Sa Huỳnh (Berlin): Sau cứu lũ, bàn chuyện „Hội người Việt ở Âu Châu“

Thứ bảy - 05/11/2016 03:14
Cộng đồng người Việt ở Đức vừa mới thở phào nhẹ nhõm, mừng rỡ với kết quả quyên góp cứu lụt đạt được hơn dự tính. Với số tiền gần 130 ngàn Euro thu được sau 2 tuần tại Berlin, cộng với tiền bà con đóng góp ở những nơi khác trên nước Đức, theo tin tức báo chí, chúng ta đã đạt đến gần 300 ngàn. Số tiền này sẽ được BTC mang về trao tận tay những người của 4 tỉnh miền Trung, bị đại họa lũ lụt vứa qua, một phần do cơn lũ từ trời, và một phần lớn khác do sự xã lũ vô trách nhiệm, từ đập thủy điện Hố Hô.
Ban chấp hành Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu.
Ban chấp hành Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu.
Khách quan mà nói, cách phân chia tiền này, theo mức độ thiệt hại, sẽ thỏa mản được một số bà con đã nhiệt tình tham gia đóng góp. Nhưng theo như bài góp ý của tôi, về việc sử dụng hiệu quả tiền cứu lụt, chúng ta chỉ giúp giải quyết phần ngọn. Cái gốc của vấn đề vẫn còn nằm trơ ra đó. Mỗi khi có mưa bão, bà con lại vẫn cứ thấp thỏm lo âu, vô cùng sợ hãi. Tôi cho đây là một cách làm chưa có tính khoa học để đạt hiệu quả rốt ráo lâu dài, vẫn mang tính chửa cháy ngắn hạn ở hiện trường, chứ không phải một biện pháp phòng cháy cho tương lai. Đành rằng chúng ta có nụ cười vui khi nhìn vào số tiền quyên góp được, nhưng đó là một nụ cười chưa trọn vẹn.
 
Và các bạn ạ, ngay vào lúc cao trào của phong trào quyên góp, một cái tin khác đến từ Cộng hòa Séc, đã làm chúng ta phải thêm một mối suy tư: Ban chấp hành lâm thời Hội Liên hiệp người Việt ở Châu Âu, thành lập cách đây một năm, hôm 10.05.2015 tại TTTM SAPA ở Praha, gởi điện mời các Hội đoàn đến tham dự Đại hội, tổ chức ngày 29.10.2016, mà mục đích nhìn kỹ ra, là để „chính thức hóa“ chức danh Chủ tịch lâm thời của ông Hoàng Đình Thắng.
 
Dù „dân Đức“ đang loay hoay, bận rộn tổ chức quyên góp cứu lụt, nhưng cũng còn tí thì giờ để hỏi thầm trong đầu: „Ủa, sao kỳ vậy ta? Một tổ chức Liên hiệp hội người Việt tại Âu Châu, đang trong tình trạng lâm thời, đứng ra tổ chức Đại hội thành lập Liên hiệp hội người Việt tại Âu Châu, để hợp thức hóa chính danh cho mình, nghe sao ngộ quá: Cộng đồng mình ngộ quá phải không anh?“ - Phỏng theo thơ cô giáo Trần thị Lam.

Mặc dù trong dư luận có nhiều hướng giải thích, kể cả việc lấy luật Séc ra biện minh, thế nhưng hình như ít ai hài lòng, nếu nhìn theo luật pháp của nước Đức. Bởi không lẽ cùng chung trong khối Liên minh Âu Châu (EU), mà Luật hội đoàn mỗi nơi mỗi khác?
 
„Ngộ quá phải không anh“ là như thế này:

- Đại hội thành lập ngày 29.10.2016 đang dự tính, kế hoạch còn nằm trên... bảng vẽ, thế mà ông Hoàng Đình Thắng đã đem bản Điều lệ – dĩ nhiên là chưa được thông qua – đem trình để đăng ký Đại hội tại tòa.

- Trong đơn đăng ký, có lẽ ông Chủ tịch lâm thời không chân thật nói rõ với tòa rằng, đây là bản Điều lệ chưa thông qua, nên ngày 29.09.2016 chính quyền đã cho phép đăng ký.

- Ông Chủ tịch đã giải thích rất ngộ về việc này, trong thư gởi  các hội đoàn người Việt tại Đức, ngày 27.10.2016, như sau: „Sở dĩ chúng tôi phải làm việc này là vì khi Đại hội lần thứ nhất được tiến hành công khai có sự tham dự của các chính khách thì Liên hiệp Hội phải là một tổ chức được công nhận về mặt luật pháp.“

À ra thế, như vậy thì chúng ta đến chỉ làm việc hợp thức hóa chứ bàn bạc cái chi nữa. Vị trí chúng ta bị đặt sau cái cày, có con trâu đang ngoan ngoãn kéo về phía trước.

- Tại cuộc tọa đàm, giữa đại diện các hội người Việt một số nước châu Âu, ngày 10/5/2015 tại Praha, đã thống nhất cử ra một BCH lâm thời, gồm ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Séc làm Chủ tịch lâm thời, 2 Phó chủ tịch là ông Lê Thiết Hùng, Chủ tịch Hội tại Ba Lan và ông Vũ Quý Dương, Chủ tịch Hội tại Hungari. Thế nhưng không hiểu vì lý do chi, mà 2 vị PCT nêu tên ở trên, đã bị ông Hoàng Đình Thắng “xoá sổ”, rồi tùy tiện ghi tên Hà Tranova và Trần Quang Hùng của Hội người Việt ở Séc, vào đơn đăng ký toà án. Chuyện này đi ngược lại quyết định của cuộc tọa đàm ngày 10/5/2015, và như vậy đã làm vô giá trị BCH lâm thời, việc đăng ký trở thành bất hợp pháp.
 
Và dĩ nhiên nếu ai theo dõi, cũng đã thấy trong việc thành lập Liên hiệp hội này có rất nhiều khiếm khuyết, về tổ chức và về pháp luật, cũng như về tính chất của một hội đoàn dân sự.

Chẳng hạn như trong cuộc tọa đàm ngày 10/5/2015, nhân chuyến đi thăm chính thức của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, ngoài đại diện các Hội còn có sự tham gia góp ý của các Đại sứ một số nước Âu Châu, đã có quyết định thành lập BCH Hội lâm thời, và bàn bạc về việc thành lập Liên hiệp Hội NV ở Âu Châu. Điều này chứng tỏ Liên hiệp hội không thể nào là một tổ chức dân sự, đúng nghĩa của nó, nhiều hoạt động cần có sự độc lập với nhà nước. Sự đoàn kết trong cộng đồng người Việt trên Âu Châu và thế giới vì thế, theo nhận định và phân tách khách quan dựa vào thực tiễn, sẽ là không tưởng. Chưa kể cách làm “vội vã, không đúng theo quy trình” như thế càng gây chia rẽ sâu sắc các Hội người Việt ở Âu Châu. Thêm một việc cũng đáng suy nghĩ cho bà con: bản thân ông Hoàng Đình Thắng là Ủy viên đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ.
 
Cụ thể tại nước Đức, chắc chắn đa số không ai chấp nhận cách làm sai luật lệ như vậy, cũng như chấp nhận việc, “vô tình hay cố ý” đặt chúng ta trước một việc đã rồi. Các Hội tại Đức, đã quen sinh hoạt trong một xã hội pháp quyền, cái gì cũng minh bạch và hợp pháp, cho nên, hoặc là coi như không có cái Liên hiệp này tồn tại, dù đã được Đại hội ngày 29.10.2016 “thông qua”, hoặc là họ giữ thái độ chờ xem việc gì sẽ xảy ra sau đó, cũng như xem chiều hướng phát triển sẽ ra sao.
 
Cách làm tốt nhất, có lẽ đã phải là: Đại diện các hội Âu Châu nên bàn bạc nội bộ tại sân nhà trước đã, thống nhất ý kiến về một tổ chức chung, phát họa chương trình và mục đích, cũng như cử người đại diện. Trên cơ sở đó các hội sẽ ngồi lại với nhau, trao đổi thông tin và kết quả, thống nhất mô hình thành lập một sân chơi chung cho toàn Âu Châu.
 
Thế nhưng cuối cùng câu hỏi không nên, mà cũng không thể tránh né: Cộng đồng người Việt ở Âu Châu thực sự có cần một tổ chức như vậy hay không?
 
Câu hỏi này hoàn toàn không thừa, mà có ý nghĩa thực tế của nó, bởi vì ngay tại Đức, cộng đồng nơi đây hầu như đã chán ngán với tình trạng các tổ chức hội đoàn, nhất là những hội đoàn có ý tưởng “thay mặt” cho toàn thể. Trong một xã hội đa nguyên, tự do thành lập nhiều hội hè như nước Đức, việc một tổ chức nào đó đứng ra nhân danh “tất cả bà con” để phát biểu này nọ, hay nhân danh bà con làm thay việc này việc nọ, sẽ không bao giờ tránh khỏi sự chống đối.
 
Cộng đồng ở Đức hiện nay, với số lượng gần 130 ngàn người, cũng đang có lắm vấn đề. Lùm xùm “đại họa” từ chuyện bất đồng, giữa Liên Hiệp người Việt với Hội đồng Thành viên, ngay từ khi thành lập cho đến đổ vỡ ngày hôm nay. Sự có mặt song song giữa các hội nhỏ khác, như Hội Đoàn Kết, Câu lạc bộ Tình bạn, Hội Cựu chiến binh và Hội Tân trào, Hội Văn hóa Nghệ thuật... Việc bàn cãi chưa thể thống nhất giữa Hội Hà Nội – Tràng An, cũng như “lục đục” mất đoàn kết trong nội bộ một số hội đoàn khác, vân vân... Như vậy đã đủ “việc làm” hay chưa mà chúng ta phải “quậy tưng” ra nhiều nữa, khiến hiệu quả công việc càng ngày càng ít đi, tâm lý chán ngán trong người Việt hải ngoại càng ngày càng thảm hại.
 
Bà Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trương thị Ngọc Ánh, trong một buổi tiếp xúc với một số người Việt tại Đức, đại ý cho rằng, theo bà, cộng đồng người Việt tại Đức sẽ là một cộng đồng thực sự lớn mạnh, khi nào có được một tổ chức luôn luôn đoàn kết nhất trí, có được một tổ chức đại diện bà con cộng đồng, để giữ mối liên hệ với chính quyền sở tại, có được đại diện để giữ liên hệ với Đại sứ, và giữ mối liên hệ với các tổ chức trong nước.
 
Theo tôi, dựa theo những gì đã viết ở trên, việc mong muốn đoàn kết nhất trí trong cộng đồng người Việt ở Đức là xa rời thực tế. Mà thực ra, trong một xã hội đa nguyên như xã hội Đức, điều này không cần thiết, chưa kể là không nên phát huy để đặt thành mục đích đạt tới. Một xã hội dân sự phải là một xã hội muôn màu, trong tinh thần thượng tôn pháp luật, như người Đức vẫn thường phát biểu. Vì vậy ý muốn có một tổ chức đoàn kết và nhất trí, đại diện hay “thay mặt” toàn thể bà con người Việt ở Đức, cũng chỉ là một ước mơ lãng mạn.

Những điều còn lại, như mối liên hệ với trong nước, mà bà Trương thị Ngọc Ánh đã phát biểu, thực ra những hội đoàn địa phương đã hoàn thành rất tốt. Điển hình là hoạt động của các hội đồng hương. Sự liên hệ giữa các đồng hương, trong và ngoài nước hay trên thế giới với nhau, là một quan hệ tình cảm, gắn bó thiêng liêng và rất tự nhiên, nên không cần hô hào hay chủ trương hoặc cổ súy, bởi nó gắn liền với tình yêu quê cha đất tổ.
 
Còn nói về sự liên hệ với Đại sứ, đây đúng là một quan hệ đặc biệt, vừa có tính chất chính quyền, vừa có tính chất đồng bào. Có những việc thuộc về trách nhiệm của đôi bên, và có những việc thuộc về tình cảm con người, tình cảm đồng bào. Tùy theo tính chất mà cộng đồng và Đại sứ có dịp gặp gỡ giao lưu, theo nhiều hình thức khác nhau.

Đã là trách nhiệm thì đôi bên phải hoàn thành theo đúng qui định và luật lệ. Đã là tình cảm thì phải theo đúng đạo lý, văn hóa người Việt, trong thái độ tôn trọng sự khách quan, không thành kiến, giúp đỡ và giữ gìn đoàn kết dân tộc. Những việc này không cứ phải cần một tổ chức cử đại diện mới giải quyết được. Hơn nữa, Đại sứ càng tiếp xúc được nhiều với bà con, với nhiều thành phần, qua đó sẽ hiểu rõ tâm tư và nguyện vọng của đồng bào mình hơn. Hiện nay, theo tôi nhận xét, việc này đang có chiều hướng phát triển tốt, ngoại trừ một vài “viên sạn” cần loại bỏ, như vấn đề giải quyết giấy tờ, vấn đề lệ phí, vân vân.
 
Nói hơi loanh quanh một chút như vậy, tôi nhằm khẳng định một điều, mà từ lâu có lẽ mọi người đã nhận ra, kể từ khi xảy ra những vụ lùm xùm giữa các hội đoàn lớn nhỏ của người Việt tại CHLB Đức:

- Chúng ta hãy cố gắng giúp đỡ các hội địa phương phát triển mạnh, hoạt động tốt trong nội bộ cũng như trong vấn đề hội nhập vào nước sở tại.

- Những hội đang cùng tên, hoạt động song hành, hãy cứ để họ hoạt động song song, khuyến khích phát triển trong sự tự do cạnh tranh lành mạnh, thay vì tìm cách triệt hại nhau.

- Nên tạo cơ hội để Liên hiệp người Việt hoạt động bình thường, song song theo đó, những người không thích Liên hiệp có thể cùng nhau hợp thành một tổ chức khác, thí dụ Tổng hội người Việt, hoạt động cạnh tranh, nhằm tranh thủ sự tham gia của mọi người, thay vì đưa nhau ra toà như thời gian vừa qua, mà bây giờ nhìn lại, chẳng ai có lợi lộc gì, nếu không nói là chúng ta đã mất thời gian và công sức, lẫn tiền bạc và nhức đầu, vì phải đối phó chống nhau.

- Hãy chăm nom những thế hệ tiếp theo, tạo cơ hội phát triển tài năng của con cháu một cách tự nhiên. Đừng bắt con cháu đi theo con đường mình đã chọn. Đừng để đời sống con cháu mình bị khủng hoảng, hay lạc lỏng giữa trời Tây, chỉ vì cha mẹ muốn chúng phải sống và phụng sự tích cực đồng thời cho cả hai nền văn hóa rất khác biệt, là Đức và Việt Nam.

-Tận hưởng và góp phần bảo vệ thành quả mà nhà nước Đức đã mang tới cho ta, trong sự biết ơn, đó là một xã hội nhiều màu sắc, pháp luật công minh với an sinh, hòa bình, tự do, dân chủ và con người được tôn trọng tuyệt đối.
 
Chốt lại, chuyện thành lập một Liên hiệp hội, nhằm “thay mặt” toàn thể bà con, trên bình diện của một quốc gia, hay trên bình diện toàn cõi Âu Châu, là một ý tưởng xa rời thực tế, thiếu hiệu quả, dễ dàng bị lạm dụng, bởi cá nhân hay một nhóm lợi ích. Nhất là đối với tình hình hội đoàn hiện nay, của cộng đồng người Việt tại CHLB Đức.
 
Sa Huỳnh – Berlin, 04.11.2016

-----------

LTS:

- Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả Sa Huỳnh đang định cư tại Berlin, CHLB Đức.

- Vì tác giả còn gửi đăng đồng thời ở báo khác nữa nên chúng tôi không biên tập lại. Ví dụ trong đoạn sau "Với số tiền gần 130 ngàn Euro thu được sau 2 tuần tại Berlin, cộng với tiền bà con đóng góp ở những nơi khác trên nước Đức, theo tin tức báo chí, chúng ta đã đạt đến gần 300 ngàn. Số tiền này sẽ được BTC mang về trao tận tay những người của 4 tỉnh miền Trung, bị đại họa lũ lụt vứa qua... ", chúng tôi cho rằng viết như vậy dễ hiểu nhầm, cần sửa lại hoặc có chú thích. BTC không thể mang về "gần 300 ngàn", mà chỉ cử người mang về "gần 130 ngàn" do BTC thu được mà thôi. 

- Các ý kiến tham luận (nếu có thể gây nên tranh cãi) cần kèm theo thông tin bản thân của người viết (sẽ không đăng) để Tòa soạn liên hệ trong trường hợp xảy ra kiện cáo.  

Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  • Nguyễn Thị Thuỳ

    Hay hì các bác !

    Chưa đại hội mà Chủ tịch & điều lệ LHNV toàn châu âu đã được toà phê chuẩn rồi thì còn đại hội để làm gì?

    Cái LHNV toàn CHLBĐ thì đến đại hội chỉ được bỏ phiếu bầu Chủ tịch & BCH . Không được hỏi , có hỏi đoàn chủ tịch cũng không trả lời , ngay đến trích ngang của các đề cử viên đại biểu cũng không được biết .

    (ngoại trừ , ông A đến từ Berlin - bà C đến từ Bochum vv.)

    Phải chăng cứa là LH thì đươc áp dụng một luật lệ riêng ??? Và được các vĩ nhân chèo lái (!?).

      Nguyễn Thị Thuỳ   07/11/2016 00:32
  • Vũ Hải Dương

    Những ai đi dự vậy ?

    Mong các bác, đi dự ở Praha, viết lại cho công luận biết, bầu vị chủ tịch đã xảy ra như thế nào ?

      Vũ Hải Dương   05/11/2016 16:11
  • Nguyễn quốc Tuấn

    Tô đã đọc bài viết của anh Sa Huỳnh trên trang báo người Việt .de.

    Thật lực cười lại thêm một hội đoàn nữa ra đời mà là Hội người Việt ở Âu châu!

    Có phải là để đánh bóng cho nhóm hay không? Hay vì một cộng đồng người Việt Âu châu vững ? Thật là lực cười

    Một nhóm người mà chưa hoạt động tốt thì làm gì có cả một hội Âu châu thống nhất hãy thực tế một chút .

    Tội nói ví dụ khi toàn thể cộng đồng tại Đức kêu gọi quyên góp ủngg hộ miền trung lũ lụt thì có những vị chủ tịch của một hội không hề động tĩnh không quan tâm đến hội viên thì hỏi rằng thành lập hội để làm gì ?

    Và bây giờ lại hội Âu châu thật là ảo tưởng và không thực tế .

      Nguyễn quốc Tuấn   05/11/2016 05:47

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Cảm nhận mới nhất
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây