạc nhiên khi nhiều nước sẽ hướng theo TQ vì mô hình phát triển hứa hẹn thịnh vượng của họ.

          Thứ ba, “G-X-Welt” : Thế giới cũng có thể có nhiều cực, có thể ít hơn G20 như chúng ta biết, nhưng cũng sẽ khác G7. Điểm phân biệt với “G-Null-Welt” là sự hiện hữu của các quy chuẩn và chế định bắt buộc để điều tiết quan hệ của các cực. “Đa cực” và sự tồn tại đồng thời của chế định bắt buộc sẽ là nét đặc trưng của hệ thống này.

          Tôi cũng chẳng dấu gì việc ủng hộ đối với giải pháp thứ ba này. Nhưng nó có thành hiện thực hay không còn phụ thuộc vào sự tự tin và đóng góp của EU. Nhưng bất kể thế giới phát triển theo hướng nào thì châu Âu cũng chỉ tồn tại nếu tự mình xác định đâu là lợi ích của mình và sử dụng quyền lực như thế nào. Sự thiếu vắng của EU đã dẫn đến thực tế là, ở bất kỳ nơi nào mà Mỹ thực sự hoặc có ý rút lui và không giữ mối quan hệ với Châu Âu mà hướng tới những nơi khác, thì ở đó sẽ xuất hiện các thế lực thực tế mới. Thí dụ ở Trung Đông là Nga và Châu Phi là TQ.

          Các thế lực mới lấp khoảng trống quyền lực

          Chúng ta được chứng kiến thực tế việc cạnh tranh không bao giờ dừng lại. Cách đây hai tuần, TTh Nga đã tiếp khách ở Sotschi và không ai khác là TTh Syrien sau đó là TTh Thổ Nhĩ kỳ và Iran. Ở đó người ta ăn mừng  chiến thắng mà họ cho là đã đạt được ở Syrien. Một tờ báo Đức viết “những linh hồn đen tối ở Biển đen”.

          Những cường quốc gặp nhau ở Sotschi không phải là bạn bè, nhưng họ có điểm chung là tự coi mình là những thế lực lớn có tính lịch sử, cả về đối nội và đối ngoại. Đó cũng là điểm quan trọng nhất để phân biệt họ khác chúng ta : Họ đầu tư cho việc thỉnh thoảng cho phương Tây biết đến họ. Người ta có thể nói rằng những nước này sẵn sàng tạo cho mình một quy chế “điều hành nước lớn”.  Họ bất chấp những thua thiệt về kinh tế, sự khinh miệt về ngoại giao, trừng phạt tài chính – họ sẵn sàng hy sinh nhiều thứ khác nữa nhằm khẳng định là cường quốc khu vực cũng như chủ quyền quốc gia của mình. Điều này chúng ta có thể nhìn thấy trong thái độ của Nga với Ucraina. Iran đã đầu tư nhiều nguồn lực vào việc giúp đỡ du kích quân khủng bố ở toàn khu vực nhằm kiểm soát các nước láng giềng hay gây khó khăn cho việc kiểm soát của các nước khác. Và Thổ cũng không ngần ngại trong việc sử dụng các chiến dịch quân sự hay đối đầu với Mỹ để nhằm bảo vệ lợi ích của họ trước phong trào dân tộc người Cuốc.

          Trong bối cảnh đó Syrien là đỉnh cao chiến dịch của ba đế quốc già này và chúng ta phải theo dõi một cách nghiêm túc nhất. Bẩy năm qua phương Tây chưa bao giờ quan tâm một cách hợp lý nhất đến những yêu cầu nói trên. Theodore Roosevelt từng nói “nói khẽ và mang theo cây gậy lớn” nhưng chính sách của chúng ta đối với Syrien hiện thời ngược lại “nói to nhưng mang theo cây gậy bé”. Thí dụ về khu vực Trung Đông nhằm minh họa cho suy nghĩ của tôi về việc xác định và bảo vệ các giá trị châu Âu. Khuôn khổ trật tự khu vực đó từ sau thế chiến II chủ yếu do Mỹ đạo diễn. Năm 2017 chúng ta chứng kiến khả năng yếu ớt của Mỹ trong việc ngăn chặn sự phân rã nhà nước ở khu vực Trung và Cận đông. Sự rút lui có chủ định hay sự yếu kém về sức lực gây ra tình trạng trên, thực tế không còn quan trọng nữa. Quan trọng là Mỹ đã không để lại ở đó khoảng trống quyền lực ngay cả khi họ rút đi. Vì trong chính trị, mỗi khoảng trống quyền lực sẽ nhanh chóng được lấp đầy. Bất kỳ khi nào có người rời đi thì cũng sẽ có người đến.

          Chúng ta đang chứng kiến Nga đang từng bước quyết định tương lai chính trị của Syrien vì những nước khác không làm. Nước Nga vì lẽ đó đã làm thay đổi cán cân khu vực và thực tế là tất cả các tay chơi khu vực đang điều chỉnh mới chính sách của mình. Ảnh hưởng mới trong khu vực của Nga đồng thời dẫn đến sự phát triển ở mức khác vì nó tạo khoảng trống cho các thế lực trong khu vực triển khai chính sách bá quyền khu vực hay triển khai nó từng bước.

          Chúng ta phải ứng xử như thế nào trước việc Mỹ nhường diễn đàn ở ngay khu vực láng giềng của châu Âu cho những tay chơi mới với thế giới quan và giá trị khác với những gì chúng ta đã xây dựng? Và chúng ta triển khai những lợi ích của Đức và châu Âu như thế nào đây?

          Hay chúng ta thử nhìn về châu Á. Ở đó TQ đang xâm nhập vào những khu vực vốn trước đây được quyết định do sự hiện diện và chính sách của Mỹ. Sáng kiến “một vành đai – một con đường” “con đường tơ lụa mới” không phải là tư tưởng của Marco Polo, mà  nó chính là ý tưởng địa chính trị mà qua đó TQ muốn thiết lập trật tự của riêng họ : về chính sách thương mại, địa lý, địa chính trị và cuối cùng nếu có thể là cả quân sự. Hiện nay người ta cũng có thể nói rằng, TQ là nước duy nhất trên  thế giới có được một ý tưởng địa chính trị dài hơi.

          Điều này cũng không phê phán gì TQ được cả. Trái lại tôi còn ngưỡng mộ và khâm phục họ vì chỉ sau vòng 30 – 40 năm đã phát triển và có khả năng đến vậy.

          Vì những lý do trên và từ thực tế khoảng trống quyền lực chính trị rất nhanh chóng được lấp đầy, lợi ích của bản thân nước Mỹ không thể bắt đầu bằng cuộc chiến thương mại với châu Âu, mà ở chỗ cùng nhau xây dựng chiến lược chung nhằm duy trì và bảo vệ các giá trị cơ bản như tự do, công bằng, nhân quyền và nhà nước pháp quyền. Chỉ trên những cơ sở như vậy thì hệ thống thương mại toàn cầu mới phát triển được.
 

(Người dịch: Nguyễn Hữu Tráng)

(Còn tiếp phần II)

(Chú ý: Chỉ được đăng lại bài viết khi có sự đồng ý của tác giả hoặc báo NguoiViet.de)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Cảm nhận mới nhất
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây